18/09/2012 - 20:38

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các DN nhỏ và vừa rất cần chính sách hỗ trợ của địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của DNTN Cơ khí Trung Anh – quận Cái Răng.
Ảnh: MINH HUYỀN

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn thành phố đã có những bước phát triển không ngừng cả về số lượng cũng như chất lượng. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) vẫn còn thấp. Do vậy, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ nghiên cứu đề tài "Các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV trên địa bàn TP Cần Thơ vượt qua khủng hoảng" nhằm giúp DNNVV tìm ra giải pháp trong bối cảnh kinh tế hội nhập và khó khăn như hiện nay...

Năng lực cạnh tranh của DNNVV thấp: Vì sao?

DNNVV trên địa bàn thành phố có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội, chiếm khoảng trên 90% tổng số DN đăng ký thành lập của thành phố, chiếm khoảng 40% GDP của thành phố, góp phần vào sự tăng trưởng và ổn định kinh tế – xã hội, giải quyết công ăn việc làm và các vấn đề xã hội khác. Song, trong quá trình hoạt động, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DNNVV.

Đa phần các DNNVV trên địa bàn thành phố có quy mô vốn còn nhỏ; qua khảo sát 1.470 DN của nhóm thực hiện đề tài, cho thấy: DN có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng chiếm 81,63%; quy mô vốn từ 10-20 tỉ đồng chiếm 9,52% và chỉ có 2,72% DN có vốn từ 50-100 tỉ đồng. Chính vì quy mô vốn nhỏ đã giảm lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, thị trường thu hẹp, khả năng "đề kháng" của DN yếu dễ rơi vào tình cảnh thu hẹp hay ngừng hoạt động nếu không được hỗ trợ kịp thời. Thêm vào đó, cơ cấu nguồn vốn của các DNNVV trên địa bàn thành phố chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có, tích lũy từ khi khởi nghiệp hay tích lũy từ chính kết quả sản xuất kinh doanh. Kết quả khảo sát cho thấy có 76% DN nguồn vốn kinh doanh dựa vào vốn tự có và 5,33% là nguồn vốn khác. Vì vậy, khi hoạt động sản xuất không thuận lợi, khó khăn về nguồn vốn lại đè nặng lên DN và DN sẽ gặp khó trong mở rộng sản xuất. Một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến giảm năng lực cạnh tranh của DNNVV là khả năng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân hàng thương mại. Các DN này có quy mô nhỏ, tài sản đảm bảo thiếu tính pháp lý, rủi ro kinh doanh tiềm ẩn… việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng khó khăn hơn trong khi lãi suất vay vốn khá cao so với tỷ suất lợi nhuận thu được trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã dần "bào mòn" năng lực của DN.

Trong những năm qua, DNNVV trên địa bàn thành phố đã có những đổi mới công nghệ và trang thiết bị chuyển giao từ các nước công nghiệp phát triển. Song, tốc độ đổi mới công nghệ và trang thiết bị còn chậm, chưa đồng đều và chưa theo một định hướng nhất định. Số DN có trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu chiếm gần 84%. Ngoài ra, năng lực quản lý và điều hành còn nhiều bất cập. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các DNNVV chưa chú trọng đến xây dựng chiến lược kinh doanh, điều hành, chủ yếu là xử lý tình huống với công việc, chưa thấy được yêu cầu của quản lý hiện đại. Đại bộ phận DN không có mục tiêu dài hạn và chiến lược phát triển. Hoạt động của DN chủ yếu được xác lập thông qua các kế hoạch vận hành ngắn hạn, phần lớn là kế hoạch tháng, thậm chí ngắn hơn. Hầu hết các DNNVV chưa vận hành hệ thống tài chính một cách khoa học và minh bạch, phần lớn chỉ mới chú trọng đến chức năng kế toán nhằm ứng phó với cơ quan thuế.

Đa phần các DNNVV chưa tạo được môi trường làm việc đáp ứng nhu cầu của người lao động. Do đó, mức độ gắn bó giữa nhân viên và DN rất thấp, tỷ lệ thay đổi nhân sự khá cao. Về quản trị thương hiệu và marketing, có 42,6%/150 DN được phỏng vấn chưa tính đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Rất ít DN nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chủ yếu tập trung đầu tư sản xuất những sản phẩm truyền thống, do thuận lợi về nguồn nguyên liệu tại chỗ hoặc các vùng lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV

Từ những thực trạng về hoạt động của DNNVV trên địa bàn TP Cần Thơ, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV. Trong đó, cần được ưu tiên giải quyết các vấn đề về đổi mới trang thiết bị, công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; khơi thông nguồn vốn và năng lực về vốn, thị trường, chi phí sản xuất, cải thiện môi trường thể chế. Để làm được điều đó, các DN cần đa dạng hóa nguồn lực tài chính; nâng cao tính chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu rõ tính năng, tiện ích của sản phẩm dịch vụ cũng như cách thức tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của tổ chức tài chính. Đồng thời, DN có những hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp; đánh giá chính xác trình độ trang thiết bị, công nghệ hiện có của DN, từ đó có kế hoạch đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, DN cần tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, hoàn thiện chiến lược sản phẩm, phân phối và hệ thống bán hàng; chủ động xây dựng và triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý môi trường... Bên cạnh những nỗ lực của DN, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các DNNVV. Chẳng hạn, đổi mới và hoàn thiện thể chế, gồm: thể chế về đầu tư, đất đai, vốn... đối với DNNVV; hỗ trợ các DNNVV tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực công nghệ, mặt bằng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực...

Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Ngô Hướng, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Địa phương nghiên cứu tổ chức để các DN cùng các trường cao đẳng, đại học và ngân hàng nên có sự giao lưu tiếp xúc với nhau trong một định kỳ nhất định. Qua đó, DN có thể đưa ra những yêu cầu hay những khó khăn của họ để các trường cao đẳng, đại học và ngân hàng có thể xem xét và giúp đỡ DN. Bên cạnh đó, các trường có thể nghiên cứu các đề án giúp đỡ DN, đưa chương trình thực tập của sinh viên gắn liền với các hoạt động sản xuất kinh doanh của địa phương. UBND thành phố cần có chiến lược kinh doanh những sản phẩm lợi thế của địa phương, từ đó triển khai các chương trình sản xuất kinh doanh với sự tham gia của các DNNVV. Xây dựng cụm DN có sự liên kết cùng phát triển, sẽ có những DN chuyên cung cấp nguyên liệu, DN sản xuất, DN bán ra thị trường, DN đưa sản phẩm ra thị trường... Qua đó, tổ chức sản xuất của từng doanh nghiệp chuyên môn hóa hơn thay vì đào tạo da dạng. Hoặc có thể tạo liên kết giữa DNNVV với DN lớn. Chẳng hạn, DNNVV thực hiện từng phần của sản phẩm, chẳng hạn may đế giày, dây giày… và DN lớn sẽ ráp lại các phần tạo thành đôi giày hoàn chỉnh đưa ra thị trường...

Ông Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ, nói: Vấn đề đặt ra không phải các DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh với nhau, mà các DN cần liên kết với nhau trong chuỗi ngành hàng tạo ra sức mạnh chung để cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, vai trò của Hiệp hội cần được quan tâm, bởi Hiệp hội là cầu nối giữa DN và chính quyền địa phương. Khi tiếng nói của Hiệp hội được chính quyền quan tâm sẽ tạo kết nối giữa các DN với nhau...

T.Trinh

Các DN nhỏ và vừa rất cần chính sách hỗ trợ của địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong ảnh:

Chia sẻ bài viết