14/12/2016 - 21:56

Nâng cao chỉ số khởi nghiệp

Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (viết tắt là GEM) khởi đầu từ năm 1999 với sự tham gia của 10 nước phát triển và đến nay đã thu hút khoảng 100 nước. GEM dùng để đánh giá thực trạng khởi nghiệp và phát triển kinh doanh tại các quốc gia, nhằm cung cấp thông tin cập nhật và chính xác về hoạt động kinh doanh trên toàn cầu cho các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, các doanh nhân…

 Khách hàng tham quan và tìm hiểu các sản phẩm bao bì bảo quản thực phẩm của Công ty Rynan Agrifoods tại diễn đàn “Mekong Connect-CEO Forum 2016” tổ chức tại TP Cần Thơ. Ảnh: MỸ HOA

Năm 2015 là năm thứ 3 liên tiếp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện cho Việt Nam tham gia nghiên cứu GEM. Dựa trên dữ liệu thu thập được từ 2.000 người trưởng thành và 36 chuyên gia ở Việt Nam, báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/16 – GEM Việt Nam 2015/16 – cung cấp bức tranh bao quát về đặc điểm kinh doanh ở Việt Nam theo từng giai đoạn trong chu kỳ phát triển. Một số vấn đề chính, nổi bật quan trọng được báo cáo GEM Việt Nam 2015/16 chỉ ra. Đó là: Có 56,8% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh trong năm 2015 (năm 2014 là 39,4% và 2013 là 36,8%), xếp thứ 9/60 nền kinh tế tham gia đánh giá. Tỷ lệ người trưởng thành nhận thức có năng lực kinh doanh năm 2015 là 56,8%, xếp thứ 19/60, thấp hơn so với năm 2014 là 58,2% và cao hơn so với năm 2013 là 48,7%. Tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam lo sợ thất bại trong kinh doanh tiếp tục giảm nhưng vẫn còn ở mức cao; từ 56,7% năm 2013 xuống 50,1% năm 2014 và còn 45,6% năm 2015. Tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới đã tăng so với 2014, từ 18,2% lên 22,3%. Cũng giống như trên thế giới, ở Việt Nam, những doanh nhân thành công ngày càng được xã hội coi trọng (75,8%, xếp thứ 16/60) và doanh nhân là nghề nghiệp mơ ước của 73,5% người trưởng thành, xếp thứ 11/60... Tỷ lệ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khởi sự ở Việt Nam năm 2015 vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 13,7%, xếp thứ 20/60, giảm so với mức 15,3% của năm 2014 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 21,4% ở các nước phát triển. Người Việt Nam khởi sự kinh doanh chủ yếu để tận dụng cơ hội vì không có sự lựa chọn công việc nào tốt hơn. Tuy nhiên, người Việt Nam tận dụng cơ hội chủ yếu là để tăng thu nhập chứ không phải để trở nên độc lập hơn. Chỉ số động cơ khởi nghiệp của Việt Nam chỉ xếp thứ 42/60 so với các nền kinh tế tham gia GEM…

Từ kết quả GEM Việt Nam 2015/16, TS. Lương Minh Huân, Viện phó Viện Phát triển Doanh nghiệp, VCCI, nhận định: Mặc dù thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam đã có nhiều cải thiện, nhất là trong nhận thức về kinh doanh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều chỉ số Việt Nam kém xa so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế và các nước trong khu vực. Trong đó phải kể đến sự lo sợ thất bại trong kinh doanh, khả năng kinh doanh, tỷ lệ khởi sự kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh và yếu tố đổi mới sáng tạo trong kinh doanh... Trong khi đó, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hầu như chưa cải thiện nhiều so với các năm 2013-2014 và vẫn còn nhiều yếu tố chưa thực sự hỗ trợ cho quá trình khởi nghiệp. Để giải quyết những vấn đề này, nâng cao chỉ số khởi nghiệp, TS. Lương Minh Huân đề xuất: Nhà nước cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, gỡ bỏ các rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm xây dựng lại lòng tin cho người làm kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Cần cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh ở Việt Nam. Cần khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn khởi nghiệp một cách nhanh chóng. Cần tăng cường cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập để các hoạt động khởi nghiệp có định hướng quốc tế cao hơn. Cuối cùng, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích phát triển các hoạt động kinh doanh xã hội, các doanh nghiệp xã hội.

Đại hội XII của Đảng đã hoạch định những chủ trương lớn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020. Trong đó nhấn mạnh phải khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang ngày càng được cải thiện nhờ các nỗ lực của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, chính sách và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp được xây dựng để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam. Kết quả này đã giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội và khả năng để khởi nghiệp thành công. Ngày càng có nhiều người Việt Nam tham gia vào khởi nghiệp để thành lập ra các dự án kinh doanh. Chính những nhận thức tích cực này sẽ góp phẩn thúc đẩy việc khởi sự kinh doanh và giúp các doanh nhân Việt Nam có điều kiện để phát triển tốt hơn.

Quang Đăng

Chia sẻ bài viết