26/09/2023 - 23:10

Mỹ tăng cường hợp tác với Nam Thái Bình Dương 

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, NY Times)

Tổng thống Joe Biden đã gặp các nhà lãnh đạo đảo quốc Thái Bình Dương tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Diễn đàn Các Quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) lần thứ hai hôm 25-9. Sự kiện này nằm trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc tại khu vực mà Washington xem là rất quan trọng về mặt chiến lược.

Tổng thống Biden (giữa) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo đảo quốc Thái Bình Dương dự Hội nghị thượng đỉnh hôm 25-9. Ảnh: SCMP

Trước khi chào đón các lãnh đạo đảo quốc Thái Bình Dương dự hội nghị tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ công nhận ngoại giao đối với hai quốc đảo Thái Bình Dương là quần đảo Cook và Niue. Công nhận quần đảo Cook sẽ cho phép Mỹ mở rộng quan hệ đối tác với quốc gia này. Ðối với Niue, ông Biden hy vọng Mỹ có thể đẩy mạnh hợp tác với nước này trong việc giải quyết vấn đề phát triển bền vững, an ninh, bảo vệ hàng hải và bảo tồn biển trong khu vực. Niue là một trong những quốc gia nhỏ bé nhất trên thế giới với diện tích chỉ khoảng 260km2 và dân số 1.700 người. Ðảo quốc này không có lực lượng quân đội, không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc và không được Mỹ công nhận là quốc gia có chủ quyền cho đến năm 2022.

“Mỹ cam kết đảm bảo một khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và an toàn. Chúng tôi cam kết hợp tác với tất cả các quốc gia để đạt được mục tiêu đó”, Tổng thống Biden phát biểu tại lễ chào đón. Ông Biden hứa sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để cung cấp thêm 200 triệu USD cho các dự án trong khu vực nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy lùi nạn đánh bắt cá trái phép và cải thiện y tế công, trong đó có 40 triệu USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc đảo.

Tuyên bố chung của hội nghị cho biết các bên đã đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào năm 2025 và sau đó tổ chức định kỳ 2 năm một lần.

Thắt chặt quan hệ với chuỗi đảo Nam Thái Bình Dương

Vào tháng 9-2022, Tổng thống Biden đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với 14 quốc đảo Thái Bình Dương. Mỹ cam kết giúp đỡ người dân trong khu vực chống lại “sự cưỡng ép kinh tế” của Trung Quốc, tuyên bố quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác với các đảo quốc.

Năm ngoái, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ đầu tư hơn 810 triệu USD vào các chương trình mở rộng nhằm hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương. Meg Keen, Giám đốc Chương trình các đảo quốc Thái Bình Dương thuộc Viện Lowy của Úc nhận định mặc dù Mỹ mở nhiều đại sứ quán mới và một văn phòng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) trong khu vực kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, Quốc hội nước này vẫn chưa phê duyệt phần lớn các cam kết tài trợ đưa ra hồi năm 2022. Theo bà Keen, các đảo quốc Thái Bình Dương hoan nghênh “sự tái can dự của Mỹ vào khu vực nhưng không muốn những căng thẳng địa chính trị dẫn tới leo thang quân sự hóa”.

Không phải tất cả 18 thành viên PIF cử đại diện dự hội nghị lần này đều là lãnh đạo. Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare, người vốn có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, đã không đến dự. Thủ tướng Vanuatu Sato Kilman cũng vắng mặt. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Vanuatu.

Trong năm nay, Mỹ đã mở Ðại sứ quán tại quần đảo Solomon và Tonga, đồng thời có kế hoạch mở Ðại sứ quán tại Vanuatu vào đầu năm tới. Tại Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tuần rồi, Tổng thống Biden khẳng định ông không muốn xảy ra xung đột với Trung Quốc nhưng cảnh báo Mỹ sẽ “đẩy lùi sự hung hăng và hăm dọa”.

Chia sẻ bài viết