09/10/2016 - 15:12

Ứng dụng thương mại điện tử:

Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp

Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, nắm bắt thị trường, tăng niềm tin, thúc đẩy doanh số và tối ưu hóa chi phí… Song, cần tạo lập hành lang pháp lý trong hoạt động kinh doanh TMĐT, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

Theo Cục Công tác phía Nam, Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng 52 triệu người sử dụng Internet, có trên 35 triệu người sử dụng điện thoại thông minh. Trong đó, mỗi ngày có khoảng 45% người tìm kiếm thông tin mua hàng và 27% người đặt mua hàng qua điện thoại… Kết quả, doanh số TMĐT giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam năm 2015 đạt 4,08 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng từ 25-30%/năm. Chính vì thế, mô hình kinh doanh trực tuyến ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng. Song, thực trạng vi phạm về hoạt động kinh doanh TMĐT như: không đăng ký thông tin, giao dịch trên website, đánh cắp thông tin của doanh nghiệp… vẫn còn diễn ra phổ biến. Từ thực trạng này, Sở Công thương TP Cần Thơ phối hợp với Cục Công tác phía Nam tổ chức chương trình tập huấn triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TMĐT. Trong đó, tập trung phổ biến các nghị định, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nêu ra một số trường hợp vi phạm hoạt động TMĐT và các hình thức xử phạt. Đồng thời, phân loại vi phạm theo chức năng quản lý Nhà nước, hướng dẫn kiểm tra tình trạng thông báo và đăng ký website, tra cứu thông tin tên miền… Từ đó, giúp cán bộ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cập nhật những thông tin pháp lý trong công tác quản lý hoạt động TMĐT, góp phần thúc đẩy ứng dụng TMĐT, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

 Ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ.

Anh Nguyễn Thái Quang, Phụ trách kinh doanh trực tuyến Công ty cổ phần May Tây Đô, cho biết: Website không chỉ là công cụ quảng bá, cập nhật thông tin mới về doanh nghiệp mà còn là kênh giới thiệu sản phẩm mới hiệu quả đến khách hàng… Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh các công cụ trong kinh doanh trực tuyến, doanh số bán hàng qua website của Công ty cổ phần May Tây Đô tăng từ 10-20% so với trước đây. Đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh trực tuyến, Công ty còn tham gia các chương trình tập huấn về TMĐT do Sở Công thương TP Cần Thơ và ngành chức năng tổ chức. Với những thông tin được chia sẻ từ các hội thảo, chương trình tập huấn về hoạt động kinh doanh TMĐT, như: cách sắp xếp từ khóa giúp khách hàng dễ tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp, liên kết với các website để tăng hiệu quả quảng bá hình ảnh doanh nghiệp. Ngoài ra, các chương trình tập huấn TMĐT còn phổ biến các nghị định về dịch vụ và cung cấp thông tin trên internet, thông tư về quản lý hoạt động TMĐT qua ứng dụng trên thiết bị di động … Từ đó, giúp doanh nghiệp cập nhật được những thông tin hữu ích trong quản lý website, bảo mật thông tin, tránh tình trạng vi phạm về hoạt động kinh doanh TMĐT, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Văn phòng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương, năm 2015, khảo sát 800 doanh nghiệp xuất khẩu có 42% doanh nghiệp có website và 21% có phiên bản điện thoại đi dộng. Trong đó, có khoảng 19% doanh nghiệp tiếp cận đối tác qua website, sàn giao dịch, thư điện tử… Hằng ngày, có hàng triệu lượt tìm kiếm liên quan sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp và mỗi lượt tìm của khách hàng là cơ hội và tiềm năng phát triển thị trường cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Chính vì thế, TMĐT mang nhiều lợi ích, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn chủ động tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, giảm bớt các tầng lớp trung gian trong quá trình giao dịch, tăng niềm tin, tăng lợi nhuận, chủ động sản xuất, tìm kiếm thêm nhiều khách hàng và thị trường tiềm năng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Điều quan trọng hơn là giúp khách hàng tự tìm đến doanh nghiệp dễ dàng. Do đó, TMĐT được xem giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Dù mang nhiều lợi ích thiết thực, nhưng vấn đề vi phạm về hoạt động kinh doanh TMĐT, như: kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; giả mạo thông tin đăng ký, sử dụng các biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website uy tín; đánh cắp và sử dụng thông tin bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân… đang gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước cũng như trong hoạt động kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp. Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu-Xúc tiến công thương, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: Những vi phạm phổ biến trong hoạt động kinh doanh TMĐT là đưa thông tin sai lệch về doanh nghiệp, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mô tả không chuẩn về sản phẩm… gây ra những hiểu nhầm và làm mất lòng tin cho khách hàng. Đối với những trường hợp này, đơn vị quản lý Nhà nước có trách nhiệm truy tìm nguồn gốc chủ sở hữu website, tìm thông tin thực,… Trên cơ sở đó, lập biên bản xử phạt hành chính đúng với quy định của pháp luật đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp, các ngành hữu quan cần phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức triển khai một số hoạt động tập huấn phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; tập huấn kiến thức về TMĐT nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và doanh nghiệp hiểu được lợi ích ứng dụng TMĐT trong quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, giúp cho cán bộ tại các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp nhận thức được vai trò và tác động của TMĐT trong kinh doanh cũng như những mối hiểm họa xảy ra trong giao dịch TMĐT. Đồng thời, tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp qua website, liên kết với các website có uy tín, tập huấn về chống gian lận thương mại và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT. Thời gian tới, Sở Công thương các tỉnh, thành cần tạo điều kiện, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng TMĐT cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy ứng dụng TMĐT trong quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp khi hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

Chia sẻ bài viết