22/09/2008 - 09:21

Trường Cao đẳng kinh tế- kỹ thuật Cần Thơ:

Nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu phát triển

Nâng cao chất lượng đào tạo là một trong những mục tiêu trọng tâm trong lộ trình phát triển của Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật (CĐ KT KT) Cần Thơ. Trong điều kiện còn khó khăn về kinh phí đào tạo, thời gian qua, trường đã tranh thủ, thực hiện nhiều giải pháp để từng bước nâng cao trình độ đội ngũ, tạo điều kiện cho giảng viên có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến...

Giờ thực hành phân loại thức ăn của sinh viên ngành Chăn nuôi trung cấp 07B (khoa Nông nghiệp), do cô Nguyễn Ngọc Thanh Lam, giảng viên Bộ môn Chăn nuôi Thú y phụ trách, khá sinh động. Sau khi cô Lam hướng dẫn sinh viên phân biệt những loại thức ăn có chứa các chất dinh dưỡng giúp ích, các sinh viên chia thành nhóm và trao đổi, phân loại các thức ăn có chứa nhiều đạm, canxi, protein... Trong quá trình trao đổi, nếu có ý kiến chưa thống nhất thì cô Lam sẽ can thiệp, phân tích giúp sinh viên hiểu rõ. Cô Lam nói: “Để tiết học đạt hiệu quả, giảng viên phải biết cách hướng dẫn sinh viên tổng hợp bài đã học, liên hệ thực tế vào bài học sẽ giúp sinh viên nắm vững kiến thức, nhớ bài học lâu hơn”.

Giờ thực hành phân loại thức ăn của sinh viên ngành Chăn nuôi trung cấp 07B, Trường CĐ KT KT Cần Thơ. 

Cô Nguyễn Ngọc Thanh Lam, quê ở Đồng Tháp, có con nhỏ nhưng cô vẫn cố gắng sắp xếp công việc để theo học lớp cao học chuyên ngành Chăn nuôi ở Trường Đại học Cần Thơ. Cả hai vợ chồng cô đều là viên chức, tiền lương hàng tháng chỉ tạm đủ chi cho sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, khi cô Lam đi học, cả hai vợ chồng phải chi tiêu hết sức tiết kiệm. Cô Lam nói: “Khó khăn nhất là giai đoạn làm đề tài tốt nghiệp. Lúc đó, tôi mới sinh con được 4 tháng, sức khỏe hơi yếu, có lúc tưởng mình khó có thể vượt qua. Cũng nhờ gia đình động viên, Ban Giám hiệu và đồng nghiệp hỗ trợ, cuối cùng tôi cũng bảo vệ đề tài tốt nghiệp thành công. Sắp tới, nếu có điều kiện, tôi sẽ sắp xếp công việc gia đình, cơ quan để tiếp tục học lên nữa”. Hơn 30 tuổi đời, với 8 năm tuổi nghề, cô Lam là một trong những giáo viên của trường luôn nỗ lực vượt khó để nâng cao trình độ.

Hiện nay, Trường CĐ KT-KT Cần Thơ có 134 cán bộ, giảng viên. Trong đó, có 28 tiến sĩ, thạc sĩ và 20 cán bộ đang học thạc sĩ, làm nghiên cứu sinh ở các chuyên ngành kinh tế, nông nghiệp... Thạc sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, cho biết: “Để cán bộ, giảng viên yên tâm khi tham gia các lớp học, trường luôn tạo mọi điều kiện về thời gian và hỗ trợ một phần kinh phí”. Những cán bộ, giảng viên đi học đều được hưởng lương bình thường. Trường bố trí thời gian giảng dạy hợp lý cho những giảng viên được cử đi học sau đại học. Đồng thời, động viên các giảng viên khác hỗ trợ công việc cho nhau...

Ngoài ra, Ban Giám hiệu trường còn tranh thủ nguồn tài chính của một số chương trình, đề án của địa phương, trung ương để tạo điều kiện cho giảng viên theo học sau đại học. Chẳng hạn như: Đề án Cần Thơ 150, Chương trình 165 của Thành ủy Cần Thơ, Chương trình 20.000 tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT). Song, muốn học sau đại học theo các đề án, chương trình này, đòi hỏi cán bộ, giảng viên giỏi về ngoại ngữ, tin học. Vì thế, trường đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng Ngoại ngữ, Tin học cho cán bộ, giảng viên. Hiện nay, trường có 6 cán bộ, giảng viên chuẩn bị dự tuyển vào các lớp sau đại học theo Chương trình 165 của Thành ủy Cần Thơ, Chương trình 20.000 tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với những nỗ lực trên, đến nay trường đã có đội ngũ giảng viên khá vững vàng về chuyên môn, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo. Nếu như năm 2004, khi mới được nâng cấp từ trường trung cấp thành trường cao đẳng, trường chỉ mới có 10 cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học thì nay đã có 28 cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học. Theo thạc sĩ Huỳnh Thanh Nhã, kết quả trên là nhờ sự đồng lòng nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ, giảng viên. Tuy vậy, lực lượng cán bộ, giảng viên hiện nay chỉ đủ đáp ứng yêu cầu, qui mô đào tạo học sinh, sinh viên hệ chính qui, nhưng chưa thể đáp ứng kịp so nhu cầu đào tạo hệ vừa làm vừa học. Ngoài ra, theo lộ trình phát triển từ nay đến năm 2015, qui mô đào tạo của trường sẽ mở rộng khoảng 3.000 học sinh, sinh viên/ năm thì trường cần ít nhất khoảng 140 giảng viên. Trong đó phải có 50% giảng viên có trình độ thạc sĩ và 30% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Thạc sĩ Huỳnh Thanh Nhã nói: “Để đảm bảo có được lực lượng giảng viên vững về số lượng, chất lượng, song song với việc đưa giảng viên đi học, trường còn phải đề nghị UBND TP Cần Thơ cho phép tuyển thêm giảng viên mới, tạo điều kiện cho các giảng viên mới tham gia các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy đại học... Trường cũng qui định trong thời gian công tác, mỗi giảng viên phải cố gắng phấn đấu để đạt được học vị thạc sĩ, tiến sĩ”.

Hiện nay, trường cũng gặp không ít khó khăn khi cử một lực lượng lớn cán bộ giảng viên đi học. Thường thì kế hoạch được triển khai đầu năm học, mỗi giảng viên đều được bố trí giờ dạy nhưng đến giữa học kỳ một số cán bộ đi học, công việc phải sắp xếp lại, ít nhiều gây bị động cho trường. Mặt khác, do là trường công lập nên nguồn kinh phí hạn chế. Vì thế, các giảng viên đi học tuy được hưởng lương, hỗ trợ một phần chi phí học tập nhưng đời sống vẫn còn khó khăn... Thạc sĩ Huỳnh Thanh Nhã nhấn mạnh: “Trong tương lai, trường sẽ phát triển, nâng lên thành đại học. Chúng tôi đang phấn đấu đến cuối năm nay sẽ công bố chuẩn chất lượng đào tạo và cuối năm 2010 sẽ chuyển đào tạo theo niên chế sang học chế tín chỉ... Để đạt được mục tiêu này, một trong những yếu tố quan trọng là phải xây dựng được lực lượng cán bộ cơ hữu có trình độ chuyên môn cao. Vì thế, trường cố gắng tạo mọi điều kiện, khuyến khích giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và phát triển trong giai đoạn mới”.

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết