Bài, ảnh: MỸ THANH
Trong Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là một trong những tiêu chí cập nhật nhiều chỉ tiêu thành phần với yêu cầu khá cao. Tiêu chí này hướng các xã xây dựng NTM nâng cao của thành phố tổ chức sản xuất theo hướng công nghệ cao, công nghệ số, thúc đẩy kinh tế hợp tác nhằm cung cấp dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Mô hình trồng thanh long xử lý ra hoa nghịch vụ tại xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai.
Nỗ lực
Tiêu chí số 13 trong Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 gồm 8 chỉ tiêu thành phần: sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương; mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã; sản phẩm chủ lực được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử; vùng nguyên liệu tập trung được cấp mã vùng trồng; triển khai hình ảnh điểm du lịch của xã thông qua ứng dụng mạng xã hội; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.
Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối Xây dựng NTM TP Cần Thơ, cho biết: “Các yêu cầu tiêu chí 13 hiện nay nhiều hơn (trước đây chỉ có 2 chỉ tiêu thành phần) và cao hơn, gây áp lực không nhỏ cho các xã. Tuy nhiên, những chỉ tiêu này đáp ứng xu thế phát triển mới, giải quyết những yêu cầu thực tiễn. Một khi các xã hoàn thành tiêu chí sẽ đưa khâu tổ chức sản xuất bắt nhịp với xu thế phát triển kinh tế hiện đại. Nhận thức được tầm quan trọng của tiêu chí số 13, thời gian qua, các xã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả trong hoàn thành tiêu chí”.
Ông Cao Trí Công, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: “Hiện toàn xã có 3 hợp tác xã, 35 tổ hợp tác. Trong đó, Hợp tác xã Thuận Phát sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện bao tiêu đầu ra nhãn, xoài, sầu riêng… cho bà con nông dân. Ngoài ra, sản phẩm thanh nhãn Tín Huy của hợp tác xã cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng. Xã còn phối hợp với Viện Lúa ÐBSCL xây dựng mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn trái kết hợp tham quan trình diễn sản xuất lúa giống, từng bước quảng bá hình ảnh thông qua Internet, mạng xã hội…”.
Xã Trường Long, huyện Phong Ðiền tận dụng lợi thế vườn cây ăn trái để hoàn thành tiêu chí số 13. Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Chủ tịch UBND xã Trường Long, địa phương tập trung xây dựng các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm như sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; cấp mã số vùng trồng, tưới nhỏ giọt, phun sương tiết kiệm nước… Hiện các sản phẩm nông sản chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử đạt 20%.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc hoàn thành tiêu chí số 13 tại các xã vướng phải nhiều khó khăn như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại chưa nhiều, chưa đồng bộ; giao dịch sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử hạn chế. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp có chuyển biến nhưng chưa có chiều sâu, chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ của cán bộ, người dân về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn hạn chế...
Trước thực tế đó, ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho rằng, các xã phải nhận thức rõ việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là xu thế tất yếu. "Chẳng hạn, các sản phẩm OCOP phải được đưa lên sàn thương mại điện tử, rồi tiếp đó là các sản phẩm nông nghiệp khác. Không chỉ người dân đô thị mà người dân nông thôn giờ đây cũng tiếp cận với thương mại điện tử nhanh chóng. Hiện nay có một số sàn thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn… đang hỗ trợ rất tích cực, đưa sản phẩm lên không tốn phí, tập huấn không tốn phí. Do đó, ngành chức năng phải là người nắm bắt trước các chủ trương, cơ hội am hiểu công nghệ mới có để định hướng, hỗ trợ tốt được cho nông dân, doanh nghiệp” - ông Dũng nói.
Về phía các xã cũng đề ra nhiều giải pháp tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong bối cảnh mới. Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, xã tiếp tục phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP để nâng tầm các sản phẩm chủ lực của địa phương. Trên địa bàn xã có mô hình kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị tại cộng đồng nông nghiệp thuận thiên (Công ty CP Sản xuất thương mại Abavina). Vì vậy, xã tiếp tục duy trì, phát huy mô hình sản xuất thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Qua đó, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Ông Cao Trí Công, khẳng định: “Xã tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng tập trung chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả hỗ trợ cho nông dân trong xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác. Ðồng thời, phối hợp với các trạm chuyên môn cấp trên tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho người nông dân; phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương”. Như vậy, với sự hoàn thiện và nâng chất không ngừng, tiêu chí số 13 kỳ vọng sẽ tạo “đòn bẩy” để hoàn thành các tiêu chí khác như hộ nghèo, thu nhập, lao động việc làm…