18/10/2019 - 08:02

Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên 

Trường Đại học Nam Cần Thơ là trường đại học tư thục, đào tạo đa ngành, nhiều cấp học với đối tượng tuyển sinh rộng. Nhà trường xác định, giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên là hoạt động định hướng tư tưởng, lý luận chính trị cơ bản; định hướng, phát triển nhân cách, đạo đức cho sinh viên.

Trong những năm gần đây, trường không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị và đạt được thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mang lại, vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là tính hấp dẫn của môn học còn hạn chế, việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực mà nhất là phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, chưa được nhiều giảng viên vận dụng có hiệu quả. Giảng viên mới chỉ dừng lại ở lý thuyết, chưa có sự vận dụng thực tiễn nên sinh viên giảm hứng thú khi học các môn lý luận chính trị...

Sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: CTV

Để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, ngoài đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, mấu chốt vẫn là nâng cao nhận thức đội ngũ giảng viên về vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của môn học trong xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức, lý tưởng sống. Đồng thời, nhà trường xác định cần thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, giảng dạy nghị quyết, các hoạt động chính trị - xã hội ngoại khóa... cho sinh viên. Thực hiện có hiệu quả các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ: thảo luận chuyên đề, tọa đàm về nội dung chuyên môn và phương pháp giảng dạy, hội thảo về các môn lý luận chính trị…

Để làm được điều đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải xây dựng bài giảng giáo án điện tử phù hợp với từng đối tượng sinh viên của ngành học. Chẳng hạn, trong môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, phần đạo đức cách mạng thì giảng viên phải liên hệ vận dụng rèn luyện phẩm chất cho công dân trong cuộc sống hằng ngày và trong công tác. Đối với sinh viên ngành Dược, Xét nghiệm, lồng ghép giáo dục y đức nghề nghiệp… Các bài giảng phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới, kiến thức thực tiễn, lý giải những nguyên lý trừu tượng bằng những minh họa cụ thể, dễ hiểu, sống động, đặt ra nhiều tình huống, giả thuyết để sinh viên thảo luận và tự tìm phương án giải quyết vấn đề.

Quan trọng hơn, giảng viên phải biết tạo cho sinh viên sự say mê, khao khát hiểu biết tri thức lý luận chính trị thông qua tranh luận, thảo luận, xử lý tình huống; nêu những vấn đề mâu thuẫn giữa nhận thức lý luận và hiện tượng thực tế để sinh viên phải đào sâu suy nghĩ, tìm tòi bản chất vấn đề, rút ra các tri thức lý luận cần thiết, chấm dứt tình trạng “thầy đọc, trò ghi”, “thầy dạy chay, trò học thuộc lòng”.

Song song đó, giảng viên cần có cách truyền tải tri thức lý luận bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống. Biến những vấn đề lý luận phức tạp thành đơn giản nhưng vẫn mang tính triết lý, khoa  học và thực tiễn bằng cách phân tích, lý giải các luận điểm, liên hệ với cuộc sống. Điều quan trọng là đề thi phải nhằm vào những câu hỏi có phân tích, so sánh, vận dụng lý luận vào thực tiễn. Ngân hàng đề thi cần có sự bổ sung, chỉnh sửa thường xuyên, tránh tình trạng sinh viên học tủ, sưu tầm tài liệu cũng như làm bài giống nhau. Ngoài thi viết, cần tăng cường thi vấn đáp để phát huy tính tích cực chủ động, nhạy bén của sinh viên khi giải quyết vấn đề trong thời gian nhất định, rèn giũa kỹ năng trình bày trước công chúng cho sinh viên... Như vậy, đảm bảo kiến thức của sinh viên vừa rộng, vừa sâu về lý luận chính trị lại rèn khả năng phát hiện vấn đề và phát triển tư duy theo hướng tích cực mang tính logic trong nghiên cứu khoa học, đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục và đào tạo nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Võ Phú Hữu

Chia sẻ bài viết