28/04/2015 - 08:13

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC Y TẾ THEO ĐỊA CHỈ SỬ DỤNG

Thời gian qua, ngoài việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất, tiếp nhận nguồn nhân lực y tế được đào tạo chính quy từ các trường đại học, TP Cần Thơ còn liên kết với các trường đại học y, dược trong và ngoài thành phố để đào tạo thêm nguồn nhân lực theo địa chỉ sử dụng. Qua đó, vừa cung cấp thêm nguồn nhân lực y tế cho địa phương, vừa xóa dần tình trạng mất cân đối, thiếu hụt nguồn lực y tế tại các tuyến bệnh viện, trung tâm, trạm y tế cơ sở...

* ĐÀO TẠO THEO ĐỊA CHỈ SỬ DỤNG

Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, hiện nay thành phố có 22 bệnh viện, 1 trung tâm chuẩn đoán y khoa và 85 trạm y tế công. Tổng số nhân lực hiện có của ngành là 4.458 người, gồm các trình độ chuyên môn khác nhau như: bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, y tế cộng đồng, kỹ thuật y khoa, hộ sinh, y sĩ, y sĩ y học dân tộc... Bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết: "Là trung tâm ĐBSCL, TP Cần Thơ được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển hệ thống bệnh viện, đáp ứng nhu cầu phục vụ, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Theo thống kê, hằng năm các bệnh viện công lập trong thành phố tiếp nhận từ 40% đến 50% số bệnh nhân từ các địa phương ở ĐBSCL đến khám, chữa bệnh. Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là bệnh viện tuyến quận, huyện và các trạm y tế xã, phường. Do đó, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế TP Cần Thơ là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân".

Đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo TP Cần Thơ tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực y tế cho khu vực ĐBSCL của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. 

Từ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân, năm 2008, ngành y tế thành phố liên kết cùng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đào tạo lực lượng y, bác sĩ theo địa chỉ sử dụng và có nhiều thuận lợi từ khâu tuyển chọn ứng viên đến khi ra trường và tiếp nhận phân công nhiệm vụ. Từ năm 2008 đến nay, 2 trường đại học nêu trên đã và đang đào tạo 532 ứng viên theo địa chỉ sử dụng. Trong đó hệ chính quy 304 ứng viên; hệ vừa làm vừa học và hệ liên thông 228 ứng viên. Qua đó, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đào tạo hệ chính quy 300 ứng viên là bác sĩ đa khoa, răng hàm mặt, dược học, bác sĩ đa khoa pháp y, y học cổ truyền... và 209 ứng viên đào tạo hệ liên thông và hệ vừa làm vừa học. Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đào tạo 4 ứng viên hệ chính quy, 19 ứng viên hệ liên thông và vừa làm vừa học, gồm các ngành: bác sĩ đa khoa, cử nhân xét nghiệm, bác sĩ y học cổ truyền, cử nhân điều dưỡng đa khoa...

GS.TS Nguyễn Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: "Đối với ngành y, dược của trường, điểm xét tuyển các hệ đào tạo trên vẫn cao, chỉ thấp hơn sinh viên tuyển chính thức từ 1 đến 2 điểm. Tuy nhiên, các ứng viên học tập rất chăm chỉ và kết quả học lực không thua sinh viên chính thức. Nhà trường áp dụng chương trình đào tạo, nghiên cứu, thực tập... cho ứng viên như chương trình đào tạo khóa chính thức. Thời gian qua, nhiều ứng viên ra trường, phục vụ tốt trong ngành".

* ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI

Năm 2014, lần đầu tiên ngành y tế thành phố tiếp nhận 31 ứng viên tốt nghiệp từ hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Trong đó có 16 bác sĩ đa khoa, 7 bác sĩ Răng hàm mặt, 8 Dược học. Sau khi tốt nghiệp, các y, bác sĩ này được Sở Y Tế TP Cần Thơ phân công nhiệm vụ theo đúng quy định. Các ứng viên khi tốt nghiệp đều chấp hành sự phân công điều động của ngành theo cam kết giữa Sở Y tế TP Cần Thơ và ứng viên. Việc bố trí đơn vị công tác của ứng viên luôn đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, công khai, đúng quy định. Cụ thể, các ứng viên về nhận nhiệm vụ và làm việc tốt tại một số bệnh viện tuyến thành phố, tuyến quận, huyện, nơi đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng. Bà Bùi Thị lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết thêm: "Các ứng viên sau khi tốt nghiệp không những bổ sung nguồn nhân lực y tế chất lượng cho thành phố mà còn góp phần tạo sự công bằng nguồn nhân lực y tế giữa các tuyến, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, y tế dự phòng và giảm tải tại tuyến thành phố. Năm 2015, thành phố sẽ tiếp nhận thêm nhiều ứng viên tốt nghiệp và phân công nhiệm vụ phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ở cấp cơ sở".

Năm 2015, TP Cần Thơ có nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ qua hệ đào tạo chính quy là 27 ứng viên; hệ liên thông 84 ứng viên; sau đại học 45 ứng viên; đào tạo lại 118 ứng viên với các ngành: siêu âm căn bản, siêu âm nâng cao, phẫu thuật nội soi cơ bản, phẫu thuật nội soi ổ bụng, điện tim, kiểm soát nhiễm khuẩn... Giai đoạn từ năm 2015-2018, nhu cầu đào tạo sau đại học của thành phố trên 400 ứng viên. Qua đó bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế thành phố, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh người dân thành phố nói riêng, ĐBSCL nói chung.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và các khoa, phòng, ban liên quan xung quanh công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cho thành phố thời gian tới, đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế là rất cần thiết bởi thành phố có nhiều bệnh viện, trung tâm y tế của Trung ương và địa phương, rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe người dân. Ngoài ra, thành phố thực hiện đầy đủ các quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định khi Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hoặc các trường đại học khác đào tạo ứng viên theo địa chỉ sử dụng".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết