18/05/2021 - 10:44

Nâng cao giá trị của cây đước Cà Mau 

Với 3 mặt giáp biển, tỉnh Cà Mau có bạt ngàn rừng ngập mặn, trong đó cây đước là loại cây có giá trị nhất dưới tán rừng. Từ xưa, cây đước gắn liền với nghề hầm than truyền thống của cư dân bản địa. Còn nay, khi giá trị than đước ngày càng tăng, cây đước không chỉ giúp bà con sống được với nghề mà nhiều hộ còn tận dụng gỗ để tạo ra các vật dụng, sản phẩm mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao.

Nguồn nguyên liệu đước dồi dào giúp người dân Cà Mau thuận lợi phát triển nghề hầm than và làm đồ mỹ nghệ.

Tại miệt rừng đước tỉnh Cà Mau, chẳng ai biết nghề hầm than có từ khi nào nhưng có những hộ gia đình đã nhiều đời gắn bó với nghề. Trải qua những thăng trầm, bà con làm nghề hầm than đã được tổ chức vào các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) để làm ăn bài bản hơn. HTX Ðồng Tâm, ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, là một trong những HTX còn nhiều hộ gắn bó với nghề làm than đước.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, có trên 40 năm gắn bó với nghề cho biết, ngày trước nghề làm than ở địa phương bị cấm do lo ngại người dân chặt phá cây rừng. Khoảng 10 năm nay, khi vào HTX, bà con mua nguyên liệu để hầm than chứ không còn làm lén lút như trước. Nhờ chất lượng than đước của địa phương tốt, nhu cầu của thị trường ổn định nên cuộc sống của bà con ngày càng khá hơn. “Kỹ thuật hầm than không khó, giờ ai cũng làm được nhưng năng suất thì có chênh lệch ít nhiều. So với các nơi khác thì chất lượng nguyên liệu đước của Cà Mau tốt nhất, than cũng tốt hơn, thương lái nhiều nơi tìm về mua. Làm than cực nhưng bà con sống khỏe” - ông Tùng chia sẻ.

HTX Ðồng Tâm hiện có hơn 30 xã viên. Bà con gắn bó với nghề cực nhọc này không đơn thuần vì sinh kế mà còn là để duy trì nghề truyền thống của ông cha. Thời gian qua, giá trị than đước ngày càng tăng, giá cả thị trường cũng tương đối ổn định nên nghề làm than đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

Ông Lâm Văn Sáng, một trong những xã viên vươn lên nhờ nghề hầm than đước, cho biết làm nghề vất vả nhưng lợi nhuận mang lại vẫn cao hơn đi làm công nhân. Ngoài thu nhập từ hơn 1ha đất nuôi tôm, nghề làm than đã giúp gia đình ông nuôi được con học đại học và có của tích góp. “Hiện giá than từ 7.000-9.000 đồng/kg, mỗi tháng tôi cũng kiếm thêm được 7-8 triệu đồng. Ði làm công nhân mỗi tháng chắc cũng thu nhập khoảng bao nhiêu đó mà chi phí nhiều, tới đâu hết tới đó. Gắn bó với nghề, với quê hương vẫn hơn” - ông Sáng nói.

Cây đước đang giúp nhiều người gắn bó với nghề hầm than truyền thống nơi miệt rừng ngập mặn Cà Mau vươn lên. Không chỉ vậy, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ cây đước được người dân địa phương tạo ra đang dần trở thành sản phẩm du lịch. Từ đó, giá trị cây đước ngày càng được khẳng định, đáng kể là sản phẩm “Ðũa đước Cà Mau”.

Gia đình ông Huỳnh Trường Giang, ở xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển, đã 2 đời gắn bó với nghề làm đũa đước. Trước đây, gia đình ông làm đũa thủ công, chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Vài năm gần đây, khách du lịch đến Ðất Mũi ngày càng nhiều nên đũa đước trở thành mặt hàng hút khách, giúp gia đình ông càng “ăn lên làm ra”. Hiện gia đình ông Giang đã trang bị hệ thống máy làm được tất cả các công đoạn để tạo ra sản phẩm đũa đẹp mắt hơn. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 15.000 đôi đũa, sau khi trừ chi phí, lời khoảng 15 triệu đồng. “Vùng này rất thuận lợi để làm đũa đước vì có nguồn nguyên liệu dồi dào. Ðặc biệt, cây đước ở đây già, làm đũa bền, có vân đẹp nên được chuộng” - ông Giang cho biết.

Cây đước vốn rất thân thuộc với người dân Cà Mau, nhất là với những người sống dưới tán rừng ngập mặn ven biển. Theo thời gian, cây đước không chỉ giúp những người làm nghề hầm than ở địa phương vươn lên trong cuộc sống mà còn góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách khi về thăm vùng đất cuối trời Tổ quốc.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết