13/07/2018 - 21:14

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo 

Công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) tại các địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc ổn định an ninh trật tự. Tuy nhiên, tình hình KNTC của công dân ở một số địa phương vẫn có chiều hướng phức tạp. Vừa qua, Ban Nội chính Thành ủy tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC” để phân tích, làm rõ những hạn chế, đề ra những giải pháp  thực hiện công tác này tốt hơn.

Cán bộ một cửa UBND quận Bình Thủy tiếp và hướng dẫn hồ sơ cho người dân. Ảnh: T.N

Còn nhiều hạn chế

Theo Ban Nội chính Thành ủy, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 các ngành, các cấp thành phố đã tiếp 5.503 lượt công dân đến KNTC, phản ánh, kiến nghị; 14 lượt đoàn khiếu nại đông người; tiếp nhận 4.188 đơn, đã giải quyết 404/445 đơn thuộc thẩm quyền, đạt 91%. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, công an, kiểm sát, tòa án, thi hành án… cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ và phối hợp tiếp công dân, tăng cường đối thoại, giải quyết KNTC, không có đơn tồn đọng. Đồng thời, các cơ quan tư pháp thường xuyên phối hợp rà soát, giải quyết KNTC theo quy chế đã ký kết.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song thực tiễn công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC vẫn còn tồn tại, hạn chế. Ông Đinh Công Út, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, cho biết: “Trong công  tác quản lý nhà nước về giải quyết KNTC, một số địa phương, đơn vị chưa thật sự chủ động trong nắm bắt tình hình; ban hành văn bản chỉ đạo nhưng thiếu đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xác minh giải quyết KNTC theo thẩm quyền đối với một số vụ việc còn kéo dài, chưa đảm bảo thời gian theo quy định. Một số địa phương, đơn vị tiếp công dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực với người dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh; tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn công dân không đúng quy định còn xảy ra”.

Ông Nguyễn Văn Mun, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ, cho rằng: “Một số địa phương, đơn vị bố trí cán bộ tiếp công dân, giải quyết KNTC còn thiếu kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ; phòng tiếp công dân còn sử dụng chung với HĐND; chưa có nội quy, quy chế tiếp công dân; chưa có sổ theo dõi, ghi chép việc tiếp công dân theo quy định. Có vụ việc Hội đồng hòa giải không đủ thành phần khi tiến hành hòa giải...”. Một số sở, ngành cũng khẳng định nguyên nhân phát sinh KNTC trong thời gian qua do cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa đồng bộ; nhất là chính sách về đất đai; một số trường hợp chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, chưa phù hợp với thực tế trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất qua các thời kỳ; quy hoạch sử dụng đất có lúc chưa đảm bảo công khai đến người dân trong vùng dự án. Mặt khác, một bộ phận người dân chưa hiểu đúng hoặc không tuân thủ pháp luật, cố tình không chấp hành các quyết định giải quyết dẫn đến nhiều vụ việc dai dẳng kéo dài, vượt cấp…

Cần sự quyết liệt từ người đứng đầu

Để công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đạt hiệu quả, ông Huỳnh Văn Ri, Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ, cho rằng: “Các đơn vị, địa phương cần bố trí cán bộ, công chức nhất là cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết KNTC có trình độ chuyên môn vững vàng, nắm chắc các quy định của pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, phải tuân thủ các thủ tục, quy trình giải quyết KNTC theo quy định. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công dân, nhất là pháp luật về KNTC để công dân nâng cao nhận thức, hạn chế khiếu nại không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và khiếu nại vượt cấp”.

Ông Lý Đạt Lợi, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường, TP Cần Thơ, đề xuất: “UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo cơ quan tham mưu trong lĩnh vực KNTC kiểm tra và nhắc nhở Chủ tịch UBND quận, huyện quan tâm chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết tranh chấp đúng thời gian và báo cáo kết quả triển khai theo quy định; kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, ban hành quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với việc thu hồi đất nông nghiệp, liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại”.

Ông Lê Đắc Cảnh, Phó Chánh Thanh tra TP Cần Thơ, nhấn mạnh việc đối thoại trực tiếp giữa những người đứng đầu đơn vị, địa phương với người dân nhằm lắng nghe, giải thích, giải quyết kịp thời bức xúc của người dân thì mới hạn chế phát sinh KNTC. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ này. Đồng thời quan tâm củng cố cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng  Ban Nội chính Thành ủy đánh giá những phân tích, nhận định cũng như những giải pháp mà các đại biểu chia sẻ đã thể hiện sự quan tâm trong chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC tại mỗi đơn vị. Đồng thời lưu ý thời gian tới, các địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền thông tin về giải quyết KNTC ở các lĩnh vực, nhất là đất đai, xây dựng nhà ở; chú ý những nơi quy hoạch để tránh tình trạng phức tạp, phát sinh khiếu nại do không được bồi thường thỏa đáng khi thực hiện dự án. Các đơn vị, địa phương cần giải quyết kịp thời các vụ việc KNTC không để tồn đọng, tạo thành điểm nóng...

PHI YẾN

Chia sẻ bài viết