TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Giới phân tích cho rằng thế giới có lẽ “dễ thở” hơn một chút sau cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14-11. Tuy nhiên, quan hệ giữa 2 siêu cường vẫn trong nguy cơ đối đầu.

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Biden tại cuộc gặp hôm 14-11. Ảnh: CNN
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Biden và ông Tập với tư cách lãnh đạo các cường quốc hàng đầu.
Trong 3 giờ thảo luận, 2 nhà lãnh đạo đã đề cập đến kiểm soát bất đồng trong quan hệ song phương. Tổng thống Biden khẳng định cả hai nước đều có trách nhiệm “xử lý bất đồng, ngăn ngừa cạnh tranh trở thành xung đột”, đồng thời cam kết duy trì các kênh trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình. Về phần mình, ông Tập nhận định giữa 2 nước còn nhiều khác biệt, nhưng điều quan trọng là không để những khác biệt này trở thành rào cản trong quan hệ song phương.
Theo Nhà Trắng, tại cuộc gặp, Tổng thống Biden bày tỏ sự phản đối “những hành động cưỡng ép và ngày càng hung hăng” của Trung Quốc đối với Ðài Loan. Ông cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có nghĩa vụ kiềm chế hoạt động hạt nhân và tên lửa đang đe dọa khu vực Thái Bình Dương của Triều Tiên. Phía Washington còn đề cập tới hàng loạt vấn đề bất đồng quan điểm của Mỹ và Trung Quốc như tình hình Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong…
Ðáp lại, Chủ tịch Tập nhấn mạnh: “Dấu hỏi về Ðài Loan là lằn ranh đỏ đầu tiên không được phép vượt qua trong quan hệ Trung Quốc - Mỹ”. Ông cũng bày tỏ lập trường của Trung Quốc, phản đối việc “chính trị hóa và vũ khí hóa” kinh tế, thương mại, cũng như những trao đổi và giao dịch liên quan tới công nghệ, khoa học, bởi “thành công của Trung Quốc và Mỹ là cơ hội, không phải thách thức”.
Tại cuộc họp báo được tổ chức sau đó, Tổng thống Biden tỏ ra khá lạc quan. Nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận cuộc gặp chiều tối 14-11 không thể giải quyết được hết những vấn đề khúc mắc giữa Washington và Bắc Kinh nhưng khẳng định sẽ không có bất kỳ cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới nào giữa 2 nước.
Chính quyền của Tổng thống Biden xác định Trung Quốc là thách thức lớn nhất và là đối thủ cạnh tranh với Mỹ trong thế kỷ 21. Mối quan hệ chặt chẽ của Bắc Kinh và Nga trong bối cảnh diễn ra cuộc xung đột tại Ukraine đã tác động tới mối quan hệ Mỹ - Trung, bên cạnh một loạt các vấn đề khác. Tuy nhiên, ông Biden đã đưa ra một quan điểm khá tích cực sau cuộc gặp với ông Tập, bất chấp những khác biệt trên. Về mối đe dọa vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ nói rằng ông và ông Tập Cận Bình “tái khẳng định niềm tin chung về mối đe dọa, nơi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Theo giới phân tích, việc 2 nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới trong những tháng gần đây không cùng nhau giải quyết những vấn đề nói trên cho thấy cả thế giới đang phải “gồng mình” chịu đựng. Song, các tuyên bố công khai từ cả 2 bên dường như đã chỉ ra một nền tảng cơ bản rằng mỗi bên đều nhận ra bản chất quan trọng của sự cạnh tranh giữa họ và cả 2 đều muốn đảm bảo rằng ít nhất những gì đã xảy ra sẽ không bùng phát thành chiến tranh. Mặt khác, cả Washington và Bắc Kinh đều đang hướng tới việc mở lại các cuộc đối thoại thường xuyên hơn khi mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào đầu năm tới để tiếp nối các thảo luận tháo gỡ khúc mắc giữa 2 nước.
Theo giới chức Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 tại Indonesia đã mang lại 2 kết quả quan trọng. Theo đó, các bên tham gia hội nghị đều có lập trường chung rằng Nga không được sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, đồng thời dự kiến nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu giữa các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc. Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập, một thông báo của Nhà Trắng cho biết 2 nhà lãnh đạo “đã đồng ý trao quyền cho các quan chức cấp cao chủ chốt để duy trì liên lạc và tăng cường các nỗ lực mang tính xây dựng” về biến đổi khí hậu, ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, gồm giảm nợ, đảm bảo an ninh y tế và an ninh lương thực toàn cầu.