19/04/2010 - 21:49

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

Nâng cao chất lượng đào tạo theo học chế tín chỉ

Sau hơn 2 năm Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ (HCTC) triệt để, nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường nhận định rằng việc áp dụng đào tạo theo phương thức này đã đạt được nhiều kết quả. Điển hình nhất là chương trình đào tạo phát huy khả năng sáng tạo, tính tự chủ của sinh viên, giảng viên… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần có giải pháp tháo gỡ để nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiệu quả mang lại...

Lê Thị Hoàng Yến, sinh viên ngành Hệ thống thông tin K33, Trường ĐHCT, cho biết: “Đào tạo theo niên chế sinh viên thường thụ động trong việc học. Khi lên lớp, sinh viên ngại phát biểu ý kiến, chỉ ghi chép theo những gì được giảng dạy. Nhưng học theo HCTC đòi hỏi người học phải tự nghiên cứu tìm tòi, làm việc theo nhóm, thảo luận và tích cực đặt câu hỏi trao đổi trực tiếp với giảng viên... Điều này tạo cho sinh viên thói quen năng động, chăm chỉ tìm tòi, học hỏi những điều mới”. Còn theo Trương Thành Trung, sinh viên ngành Sư phạm Giáo dục công dân K33, đào tạo theo HCTC, người học có thể chủ động học theo điều kiện và năng lực của mình. Những sinh viên giỏi có thể học đúng hoặc vượt kế hoạch học tập toàn khóa để tốt nghiệp theo đúng thời gian chuẩn của chương trình hoặc sớm hơn, đồng thời có thể theo học một chương trình học khác song song (học ngành 2).

Đào tạo theo học chế tín chỉ giúp sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, tính tự chủ trong học tập.
Trong ảnh: Giờ học nhóm của sinh viên theo học chương trình tiên tiến của Trường ĐHCT. 

Trên thực tế, Trường ĐHCT đã thực hiện đào tạo theo HCTC cách nay hơn 10 năm. Song, việc chuyển đổi triệt để chỉ mới thực hiện từ học kỳ I năm học 2007-2008, ở 80 ngành, chuyên ngành đào tạo bậc đại học; 32 ngành, chuyên ngành bậc cao học. Chương trình đào tạo mới được áp dụng từ khóa 33 theo định mức: đại học 4 năm 138 tín chỉ và đại học 5 năm 158 tín chỉ. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn thực hiện giảng dạy các môn khoa học chính trị. Các chương trình này có khối lượng: đại học 4 năm 136 tín chỉ và đại học 5 năm 156 tín chỉ. Quý 3-2009, trường đã định hướng điều chỉnh chương trình đào tạo đại học 4 năm là 120 tín chỉ; 4,5 năm là 135 tín chỉ và 5 năm là 150 tín chỉ. Thế nhưng công việc này đến nay chưa hoàn thành do còn phải điều chỉnh thời gian đào tạo đối với các ngành sư phạm.

Để thực hiện việc chuyển đổi HCTC, Trường ĐHCT đã xây dựng lại chương trình đào tạo cho phù hợp, ban hành qui chế học vụ, xây dựng phần mềm quản lý đào tạo thích hợp, tăng cường trang thiết bị đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp dạy và học,... Đơn cử là trường đã trang bị 1.000 máy tính công; đầu tư 700 triệu đồng biên soạn giáo trình Anh văn không chuyên mới; 500 triệu đồng bổ sung nguồn giáo trình. Việc đánh giá sinh viên cũng chuyển đổi từ thang điểm 10 sang điểm chữ (A, B, C, D, F). Cách mở và đăng ký học phần, cách xét tốt nghiệp cũng có nhiều thay đổi so với trước... Tại Hội nghị sơ kết HCTC năm 2010, nhiều cán bộ, giảng viên đều cho rằng từ khi chuyển đổi sang đào tạo HCTC, chương trình đào tạo rút ngắn thời gian giảng dạy trên lớp, tăng thời gian nghiên cứu, tự học của sinh viên, giảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học. Bà Trần Thị Thanh Hiền, Phó trưởng khoa Thủy sản, cho biết: “Đào tạo theo HCTC thời lượng giảng dạy các học phần có giảm so với trước, nhưng phải đảm bảo nội dung giảng dạy chuyên ngành nên đòi hỏi giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Vì thế, giảng viên đã chủ động sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau nhằm nâng cao chất lượng đào tạo”.

Thực tế hơn 2 năm học qua, tỷ lệ sinh viên xuất sắc của trường tăng lên nhiều, tỷ lệ yếu kém có giảm so với học kỳ còn áp dụng thang điểm 10. Cụ thể ở học kỳ II, năm học 2008-2009, tỷ lệ sinh viên xuất sắc của trường chiếm 13,2%, tăng 4,8% so với học kỳ II, năm học 2007-2008. Ông Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo, nói: “Việc chuyển đổi sang HCTC đã đạt được những thành công như: chương trình đào tạo tinh gọn. Sinh viên năng động, tự chủ trong học tập hơn nhiều so với trước đây”. Tuy nhiên, việc chuyển đổi HCTC vẫn còn có những hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện hơn.

