06/02/2024 - 09:24

Mỹ “vừa đánh vừa đàm” tại Trung Đông 

Mỹ đang đối mặt với những thách thức lớn khi tăng cường can dự ngoại giao và quân sự vào Trung Ðông nhằm kết thúc cuộc chiến ở Dải Gaza và hạn chế ảnh hưởng của Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken (trái) lên đường đến Trung Đông ngày 4-2. Ảnh: Reuters

Khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cuối tuần qua bắt đầu chuyến công du thứ 5 của ông tới Trung Ðông kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10-2023, mục tiêu của Washington là đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài cho cuộc xung đột và thả khoảng 130 con tin vẫn còn ở Gaza, một bước đi quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu tham
vọng hơn.

Về mặt quân sự, Mỹ kiềm chế các lực lượng ủy nhiệm của Iran và nhiệm vụ này đã dẫn đến phản ứng mạnh nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với các nhóm dân quân được Tehran hậu thuẫn ở Iraq và Syria hôm 2-2 (không kích hơn 85 mục tiêu), sau đó là các cuộc tập kích vào 13 mục tiêu của phong trào Houthi tại Yemen. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 4-2 nói rằng Mỹ dự định tiến hành thêm các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm thân Iran.

Nhà Trắng từng hy vọng Trung Ðông có mức độ ưu tiên thấp hơn các vấn đề Trung Quốc và Ukraine, nhưng khu vực này giờ đây lại nổi lên như một thách thức cấp bách nhất đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo các chuyên gia, với số thương vong ở Gaza đang gây chấn động, chiến lược của Mỹ hiện nay giải bài toán hóc búa về hòa bình tại Trung Ðông bằng cách ưu tiên vấn đề Palestine. Thúc đẩy triển vọng của người Palestine về một nhà nước của riêng họ đã trở thành điều kiện tiên quyết để theo đuổi quá trình bình thường hóa quan hệ Israel - Saudi Arabia và cùng với đó là hy vọng đẩy mạnh một liên kết chống Iran rộng khắp trong khu vực.

“Giống như bất kỳ cuộc chiến nào, chiến tranh ở Gaza tạo cơ hội để thay đổi cách tiếp cận đối với một cuộc xung đột lâu đời. Chính quyền ông Biden nhận thấy không thể đạt được các mục tiêu chiến lược ở Trung Ðông nếu không phát triển cách tiếp cận bền vững hơn để giải quyết xung đột Israel - Palestine”, Martin Indyk, cựu đặc phái viên Mỹ về đàm phán Israel - Palestine, chia sẻ.

Đối mặt nhiều trở ngại lớn

Tuy nhiên, có nhiều thách thức cho một bước đột phá ngoại giao, bao gồm việc đảm bảo sự hợp tác của Israel - quốc gia mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tuyên bố phản đối thành lập nhà nước Palestine. Mỹ cũng phải duy trì sự hỗ trợ từ Saudi Arabia, điều nhiều khả năng sẽ đòi hỏi việc cho ra đời hiệp ước phòng thủ song phương như mong muốn của Riyadh.

Chính quyền Palestine cũng cần được cải cách để có thể giúp quản lý khu Bờ Tây và Gaza với sự ủng hộ của công chúng Palestine. Ngay cả khi điều này xảy ra, những lo ngại sâu xa từ tất cả các bên cũng phải được giải quyết vì nhiều người Israel vẫn cảnh giác về việc trao quyền cho một nhà nước Palestine sau cuộc tấn công đẫm máu của Hamas vào Israel.

“Bạn cần phải dung hòa nỗi lo sợ của Israel về chuyện nhà nước Palestine chắc chắn sẽ bị thống trị bởi Hamas hoặc một nhóm giống Hamas, với nhu cầu của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và thế giới Arab rộng hơn muốn thấy rằng một nhà nước Palestine thực sự được hiện thực hóa”, Dennis Ross, cựu quan chức cấp cao của Mỹ về Trung Ðông, nhận định. Theo ông, tất cả các mảnh ghép đều sẵn sàng cho một bước đi chiến lược lớn hơn, nhưng thách thức lớn nhất là làm thế nào để kết hợp những mảnh ghép đó lại với nhau.

Chuyến thăm Trung Ðông lần này của Ngoại trưởng Blinken tập trung vào việc đặt nền móng cho động thái trên. Nhà ngoại giao hàng đầu của Washington dừng chân tại Saudi Arabia, Israel cũng như Ai Cập và Qatar, hai cầu nối quan trọng với Hamas và đã trở thành các bên trung gian quan trọng trong nỗ lực đàm phán kể từ khi chiến sự bùng nổ.

HẠNH NGUYÊN (Theo WSJ)

Chia sẻ bài viết