18/11/2010 - 09:15

Đồng chí Phan Quang Lãm, Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Cần Thơ:

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác mặt trận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

 

Thời gian qua, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) qua các thời kỳ, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận tại TP Cần Thơ đã ra sức phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH thành phố. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2010), Báo Cần Thơ đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Quang Lãm, Chủ tịch UBMTTQVN TP Cần Thơ, về những thành tựu nổi bật MTTQ thành phố cùng các tổ chức thành viên đã đạt được trong công cuộc xây dựng, đổi mới của thành phố. Mở đầu cuộc phỏng vấn, đồng chí Phan Quang Lãm phấn khởi cho biết:

- Trong 80 năm qua, dù ở giai đoạn nào, hình thức tổ chức và tên gọi nào, MTTQVN luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình là đoàn kết, tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước vì mục tiêu chung của cách mạng, của Đảng, của dân tộc, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng đổi mới đất nước từ sau giải phóng đến nay, MTTQVN đã đoàn kết, tập hợp nhân dân gặt hái được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với cả nước, MTTQVN TP Cần Thơ đã phát huy mạnh mẽ vai trò tập hợp khối đại đoàn kết trong việc tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hưởng ứng các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, tạo nên động lực to lớn, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển KT-XH, quốc phòng – an ninh của thành phố, đưa Cần Thơ trở thành Đô thị loại I.

Bác Hồ kính yêu từng khẳng định: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”. Việc đánh giá đúng đắn cũng như nâng cao vai trò, vị trí của MTTQVN trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội là một yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị xã hội của địa phương, của đất nước.

* Thưa đồng chí, những năm qua, vai trò, uy tín của Mặt trận các cấp càng được khẳng định qua hiệu quả triển khai thực hiện các cuộc vận động lớn do Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động. Vậy các cuộc vận động này được triển khai tại Cần Thơ ra sao?

- Cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (TDĐKXDĐSVHƠKDC) và “Ngày Vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động được UBMTTQVN các cấp trong thành phố quan tâm, triển khai thực hiện theo hướng mở rộng và nâng cao chất lượng, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, các cuộc vận động của các tổ chức thành viên. Trong đó, Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố xác định Cuộc vận động TDĐKXDĐSVHƠKDC là Cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc và thực hiện lâu dài; là nội dung công tác trọng tâm thường xuyên trong hệ thống Mặt trận. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của cuộc vận động là“Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân”, những năm qua, đội ngũ cán bộ Mặt trận cùng các tổ chức thành viên luôn nỗ lực vận động, triển khai thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động, huy động toàn dân tham gia cùng Nhà nước thực hiện những công trình phúc lợi xã hội, góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng của thành phố.

Với nội dung đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, thời gian qua, Mặt trận các cấp đã phối hợp các tổ chức thành viên vận động nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên, nhân dân tham gia, góp phần giải quyết việc làm bình quân hàng năm tăng 10,8%. Tính đến nay, toàn thành phố có 130.670 lượt hộ nghèo được hỗ trợ vốn với tổng nguồn vốn trên 373 tỉ triệu đồng. Thông qua các mô hình như: Hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế gia đình, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác... đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, và số hộ khá, giàu tăng lên, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Những nỗ lực trên cùng với việc triển khai cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” từ năm 2000 đến nay, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn thành phố từ 9,64% xuống còn 4,67% vào năm 2010. Trong đó, qua 10 năm vận động, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp thành phố đạt hơn 76 tỉ đồng, góp phần cùng với ngân sách xây dựng 14.625 căn nhà đại đoàn kết, tổng trị giá hơn 146 tỉ đồng; sửa chữa, xóa nhà lá thay tol 3.265 căn, tổng trị giá hơn 13 tỉ đồng; xây dựng 2.441 căn nhà cho hộ dân tộc Khmer nghèo, nước sinh hoạt cho 2.622 hộ, tổng trị giá hơn 13 tỉ đồng; các tổ chức thành viên cũng đã xây dựng được 2.113 căn, sửa chữa 2.049 căn tặng cho hộ nghèo, tổng trị giá gần 42 tỉ đồng; chăm lo Tết cho hộ nghèo hơn 35 tỉ đồng; tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học hơn 38 triệu đồng; hỗ trợ bệnh nhân nghèo chữa bệnh hơn 19 tỉ đồng; hỗ trợ hộ nghèo sản xuất và cây con giống hơn 363 tỉ đồng. Đến nay, có 4 quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt được Ủy ban Trung ương MTTQVN tặng Bằng ghi công xóa xong nhà xiêu vẹo, dột nát cho hộ nghèo.

 Mặt trận quận Ninh Kiều tổ chức vận động nhiều đơn vị và cá nhân hưởng ứng “Tháng cao điểm vì người nghèo” năm 2010. Ảnh: N.Q.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo từ thiện tiếp tục khởi sắc. Từ năm 1995 đến nay, Mặt trận các cấp đã phối hợp cùng các tổ chức thành viên vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 35,5 tỉ đồng và cùng với ngân sách nhà nước xây dựng, bàn giao 6.209 căn nhà tình nghĩa; 100% Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời; hàng năm UBMTTQVN các cấp đều tổ chức thăm viếng, họp mặt, tặng quà cho các đối tượng chính sách vào dịp Lễ, Tết. Thông qua Mặt trận các cấp, nhân dân Cần Thơ đã quyên góp ủng hộ đồng bào trong, ngoài thành phố và trên thế giới bị thiên tai hơn 53 tỉ đồng và nhiều gạo, hàng hóa, thuốc trị bệnh... hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Với nội dung đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, 15 năm qua, toàn thành phố có hàng ngàn lượt người được nêu gương điển hình người tốt, việc tốt, hàng năm có hơn 92% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa. Đến nay, toàn thành phố có 559 khu dân cư tiên tiến, 503/601 ấp, khu vực văn hóa, 32/85 xã, phường, thị trấn văn hóa. Cuộc vận động đã góp phần nâng cao ý thức đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong nhân dân và xây dựng con người Cần Thơ theo tiêu chí “Trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch”. Nội dung đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khỏe, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường cũng đạt được những kết quả quan trọng.

* Đối với công tác giám sát và phản biện xã hội đã được Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

- Trên cơ sở tính pháp lý về hoạt động giám sát như Luật định, thời gian qua, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã thực hiện vai trò giám sát của mình ở nhiều lĩnh vực như: Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, các quy định của HĐND, UBND về thực hiện chính sách nhà, đất, thực hiện Luật Đất đai, chính sách về kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác hòa giải cơ sở, các dự án đầu tư xây dựng cầu, đường... thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các kỳ hội nghị tiếp xúc cử tri, lấy phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt do HĐND cấp xã bầu; giám sát đại biểu cán bộ dân cử, cán bộ, công chức nhà nước và đảng viên ở khu dân cư... góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Từ năm 2004 nay, Mặt trận các cấp đã tổ chức giám sát nhiều vụ việc theo quy định, phối hợp HĐND tổ chức giám sát 2.054 lượt cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; việc tổng hợp ý kiến nhân dân và các thành viên của Mặt trận trình trong các kỳ họp của HĐND thực hiện khá tốt. Về phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể nhân dân là vấn đề mới và chính thức được ghi vào Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Ủy ban Trung ương MTTQVN đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Quy chế về phản biện xã hội của MTTQVN để từng bước được triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận các cấp và các đoàn thể nhân dân thành phố cũng còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức. Thời gian tới, MTTQVN TP Cần Thơ sẽ tiếp tục nêu cao trách nhiệm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia giám sát và phản biện xã hội về những vấn đề, nội dung liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án lớn của Đảng, Nhà nước đã, đang và sắp thực hiện để nhằm hỗ trợ tích cực cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước ngày càng hiệu quả.

* Thưa đồng chí, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho công tác Mặt trận ngày càng cao và đa dạng. Như vậy, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp của thành phố đã đủ sức đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới?