Tiếp tục hoàn thiện HCTC

Theo nhiều cán bộ, giảng viên của Trường ĐHCT đã phân tích: Những hạn chế trong chương trình đào tạo theo HCTC đã qua là vấn đề công tác đào tạo và quản lý. Tình trạng số lượng sinh viên “ảo” do đăng ký nhiều học phần trong cùng học kỳ rồi xóa, gây tình trạng có lớp thì nhiều, có lớp thì ít. Thậm chí có trường hợp phải hủy lớp học phần do có số lượng sinh viên đăng ký không đủ qui định. Ông Nguyễn Vĩnh An lý giải: “Nguyên nhân là do trùng thời khóa biểu những học phần mà sinh viên đã đăng ký. Kế đến là tình trạng sinh viên cứ đăng ký nhiều, được học phần nào hay học phần đó nên gây tình trạng số lượng sinh viên “ảo”. Điều này đã làm xáo trộn không nhỏ cho các bộ môn trong việc điều chỉnh kế hoạch phân công giảng viên giảng dạy”. Bà Trần Thị Thanh Hiền cho biết: “Việc sắp xếp thực tập, thảo luận nhóm còn gặp trở ngại, nhất là đối với lớp đông sinh viên rất khó quản lý được sĩ số của một nhóm học và tự học của sinh viên”. Không chỉ cán bộ, giảng viên mà một số sinh viên cũng băn khoăn. Lê Thị Hoàng Yến than: “Sinh viên phải đăng ký những môn sẽ học ở mỗi học kỳ. Việc đăng ký không đơn giản chỉ là đăng ký, mà giống như cuộc “tranh giành” giữa những người học. Đó là tranh giành nhóm học sao cho không bị chồng chéo thời khóa biểu giữa các môn, giành giảng viên phụ trách môn học để kết quả thi tốt... Do đó, những sinh viên đăng ký không được như ý muốn sẽ xóa môn học, dời qua học kỳ tiếp theo, kế hoạch ban đầu bị phá vỡ”.

Một vướng mắc khác trong đào tạo theo HCTC là có một số cán bộ, giảng viên vẫn còn lúng túng khi chuyển từ thang điểm 10 sang điểm chữ (A, B, C, D, F) để đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Việc đánh giá theo thang điểm chữ thiếu tính khuyến khích sinh viên nỗ lực thi đua học tập, vì đạt điểm 9 đến 10 và đạt 8,5-9 điểm cũng ở mức xếp loại giống nhau. Do vậy, nhiều cán bộ, giảng viên cho rằng, nên qui định rõ ràng hơn về thang điểm chữ để các đơn vị tuyển dụng lao động có cơ sở đánh giá chính xác năng lực của người mình cần tuyển. Theo bà Trần Thị Thanh Hiền đề xuất: “Cần bổ sung các thang điểm trung gian như A+; A-; B+, B-;... để tạo môi trường học tập công bằng hơn đối với sinh viên, cán bộ, giảng viên khi chấm thi dễ đánh giá sát hơn”.

Bà Hiền cho biết thêm: “Để tiếp thu 1 tín chỉ, sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân. Nhưng, sinh viên rất ít hoặc không chịu khó tự học trên lớp cũng như các buổi học tiếp theo”. Còn theo ông Phan Văn Phúc, cán bộ khoa Khoa học chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cố vấn học tập là tư vấn cho sinh viên về việc lập kế hoạch học tập sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Để làm được việc này, cố vấn học tập phải biết rõ chương trình đào tạo, lượng kiến thức, trình tự thực hiện... để tư vấn cho sinh viên. Nhưng, hầu hết cố vấn học tập là giảng viên chỉ đảm nhận giảng dạy một vài môn trong khi chương trình đào tạo có khoảng 40 môn học, gây ít nhiều khó khăn. Ông Phúc đề xuất: “Trường cần phải nghiên cứu sâu hơn về công tác cố vấn học tập và tập huấn cho cố vấn học tập để họ hiểu rõ hơn vai trò, nhiệm vụ và cách làm của mình”. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, nói thêm: “Đặc thù của khoa là có đông sinh viên, trong khi đội ngũ cán bộ giảng dạy còn thiếu nhiều nên công tác này thực sự nặng nề. Bình quân mỗi cán bộ giảng dạy phải đảm nhận công tác cố vấn học tập nhiều hơn 1 lớp”.

Theo lãnh đạo Trường ĐHCT, việc chuyển đổi HCTC thực tế chỉ là phương pháp quản lý mềm dẻo. Phương pháp giảng dạy thuộc về phương pháp của từng cán bộ, giảng viên. Vì trước đây đào tạo theo niên chế, cán bộ vẫn có thể linh động đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp để tiết học đạt hiệu quả cao nhất. Trên thực tế, trong quá trình thực hiện chuyển đổi HCTC khó tránh khỏi những khó khăn, nhưng phải thực hiện để hoàn chỉnh công tác quản lý, đào tạo của trường. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường, khẳng định: “Lãnh đạo trường sẽ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, giảng viên và sẽ tập trung tháo gỡ để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, muốn thực hiện hiệu quả việc thực hiện đào tạo theo HCTC, đòi hỏi cán bộ, giảng viên toàn trường phải nỗ lực cao, nhất là vai trò của cố vấn học tập- người trực tiếp hướng dẫn, quản lý sinh viên”.

Bài, ảnh: B. KIÊN

Chia sẻ bài viết