11/11/2022 - 06:17

Mỹ tìm kiếm “lằn ranh đỏ” với Trung Quốc 

MAI QUYÊN (Theo AP, SCMP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh) có thể thảo luận với nhà lãnh đạo Trung Quốc những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh quanh vấn đề thương mại, tình hình Đài Loan và quan hệ của cường quốc châu Á với Nga, khi gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tuần tới tại Indonesia.

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Hiện chưa có thông tin xác nhận chính thức, nhưng Nhà Trắng cho biết đang làm việc với các quan chức Trung Quốc để sắp xếp cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Trên cương vị tổng thống, ông Biden nhiều lần cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác. Ông cũng yêu cầu Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho “các vụ đàn áp” nền dân chủ ở Hong Kong, cưỡng chế hoạt động thương mại, khiêu khích quân sự chống lại Đài Loan và hỗ trợ Nga “lách” các lệnh trừng phạt liên quan cuộc chiến Ukraine.

Phát biểu trước báo chí sau cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, Tổng thống Biden thừa nhận hai bên có nhiều điều cần thảo luận khi quan hệ song phương trở nên căng thẳng hơn trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, ông Biden khẳng định không nhượng bộ bất kỳ điều gì với Bắc Kinh. Thay vào đó, trong cuộc gặp dự kiến sắp tới, ông Biden hy vọng có thể làm rõ những gì được coi là lợi ích quan trọng của Mỹ và hiểu thêm về quan điểm của Trung Quốc đối với các ưu tiên và mối quan tâm cốt lõi mà nước này theo đuổi.  “Tôi muốn vạch ra lằn ranh đỏ của mỗi nước khi họp với lãnh đạo Trung Quốc và xác định xem chúng có xung đột với nhau hay không” - ông Biden tuyên bố và bày tỏ hy vọng hai bên có thể làm việc để hóa giải bất đồng nếu có.

Sự kiện được mong đợi vào tuần tới sẽ là lần đầu tiên lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp mặt trực tiếp, kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1-2021. Trước đó, cả hai có cơ hội tiếp xúc trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ và Phó Chủ tịch Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2012. Nhưng so với một thập kỷ trước, quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên phức tạp hơn nhiều.

“Không nhượng bộ” về Đài Loan

Tương tự chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ và cam kết định hướng lại chính sách ứng phó thách thức này. Trong đó, mối quan tâm của Mỹ về vấn đề Đài Loan ngày càng được thể hiện rõ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24-2.

Gây chú ý là việc Tổng thống Biden đã 3 lần phát đi thông điệp cho thấy ông sẵn sàng dùng biện pháp quân sự để bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này bị tấn công. Mặc dù Nhà Trắng sau mỗi lần đều lên tiếng tái khẳng định chính sách của Mỹ với Đài Loan không thay đổi, nhưng tuyên bố của chính trị gia 79 tuổi đã phá vỡ chính sách “mơ hồ chiến lược” lâu đời mà Washington theo đuổi. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8. Trung Quốc đổ lỗi cho Tổng thống Biden vì không có hành động can thiệp, đồng thời cắt đứt các cuộc đàm phán với Washington trong một số vấn đề quan trọng, bao gồm kiểm soát ma túy và chống biến đổi khí hậu. Trong phát biểu mới nhất về vấn đề này, Tổng thống Biden khẳng định không có sự thay đổi nào trong quan điểm lâu nay của Mỹ về Đài Loan, nhưng Washington “không sẵn sàng đưa ra bất kỳ nhượng bộ cơ bản nào”.

Ngoài Đài Loan, ông Biden cũng nêu đánh giá về quan hệ Nga - Trung Quốc trong bối cảnh Nhà Trắng đang theo dõi chặt chẽ xem liệu Bắc Kinh có viện trợ cho Mát-xcơ-va trong cuộc chiến ở Ukraine hay không. Bên cạnh đó, ông còn đề cập khả năng thảo luận với Chủ tịch Tập về kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc, vấn đề thương mại công bằng cũng như quan hệ giữa cường quốc châu Á với các nước láng giềng.

 

Chia sẻ bài viết