Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Hiện nay, nhà vườn ở TP Cần Thơ đã áp dụng kỹ thuật bao trái cho nhiều loại trái cây, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất theo hướng xanh, sạch, bền vững, tạo ra sản phẩm trái cây an toàn, đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tạo sản phẩm chất lượng, an toàn
Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ liên tục tăng và đóng góp ngày càng lớn trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương. Cùng với việc phát triển các loại cây ăn trái ngon, đặc sản giúp mang lại giá trị kinh tế cao, nông dân TP Cần Thơ đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật bao trái cho nhiều loại trái cây nhằm có sản phẩm chất lượng, an toàn và hạn chế việc sử dụng các loại phân thuốc hóa học.
Thu hoạch ổi tại vườn của ông Nguyễn Việt Bình ở huyện Thới Lai.
Ông Nguyễn Việt Bình ngụ xã Thới Tân, huyện Thới Lai, cho biết: "Hiện nay, 100% hộ dân trồng ổi đều áp dụng biện pháp bao trái ổi ngay từ lúc trái còn nhỏ để bảo vệ trái ổi không bị các loại sâu bệnh, chim, chuột cắn phá làm hư trái. Gia đình tôi có 7 công đất trồng ổi ruột đỏ đang áp dụng kỹ thuật bao trái để có trái ổi đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và cung cấp cho các doanh nghiệp để chế biến nước ép xuất khẩu...". Theo ông Bình, loại túi ni lông chuyên dùng để bao trái ổi có giá khoảng trên dưới 40.000 đồng/kg, có thể sử dụng để bao cho khoảng 320-330 trái ổi. Túi này có thể tái sử dụng khoảng 2-3 lần.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hướng ở khu vực Tân Xuân, phường Trường Lạc, quận Ô Môn có 10 công đất trồng các loại cây ăn trái gồm ổi lê, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng và chôm chôm. Thời gian qua, ngoài áp dụng bao trái đối với cây ổi, gia đình bà còn áp dụng bao trái đối với xoài. Bà Hướng cho biết: "Bao trái xoài cực hơn nhãn do cây xoài cao, phải bắt thang hoặc có các dụng cụ chuyên dùng để hỗ trợ bao trái. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm thực hiện việc bao trái vì thấy hiệu quả mang lại rất rõ nét, giúp phòng tránh hiệu quả nhiều loại sâu bệnh gây hại cho trái xoài mà không cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật, nhất là phòng tránh ruồi vàng đục trái và sâu đục trái. Thường tôi bắt đầu bao trái xoài khi nó to cỡ bằng ngón chân cái. Trước ngày bao trái xoài, tôi phun thuốc bảo vệ thực vật một lần, sau đó không cần phải phun nữa. Trong khi đó, nếu không thực hiện bao trái, nông dân phải phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần trong mỗi tháng nên tốn rất nhiều công sức, chi phí mà sản phẩm lại không đảm bảo an toàn, mẫu mã, chất lượng trái cũng khó đẹp và đồng đều như khi bao trái".
Phổ biến cách làm hiệu quả
Ðể đảm bảo chất lượng sản phẩm và phòng tránh các loại sâu bệnh gây hại cho trái, nông dân tại các quận, huyện cũng áp dụng bao trái đối với vú sữa, bưởi, mít, chuối, mận... Cách thực hiện bao trái cũng được nông dân linh động áp dụng phù hợp từng loại cây. Ông Hồ Văn Vân ở ấp Ðông Hòa, xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai có 2,5 công đất trồng mận hồng đào đá, cho biết: "Bên cạnh thực hiện biện pháp sử dụng túi ni lông chuyên dụng để bao từng trái, nông dân còn áp dụng giải pháp trùm lưới mùng cho cả vườn mận. Cách làm này giúp phòng tránh hiệu quả ruồi đục trái và các loại côn trùng, chim và chuột cắn phá làm hư hoặc giảm phẩm chất của trái mận. Vườn mận nhà tôi đã áp dụng giải pháp trùm lưới mùng vừa giảm được chi phí tiền thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, đồng thời lại tạo ra được trái mận ngon, an toàn, có mẫu mã đẹp, bắt mắt người tiêu dùng".
TP Cần Thơ đã có hơn 23.400ha cây ăn trái các loại, với sản lượng thu hoạch trái đạt hơn 167.700 tấn/năm. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Bảo vệ trái cây bằng biện pháp bao trái là một trong những giải pháp kỹ thuật tiến bộ đang được ngành Nông nghiệp thành phố khuyến khích, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh thực hiện để sản xuất trái cây an toàn, chất lượng. Ðặc biệt là áp dụng đối với các loại trái cây dễ bị ảnh hưởng bởi sâu và ruồi đục trái". Theo ông Trần Thái Nghiêm, trên thị trường cũng có nhiều doanh nghiệp và nhà cung cấp các loại túi bao trái phù hợp với nhiều loại trái cây, với mức giá không quá cao. Trên địa bàn thành phố cũng đã hình thành các hợp tác xã và các tổ, nhóm thực hiện dịch vụ chăm sóc vườn cây, trong đó có thực hiện việc bao trái. Ðây là điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện bao trái đối với nhiều loại trái cây như xoài, ổi, mít, bưởi, mận, chuối... Ðồng thời, ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương cũng tích cực tăng cường tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông xây dựng và nhân rộng các mô hình thực hiện kỹ thuật bao trái gắn với áp dụng đồng bộ nhiều kỹ thuật tiên tiến khác nhằm giúp sản xuất trái cây đạt chất lượng cao, an toàn và hiệu quả. Ðặc biệt, cần áp dụng kỹ thuật bao trái gắn với việc thực hiện các giải pháp tạo tán, tỉa cành, tuyển trái, quản lý cỏ dại và cung cấp dinh dưỡng phù hợp cho vườn cây gắn với tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ bổ sung, hỗ trợ cho nhau để khi bao trái được thuận lợi và đạt hiệu quả hơn. Trong đó, tỉa cành, tạo tán giúp hạn chế chiều cao của cây, thuận lợi cho bao trái. Còn tuyển lựa, cắt bỏ bớt những trái thừa, giữ lại trái loại 1 sẽ cho sản phẩm chất lượng cao và đỡ tốn công bao trái.