07/11/2017 - 08:56

Nâng cao năng lực giám sát, phản biện 

Mới đây, Ban Thường trực UBMTTQVN TP Cần Thơ và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực giám sát (GS), tư vấn, phản biện và giám định xã hội”. Hội thảo nhằm tìm những giải pháp nâng cao chất lượng GS, tư vấn, phản biện và giám định xã hội của MTTQVN và các thành viên. Qua đó, góp phần thiết thực trong việc đóng góp xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo.

 

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất nhận định: MTTQVN và các tổ chức thành viên đã thực hiện khá tốt công tác GS và phản biện xã hội. Ở TP Cần Thơ, hơn 3 năm qua, Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố đã tổ chức 141 cuộc GS và tham gia 68 cuộc GS; cấp quận, huyện tổ chức và tham gia 327 cuộc GS; cấp xã, phường, thị trấn GS và tham gia 230 cuộc GS; Ban thanh tra nhân dân và Ban GS đầu tư của cộng đồng ở cơ sở thực hiện trên 1.500 cuộc GS. Qua GS, tái GS, đã phát hiện nhiều vấn đề còn lỏng lẻo và sai sót, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền uốn nắn, chấn chỉnh... Mặt trận các cấp trong thành phố đã tập hợp các nhà khoa học, nhà quản lý, các nhân sĩ trí thức tổ chức gần 200 cuộc phản biện xã hội (PBXH) và góp ý kiến đối với các nội dung có ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu phát triển KT-XH, đời sống của người dân… Liên hiệp Các hội KH&KT thành phố đã thực hiện tư vấn, phản biện các quy hoạch chỉnh sửa bổ sung các quy hoạch kinh tế- xã hội quận, huyện, quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ của thành phố đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030; tham gia Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ thành phố hằng năm; phản biện nhiều chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp thành phố và quận, huyện…

Các đại biểu cũng phân tích những hạn chế của hoạt động GS và PBXH thời gian qua. Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Cần Thơ cho rằng, một số tổ chức chưa quan tâm đúng mức đến công tác GS và PBXH, thậm chí ngại khó hoặc không muốn làm; có cơ quan, đơn vị, cho rằng việc ban hành chủ trương, chính sách là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Những nơi quan tâm đến công tác này thì lúng túng trong lựa chọn nội dung GS và PBXH hoặc PBXH còn mang tính hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc theo dõi thực hiện sau GS và PBXH chưa tốt...

Còn theo ông Tống Văn Nhịn, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ, hiện nay, công tác GS và PBXH của Mặt trận, các đoàn thể chủ yếu là theo hình thức góp ý, đề xuất, kiến nghị chứ chưa có nhiều ý kiến góp ý về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền và đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền. Bên cạnh đó, kỹ năng, trình độ GS và PBXH của cán bộ cũng còn hạn chế; việc xác định nội dung GS và PBXH mang nặng tính hình thức; có những nội dung cần nhưng không GS và PBXH…

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động GS, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, ông Dương Việt Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH&KT tỉnh Cà Mau đề nghị các cơ quan thực hiện GS, tư vấn, phản biện và giám định xã hội cần chủ động đề xuất và huy động các nhà khoa học chuyên ngành tham gia thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Nguyễn Sinh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN thành phố cho rằng việc tư vấn, GS và PBXH cần được tiến hành công khai, tổ chức chu đáo với ý thức trách nhiệm đầy đủ của những đơn vị được tư vấn, GS và PBXH. Đặc biệt, các ý kiến tư vấn, GS và PBXH, cần được ghi nhận và tiếp thu, hồi âm trở lại kịp thời, tránh tình trạng đối tượng được tư vấn, GS và PBXH không tiếp thu nghiêm túc, rồi “đâu lại hoàn đó”.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng Ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên hiệp Các hội KH&KT Việt Nam, đề nghị cần tạo lập cơ sở pháp lý cho việc chuyển từ cơ chế “lấy ý kiến” sang cơ chế “tham gia” đóng góp ý kiến của nhân dân và của các chuyên gia, các nhà khoa học. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách động viên, ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật… Về phía các cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, đề nghị: “Chủ thể GS và PBXH cần phải có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn, có năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề để thuyết phục đối tượng được GS…”.

Bài, ảnh: THANH THY 

Chia sẻ bài viết