19/09/2011 - 21:28

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP Ở TP CẦN THƠ

Nâng cao giá trị theo vùng sản xuất

Sản xuất lúa giống tại Hợp tác xã Nông nghiệp giống Trung An, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ. 

Theo tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, cùng với cả nước, đất cho sản xuất nông nghiệp (SXNN) của TP Cần Thơ đang bị thu hẹp dần. Vì thế, hướng SXNN ổn định, theo nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn là mục tiêu đặt ra trong quá trình phát triển nông nghiệp thành phố...

* SXNN THEO HƯỚNG TĂNG GIÁ TRỊ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp giảm; chịu tác động của suy thoái kinh tế, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi; giá cả mặt hàng nông thủy sản biến động bất lợi cho sản xuất... Tuy nhiên, SXNN của thành phố những năm qua vẫn đạt kết quả đáng khích lệ. Tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp của thành phố giai đoạn 2009- 2010 tăng 19% so với bình quân giai đoạn 2004-2008. Giá trị SXNN năm 2010 đạt 33,8 triệu đồng/ha, tăng 20% so với bình quân so với giai đoạn 2004-2008... Kết quả này, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: Cơ cấu sản xuất nông lâm, ngư nghiệp của thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung chuyên canh, luân canh phù hợp với từng địa bàn, với mô hình sản xuất có hiệu quả như: lúa - cá, lúa - màu, kinh tế vườn kết hợp du lịch, nuôi thủy sản chuyên canh... Nhờ đó, SXNN của thành phố từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với nhu cầu thị trường.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, sản xuất lúa là một ví dụ cho quá trình phát triển SXNN của thành phố. So với bình quân giai đoạn 2004-2008, việc sản xuất lúa ở TP Cần Thơ chỉ bằng 6% về diện tích gieo trồng nhưng năng suất, sản lượng tăng tương ứng là 7,4% và 1,2%. so với đông xuân cùng kỳ năm trước, vụ lúa đông xuân 2010-2011, diện tích xuống giống giảm hơn 1.115ha nhưng năng suất tăng 0,87 tạ/ha và sản lượng tăng trên 9.000 tấn... theo nhận định của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, dù diện tích lúa có giảm nhưng do nông dân nắm bắt và ứng dụng tốt các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa tăng khá và sản lượng lúa của thành phố hiện giữ vững trên 1 triệu tấn. Ngoài ra, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: kỹ thuật gieo sạ đồng loạt né rầy, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, dự báo và phòng trị sâu bệnh kịp thời... đã góp phần giảm số lần sử dụng thuốc trừ dịch hại 3-4 lần/vụ; chi phí vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) giảm trung bình từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/ha. Điều này góp phần đáng kể vào việc đảm bảo cho người trồng lúa có lãi trên 30%.

* XÁC ĐỊNH 3 VÙNG VÀ 2 ĐỊNH HƯỚNG CHO SXNN

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Dù chỉ chiếm trên dưới 10% GDP nhưng nền nông nghiệp thành phố có liên quan đến khoảng 50% dân cư - nông dân khu vực ven đô và ngoại thành. Vì thế, SXNN thành phố phải có sự thay đổi từ sản xuất theo sản lượng sang tăng chất lượng. Trong đó phải đảm bảo giá trị sản phẩm và tỷ lệ lợi nhuận của người sản xuất tăng cao, góp phần ổn định dân sinh cho khu vực nông thôn. Để thực hiện vấn đề này, bên cạnh rà soát lại nguồn lực tự nhiên, thực hiện quy hoạch SXNN theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành nông nghiệp thành phố đã và đang đẩy mạnh công tác quy hoạch và triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch phục vụ phát triển SXNN. Điển hình như: quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ; quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thời gian tới, thành phố xác định 3 khu vực sản xuất hàng hóa và 2 định hướng phát triển nền nông nghiệp. Trong đó, 3 khu vực sản xuất hàng hóa gồm: Vùng lúa chất lượng cao, khoảng 70.000 ha, chiếm trên 80% tổng diện tích sản xuất lúa của toàn thành phố; được tổ chức theo từng cánh đồng một loại giống (lúa thơm, đặc sản), tập trung ở các quận: Thốt Nốt, Ô Môn và các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Vùng nuôi cá tra công nghiệp phục vụ xuất khẩu, khoảng 1.500 ha, tập trung ở ven sông chính và kênh lớn của quận Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy và huyện Vĩnh Thạnh. Vùng rau quả, vành đai thực phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu tại chỗ, khoảng 25.000 ha bao gồm các loại cây ăn quả, rau, màu, chăn nuôi, nuôi thủy sản... 2 định hướng phát triển SXNN gồm: Nông nghiệp đô thị - phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện nông hộ (vốn, đất đai, kỹ thuật, thị trường) như trồng hoa cảnh, nuôi cá cảnh, động vật đặc sản, nuôi cấy mô giống cây các loại, trồng nấm cao cấp, cây dược liệu, hương liệu... Nông nghiệp hàng hóa kỹ thuật cao với 2 vùng hàng hóa chủ lực: lúa phục vụ xuất khẩu và làm giống; vùng nuôi trồng thủy sản (chủ lực là cá tra phục vụ chế biến xuất khẩu và làm giống, nuôi thủy sản phục vụ tiêu dùng nội địa và làm giống...

* TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để đảm bảo nền SXNN thành phố theo 3 vùng và 2 định hướng sản xuất nêu trên, thành phố cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên là đẩy mạnh công tác sản xuất giống đại trà với phương châm phát triển hệ thống giống 3 cấp trong dân. Đồng thời, quy hoạch thủy lợi phù hợp với từng vùng sản xuất. Trong dó, chú trọng xây dựng hệ thống thủy lợi đáp ứng việc tăng vòng quay đất, nâng cao diện tích canh tác, hạn chế giảm sản lượng do giảm diện tích đất canh tác đất nông nghiệp...

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1294/QĐ-UBND, ngày 2-6-2008 về phê duyệt Chương trình nông nghiệp công nghệ cao TP Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Thực hiện Quyết định này, Sở NN&PTNT thành phố đang lập thủ tục xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao và 12 dự án ưu tiên với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 3.140 tỉ đồng. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang phối hợp cùng các đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát lập 7 dự án thuộc chương trình này... Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị hữu quan thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Xây dựng và hình thành cánh đồng mẫu 1 loại giống gắn với đẩy mạnh việc liên kết “4 nhà” trong sản xuất nhằm tập trung đầu tư, sản phẩm nông nghiệp chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu của thị trường với số lượng lớn.

Để SXNN hiệu quả và bền vững, ông Phạm Văn Quỳnh cho rằng: Ngành nông nghiệp cần nhiều nỗ lực trong đào tạo kỹ năng, tri thức cho đội ngũ cán bộ và nông dân; đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút đầu tư bằng nội lực và ngoại lực. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp từ đầu vào, khâu sản xuất và chất lượng đầu ra. Song song đó, Nhà nước cần có cơ chế tạo quỹ bình ổn SXNN để ổn định giá cả sản phẩm nông nghiệp... Có như vậy nông dân mới yên tâm sản xuất vì không phải lo chuyện “trúng mùa mất giá, mất mùa được giá”, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư hạ tầng, quy trình sản xuất, kho lạnh... góp phần nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa nông sản trên thị trường.

Bài, ảnh: Hà Triều

Sản xuất lúa giống tại Hợp tác xã Nông nghiệp giống Trung An, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ. 

Chia sẻ bài viết