Ngày 14-1, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden thông báo cho Quốc hội kế hoạch dỡ bỏ lệnh chỉ định Cuba là quốc gia tài trợ khủng bố. Song, động thái này được dự báo sớm bị đảo ngược khi ông Donald Trump trở lại
Ðại sứ quán Mỹ tại thủ đô Havana, Cuba. Ảnh: iStock
Nhà Trắng vào tuần tới.
Trong bản ghi nhớ an ninh quốc gia, Tổng thống Biden chứng nhận Cuba không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế trong 6 tháng qua; Havana đồng thời cam kết với Washington sẽ không hỗ trợ các hành động khủng bố trong tương lai. Hồi tháng 5-2024, Nhà Trắng cũng đã loại Cuba khỏi danh sách những nước mà Bộ Ngoại giao Mỹ cho là “không hợp tác đầy đủ” trong việc chống lại các nhóm bạo lực.
Hoan nghênh động thái trên, Bộ Ngoại giao Cuba cho biết quyết định của Tổng thống Biden chỉ ra hướng đi đúng đắn và phù hợp với yêu cầu kiên định, bền bỉ của Chính phủ cùng người dân Cuba. Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý điều đó chỉ sửa chữa một phần nhỏ những khía cạnh của “chính sách bất nhẫn và không công bằng” mà Mỹ tiếp tục áp lên Cuba thông qua “chiến tranh kinh tế”. Hiểu rõ chính quyền Mỹ sắp tới có thể đảo ngược hành động, thông cáo của Bộ Ngoại giao Cuba nêu rõ bất chấp những khác biệt, Havana “sẵn sàng phát triển mối quan hệ tôn trọng, dựa trên đối thoại và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Được biết, quyết định của Tổng thống Biden nằm trong thỏa thuận do Giáo hội Công giáo tạo điều kiện để trả tự do cho cái gọi là các tù nhân chính trị ở Cuba. Do đó, trong những ngày cuối nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Biden, một số quan chức Mỹ cấp cao tiết lộ hàng chục tù nhân chính trị cùng những cá nhân mà Washington coi là “bị giam giữ bất công” có thể nhận được lệnh ân xá. Theo hãng tin Reuters, một tiếng đồng hồ sau thông báo của Mỹ, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel tuyên bố chính phủ có kế hoạch dần thả 553 tù nhân sau cuộc hội đàm với Giáo hoàng Francis.
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ giảm bớt một số áp lực kinh tế đối với Cuba; cũng như thu hồi một số biện pháp cứng rắn theo bản ghi nhớ năm 2017 do Tổng thống khi đó là Donald Trump ban hành bao gồm siết kiểm soát đối với hoạt động đi lại từ Mỹ sang Cuba cũng như dòng kiều hối từ Mỹ gửi về đảo quốc vùng Caribbe; áp lệnh trừng phạt lên Venezuela về việc vận chuyển dầu sang Cuba. Theo quy định, những quốc gia bị Bộ Ngoại giao Mỹ xác định “đã nhiều lần hỗ trợ cho các hành vi khủng bố quốc tế” sẽ đối mặt 4 loại lệnh trừng phạt chính bao gồm hạn chế tiếp cận viện trợ nước ngoài của Washington; lệnh cấm xuất khẩu và bán vũ khí; một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu những mặt hàng có chức năng sử dụng kép; hạn chế về tài chính và trong nhiều lĩnh vực khác. Bất kể cá nhân hay quốc gia nào có hoạt động thương mại với nước nằm trong “danh sách đen” cũng đối diện nguy cơ bị trừng phạt. Hiện trong danh sách còn lại 3 nước là CHDCND Triều Tiên, Syria và Iran.
Thông báo của Tổng thống Biden về cơ bản đã đảo ngược nhiều lệnh trừng phạt mà Tổng thống đắc cử Trump ban hành trong những giờ chót của nhiệm kỳ trước. Trong ngắn hạn, động thái mới nhất của Mỹ được kỳ vọng mang lại cho Havana nhiều không gian hơn để xoay xở giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Nếu có thể duy trì, đây sẽ là bước tiến quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ - Cuba kể từ thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tuy nhiên, sau thông báo từ Nhà Trắng, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz đã lập tức lên án động thái “không thể chấp nhận nếu xét về bản chất” của Tổng thống Biden. Ông Cruz tuyên bố sẽ làm việc với Tổng thống đắc cử Trump và các đồng nghiệp để nhanh chóng đảo ngược, hạn chế thiệt hại từ quyết định trên.
Theo giới quan sát, ngoài ông Trump vốn chủ trương cứng rắn với Cuba, một trong những nhân tố khiến mọi người ít lạc quan vào nỗ lực cải thiện quan hệ với Cuba của Tổng thống Biden trong những ngày cuối nhiệm kỳ còn nằm ở người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ sắp tới - Marco Rubio. Xuất thân từ gia đình người nhập cư Cuba vào những năm 1950, ông Rubio từ lâu ủng hộ siết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt đảo quốc Caribbe. Ngoài ra, áp lực có thể nhân đôi khi Tổng thống đắc cử Trump bổ nhiệm Mauricio Claver-Carone, cựu trợ lý Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và là người ủng hộ mạnh mẽ lệnh trừng phạt Cuba, làm đặc phái viên của ông tại Mỹ Latinh.
MAI QUYÊN (Theo AP, CNN)