- Thấm nhuần quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, thời gian qua, UBMTTQVN các cấp trong thành phố đã có nhiều cố gắng trong tuyển dụng, sắp xếp và bố trí cán bộ Mặt trận chuyên trách bảo đảm các tiêu chuẩn phục vụ ở từng cấp; hàng năm có đề xuất với các cấp ủy đảng đưa cán bộ Mặt trận tham dự các lớp đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ngắn hạn, dài hạn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách. Vì vậy, đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận các cấp ngày càng thể hiện được tính năng động, sáng tạo và trình độ, năng lực của mình. Đặc biệt, sau Đại hội Đảng cấp cơ sở và quận, huyện nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỷ lệ cán bộ Mặt trận tham gia cấp ủy các cấp có nâng lên. Cấp xã hiện có 62/85 Chủ tịch Mặt trận là cấp ủy viên (có 20 đồng chí là Thường vụ Đảng ủy); cấp huyện có 8/9 Chủ tịch Mặt trận là quận, huyện ủy viên, trong đó có 08 đồng chí là Ủy viên Thường vụ Quận, Huyện ủy); thành phố hiện có 596/628 ấp, khu vực do Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận, còn lại 32 ấp, khu vực có Trưởng Ban Công tác Mặt trận chuyên trách.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Mặt trận từ thành phố đến khu dân cư vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển của thành phố và công tác Mặt trận trong giai đoạn mới. Hầu hết cán bộ Mặt trận các cấp chưa được đào tạo chuyên môn về công tác Mặt trận, chủ yếu phải vừa làm, vừa học. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch cán bộ còn nhiều hụt hẫng, một vài nơi còn xem tổ chức Mặt trận là chỗ để giải quyết những khó khăn trong thực hiện chính sách cán bộ. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ Mặt trận các cấp còn bất hợp lý, khiến nhiều cán bộ Mặt trận các cấp bức xúc, thiếu an tâm công tác. Điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác Mặt trận ở cấp cơ sở còn nhiều trăn trở. Biên chế bộ máy tổ chức của Mặt trận các cấp ít và thiếu.

* Theo đồng chí, sắp tới cần làm gì để Mặt trận các cấp phát huy hơn nữa vai trò của mình trong tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển?

- Để Mặt trận các cấp trong thành phố ngày càng phát huy được vai trò của mình trong tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo tôi cần tập trung một số vấn đề trọng tâm như: Cán bộ Mặt trận cần phải nắm vững chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất; các quy định của pháp luật về MTTQVN để hiểu và xác định đúng đắn vị trí, vai trò, nhiệm vụ quyền hạn của MTTQVN trong phối hợp thống nhất hành động. Các địa phương cần thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy Mặt trận các cấp thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn, là hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở mỗi cấp và trên phạm vi toàn thành phố. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận các cấp theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, đảm bảo về tiêu chuẩn, năng lực công tác, kiên quyết khắc phục những biểu hiện hình thức, hành chính hóa, “nói không đi đôi với làm”. Mặt trận các cấp phải tự đổi mới về lề lối làm việc, nội dung và phương thức hoạt động theo hướng “gần dân, sát cơ sở” phù hợp với sự vận động và phát triển của thực tiễn; biết phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong mọi tình huống, thông qua làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội để tạo ra động lực của sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi bằng những cơ chế chính sách phù hợp để Mặt trận các cấp phát huy được vai trò của mình theo đúng Luật định.

Thực hiện được bốn vấn đề trọng tâm này tôi tin tưởng rằng Mặt trận các cấp trong thành phố không những thực hiện tốt vai trò của mình mà còn là chỗ dựa chính trị vững chắc của Đảng và Nhà nước, đủ sức huy động nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, làm nòng cốt trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của thành phố. Qua đó, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày thêm vững mạnh, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp CNH, HĐH và sự phát triển bền vững của thành phố.

* Xin cảm ơn đồng chí!

NGỌC QUYÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết