04/04/2019 - 09:01

Nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp với người tiêu dùng 

Tại Lễ phát động Ngày quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam 2019 tổ chức tại TP Cần Thơ, Bộ Công Thương công bố triển khai đề án Chương trình doanh nghiệp vì NTD. Ðây là kim chỉ nam nhằm giúp doanh nghiệp thực thi đúng quy định của pháp luật về quyền lợi NTD; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình; thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh vì NTD của doanh nghiệp...

Kiểm soát tốt thị trường cũng là cách bảo vệ quyền lợi NTD. Trong ảnh: Cục Quản lý thị trường  TP Cần Thơ kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn TP Cần Thơ.

Ngày 18-10-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1997/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng nội dung cụ thể của Chương trình doanh nghiệp vì NTD (gọi tắt là Chương trình). Chương trình nhằm giúp doanh nghiệp thực thi đúng quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình, thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh vì NTD của doanh nghiệp; tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao kiến thức về bảo vệ quyền lợi NTD; xây dựng kênh thông tin, định hướng để NTD có thể lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, sản phẩm chất lượng...

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cam kết, Cần Thơ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và NTD, tích cực xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD, xây dựng thành phố phát triển bền vững.

Chương trình xác định mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 150 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng được tư vấn, đăng ký tham gia Chương trình. Mỗi năm có khoảng 25-30% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình được cấp chứng nhận "Doanh nghiệp vì NTD". Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên di động để NTD và tổ chức, cá nhân có liên quan có thể truy cập tìm kiếm, xác minh, xác thực các doanh nghiệp được cấp chứng nhận. Xây dựng và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá về doanh nghiệp vì NTD, là kênh thông tin để NTD cân nhắc, lựa chọn doanh nghiệp, sản phẩm có uy tín, vì quyền lợi của NTD. Chương trình gồm 3 nhóm hoạt động: các hoạt động hướng dẫn, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với NTD Việt Nam; triển khai chương trình chứng nhận Doanh nghiệp vì NTD; xây dựng hệ thống thông tin để NTD và tổ chức, cá nhân có liên quan có thể truy cập tìm kiếm và xác minh các doanh nghiệp được cấp chứng nhận.

Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, trong đó lựa chọn và chứng nhận sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Đây là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chương trình chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chủ trì thực hiện cũng đã và đang nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng, Chương trình sẽ tạo ra lợi ích to lớn đến NTD và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong  xã hội.

 Theo Bộ Công Thương, Chương trình được triển khai rộng rãi sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD cũng như nâng cao hiệu quả thực thi công tác này trên toàn quốc. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo và phục vụ, thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp được xem là "xương sống". Về lâu dài, việc thực hiện thành công của Chương trình sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển nhanh, ổn định và bền vững của nền kinh tế - xã hội.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Trong những ngày đầu năm 2019, công tác bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả thực thi các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, công tác bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế như: nhận thức của các bên về bảo vệ quyền lợi NTD chưa đầy đủ; nguồn lực để thực hiện bảo vệ quyền lợi NTD còn nhiều thiếu sót, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; năng lực thực thi pháp luật còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm và hỗ trợ NTD nâng cao khả năng tự bảo vệ... Những vấn đề này, Bộ Công Thương và UBND các địa phương trong cả nước đã nhìn nhận để tập trung khắc phục, cải tiến tốt hơn trong thời gian tới.

 Trong những năm qua, cùng với các địa phương, TP Cần Thơ cũng tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Đó là xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh; đầu tư công tác khuyến công nhằm ngày càng đa dạng, nâng chất sản phẩm hàng hóa phục vụ NTD; tạo điều kiện phát triển hệ thống kinh doanh hàng hóa. Đồng thời, các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến NTD...

Bảo vệ quyền lợi NTD luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm,  trong bối cảnh tình trạng vi phạm quyền lợi NTD đang ngày càng diễn ra với phạm vi rộng, đa dạng, tinh vi hơn. Đặc biệt, trong nền kinh tế hội nhập, vấn đề bảo vệ NTD cũng đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn. Do vậy, để công tác bảo vệ quyền lợi cho NTD tốt, cần có sự phối hợp nhịp nhàng và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của các tổ chức, hiệp hội bảo vệ quyền lợi NTD và sự vào cuộc của các cơ quan báo chí. Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tiến hành thường xuyên, công tác tuyên truyền, giáo dục phải tăng cường lượng thông tin kiến thức có liên quan một cách đầy đủ, kịp thời, giúp NTD tự bảo vệ chính mình. Cùng đó, cộng đồng doanh nghiệp cần nhận thức, tôn trọng NTD, lấy NTD làm động lực cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm của mình trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD; cam kết tích cực xây dựng môi trường kinh tế lành mạnh, môi trường cạnh tranh công bằng để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ quyền
lợi NTD.

Bài, ảnh: Nam Hương

Chia sẻ bài viết