21/03/2012 - 22:07

Nâng chất "hạt ngọc" đồng bằng

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới. Để giữ vững thành quả này, ngoài những chính sách nông nghiệp hợp lý đang được Nhà nước áp dụng thì việc chủ động đầu tư máy móc thiết bị hiện đại trong công nghiệp chế biến gạo được xem là yếu tố góp phần rất lớn trong nâng cao giá trị xuất khẩu của hạt gạo trên thị trường...

* Hoàn thiện chất lượng hạt gạo

 Nhờ áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, giá trị hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cao trên thị trường thế giới.  

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa của cả nước. Nơi đây, hàng năm sản xuất trên 21 triệu tấn lúa (trong năm 2011, đạt 23 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so với năm 2010), chiếm khoảng 54% lượng lúa, chiếm 90-95% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, suốt nhiều năm, nghịch lý của vựa lúa ĐBSCL là sản lượng cao nhưng lại bị cạnh tranh khá gay gắt của gạo ngoại ở thị trường nội địa. Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng này là do chất lượng lúa gạo của ĐBSCL không cao - đó là kết quả của một chuỗi sản xuất, từ khâu chọn giống đến bảo quản sau thu hoạch còn nhiều yếu kém. Không chỉ vậy, tuy là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới nhưng nhiều năm qua, hầu hết sản lượng gạo Việt Nam đều là loại gạo thường, có giá trị thấp.

Thời gian gần đây, các tỉnh ĐBSCL đầu tư máy móc thiết bị hiện đại đã góp phần giải phóng sức lao động của con người trong sản xuất lúa gạo. Hiện nay, nhân công lao động tại các nhà máy chế biến giảm 50% so với trước đây. Không chỉ vậy, người nông dân từ chỗ phải “vác lúa bằng vai và cắt lúa bằng liềm” thì nay đã đầu tư mua máy sạ hàng, máy gặt đập liên hợp sử dụng trong qui trình sản xuất lúa. Nhờ đó, chi phí sản xuất lúa đã giảm khoảng 1-2 triệu đồng/ha so với thu hoạch bằng tay, lượng lúa tổn thất sau thu hoạch (thu hoạch, vận chuyển, chế biến...) từ 11-12% giảm còn 1-3%. Nâng cao giá trị hạt gạo, nhiều doanh nghiệp chế biến không ngừng đầu tư máy móc thiết bị hiện đại trong qui trình chế biến và bảo quản. Trong những năm gần đây, công nghệ chế biến gạo phát triển khá nhanh về qui mô. Từ qui trình xay xát, sàng tuyển và đóng bao, đến phân loại kích thước, đánh bóng và sấy khô gạo, các doanh nghiệp chế biến gạo đầu tư các công nghệ hiện đại như máy tách màu, đóng gói... Với các công nghệ này, doanh nghiệp đã nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh “hạt ngọc” ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.

Là một doanh nghiệp đi đầu trong ngành xuất khẩu gạo, Công ty Gentraco xác định việc đầu tư máy móc thiết bị công nghệ chế biến hiện đại đóng vai trò lớn trong việc nâng cao giá trị hạt gạo, tạo thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Năm 2009, Công ty TNHH MTV Gạo Việt, thuộc Công ty Cổ phần Gentraco, chính thức được đưa vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 30 tỉ đồng, công suất chế biến đạt 25-30 tấn/giờ. Hiện tại, nhà máy hoạt động với dây chuyền sản xuất từ gạo nguyên liệu được làm trắng, lau bóng, tách màu và đóng gói xuất khẩu. Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Gạo Việt, cho biết: “Trong 10 năm kinh doanh ngành hàng gạo, chúng tôi hiểu, muốn tồn tại, doanh nghiệp phải tìm giải pháp đổi mới trang thiết bị nhằm nâng chất hạt gạo trên thị trường xuất khẩu. Từ đó, ngoài việc chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, công ty còn đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, đặc biệt trong việc đầu tư máy tách màu để chất lượng hạt gạo được nâng cao, từ đó công ty có thể chủ động những đơn đặt hàng, kể cả những thị trường khó tính”.

Chỉ tham gia ngành gạo từ cuối tháng 10 – 2010, nhưng Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã xây dựng 4 nhà máy chế biến gạo hiện đại tại các vùng nguyên liệu lớn. Bao gồm: Vĩnh Bình (tỉnh An Giang) đang hoạt động giai đoạn I, công suất 100.000 tấn/năm; nhà máy Thoại Sơn (tỉnh An Giang) công suất 200.000 tấn/năm; Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) và Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) với qui mô hoạt động 200.000 tấn/năm/nhà máy. Ông Lê Minh Phương, Phó Giám đốc ngành gạo, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết: “Trong ngành gạo, công ty chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật, nhân viên kỹ thuật tư vấn công nghệ chăm sóc, thu mua. Cùng đó, nhà máy chế biến được đầu tư công nghệ hiện đại khép kín từ khâu sấy lúa, bóc tách vỏ, làm trắng, lau bóng, tách màu, đóng gói xuất khẩu”.

Chuyên về chế biến gạo chất lượng cao xuất khẩu nên việc đầu tư thiết bị cải tiến kỹ thuật công nghệ luôn được Công ty TNHH Trung An đặt lên hàng đầu. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, nhận định: Trong nguồn vốn hoạt động sản xuất, công ty luôn ưu tiên đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để hoàn thiện giá trị hạt gạo. Từ năm 2004 đến nay, tổng giá trị công ty đầu tư, cải tiến máy móc, thiết bị lên trên 200 tỉ đồng. Hiện nay, Công ty TNHH Trung An áp dụng các công nghệ chế biến nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đức, Anh, Ý, Nhật ... Từ lúa tươi, nhà máy áp dụng sấy theo công nghệ tuần hoàn, chuyển sang công nghệ xay xát liên hoàn, tách màu và đóng gói xuất khẩu... nên giá trị hạt gạo không ngừng được nâng cao.

* Nâng cao giá trị “hạt ngọc”

Từ năm 2000 đến nay, gạo luôn nằm trong 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước bao gồm dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản và gạo. Nhiều ý kiến cho rằng sự thành công này là nhờ rất lớn vào việc đầu tư công nghệ sản xuất và chế biến gạo, nhất là trong công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, từng bước khẳng định được giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Với công nghệ hiện đại, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, giá trị hạt gạo luôn cao hơn 15-30 USD/tấn so với gạo sử dụng công nghệ chế biến cũ. Đặc biệt, mức chênh lệch giá trị gạo thơm Việt Nam với gạo Thái Lan ngày càng được rút ngắn, chỉ còn khoảng 130- 150 USD/tấn...

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, khẳng định: Nhờ công nghệ chế biến hiện đại, gạo của doanh nghiệp luôn đạt giá trị cao. Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp đã “đi” được các thị trường khó tính như: Malaysia, Hồng Công, Đức... Không chỉ ở giá thành xuất khẩu cao, sản phẩm gạo áp dụng công nghệ chế biến hiện đại còn dễ dàng tiêu thụ. Trong thời gian tới, bên cạnh tập trung xây dựng vùng nguyên liệu với vùng cánh đồng mẫu lớn tại huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), Công ty TNHH Trung An sẽ đầu tư máy sấy hiện đại, kho chứa ngay tại vùng nguyên liệu.

Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Gạo Việt, nhận định: Nhờ công nghệ chế biến hiện đại, giá trị hạt gạo cao hơn 15-25USD/tấn sau khi tách màu, điều chỉnh được tỷ lệ phần trăm hạt màu theo đơn đặt hàng của khách hàng so với việc dừng lại công nghệ lau bóng. Theo kế hoạch phát triển, công ty đang xây dựng nhà máy chế biến theo qui trình khép kín từ chế biến lúa tươi đến đóng gói xuất khẩu tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với mức đầu tư giai đoạn I là 100 tỉ đồng. Nhà máy này, công ty dự kiến đưa vào hoạt động trong vụ đông xuân 2012.

Với sự đầu tư mạnh về vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến đã và đang góp phần đưa Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành chế biến xuất khẩu gạo ở vùng ĐBSCL. Từ việc chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, quản lý chặt quá trình sản xuất, chế biến nên xuất khẩu gạo của công ty luôn đạt giá trị cao. Ông Lê Minh Phương, Phó Giám đốc ngành gạo Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tăng về sản lượng xuất khẩu, thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu. Bên cạnh việc hoàn thiện giai đoạn II nhà máy chế biến ở Vĩnh Bình (tỉnh An Giang) nâng công suất lên 200.000 tấn/ha, công ty sẽ xây dựng thêm nhà máy tại Bạc Liêu và Hậu Giang (dự kiến hoàn thiện vào năm 2013)...

Câu chuyện về lúa gạo ở Việt Nam có thể khẳng định là bước tiến thần kỳ. Việt Nam từ một nước đã từng biết đến với nạn đói ăn nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới. Thành công này không thể không kể đến việc đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại trong quá trình sản xuất và chế biến. Đây chính là lời giải cho bài toán giữ vững thành tích của “hạt ngọc” Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết