03/04/2016 - 09:13

Mỹ lên kế hoạch tiếp tục tuần tra Biển Đông

Hãng tin Anh Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch triển khai hoạt động tuần tra lần 3 khu vực gần quần đảo tranh chấp ở Biển Đông trong đầu tháng 4, bất chấp cảnh báo của Trung Quốc.

Hiện tại, nhóm tàu ​​sân bay tấn công USS Stennis của Hải quân Mỹ vẫn đang hoạt động trên Biển Đông. Do đó, kế hoạch tuần tra tự do hàng hải tiếp theo có thể do một tàu nhỏ hơn thay thế. Reuters cho biết vẫn chưa có thông tin chính xác về thời gian và địa điểm, nhưng nguồn tin trên tiết lộ tàu Hải quân Mỹ có thể tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý xung quanh một thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông. Theo dự đoán của giới chuyên gia, hoạt động này nhiều khả năng diễn ra gần Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tàu sân bay USS John Stennis (CVN 74) của Hải quân Mỹ được điều đến Biển Đông hồi đầu tháng 3. Ảnh: U.S Navy

Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu tăng tốc cải tạo trái phép Đá Vành Khăn nhằm bồi lấp thành cái gọi là "đảo nhân tạo" phục vụ yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Ngoài Đá Chữ Thập và Đá Subi, Bắc Kinh đã xây dựng trái phép một công trình đường băng quân sự dài hơn 3km trên Đá Vành Khăn.

Tin tức về kế hoạch tuần tra của Hải quân Mỹ được công bố một ngày sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân hôm 31-3. Tại cuộc gặp, ông Tập hy vọng Washington "nghiêm chỉnh" tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông kèm theo cảnh báo rằng Trung Quốc "sẽ không chấp nhận hành vi vi phạm chủ quyền nước này nhân danh tự do hàng hải". Tuyên bố trên được cho là nhằm vào hoạt động tuần tra của Mỹ trên vùng biển mà Trung Quốc tự coi là lãnh hải của mình. Trong khi đó, Nhà Trắng dẫn tuyên bố của Tổng thống Obama kêu gọi Trung Quốc nên giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng bằng giải pháp hòa bình và duy trì tự do hàng hải trong khu vực.

Thời gian gần đây, Mỹ đã triển khai hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó cáo buộc việc tuần tra của Mỹ là nguyên nhân khiến căng thẳng trên Biển Đông leo thang. Tuy nhiên, Washington nhiều lần khẳng định hoạt động này phù hợp với luật pháp quốc tế và cho biết sẽ tiếp tục điều tàu, máy bay lưu thông ở những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm Biển Đông. Ngoài ra, Washington còn lên án Bắc Kinh "quân sự hóa" Biển Đông và cảnh báo động thái của Trung Quốc đang "đe dọa tự do hàng hải" và "gây bất ổn" khu vực.

Khuyến nghị của Thủ tướng Singapore đối với Mỹ

Cũng liên quan Biển Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong bài phỏng vấn với tờ Nhật báo Phố Wall của Mỹ cho rằng tranh chấp lãnh hải tại vùng biển chiến lược này cần phải được giải quyết như một phần trong mối quan hệ Mỹ-Trung, với phạm vi rộng lớn hơn thay vì "một chiều" hay "kẻ thắng người thua".

Chính kiến trên được đưa ra theo những gì lãnh đạo Singapore nghĩ là phản ứng nên có của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Theo ông Lý, "không có nghi ngờ gì về việc Mỹ là cường quốc Thái Bình Dương. Mỹ có lợi ích trong khu vực, các bạn muốn một khu vực hòa bình, đồng thời các bạn cũng muốn duy trì luật pháp và chuẩn mực quốc tế". Nhưng nếu không có mối quan tâm về hợp tác lẫn nhau trong phạm vi rộng, "Mỹ cũng sẽ chỉ giống như các nước khác, đưa ra vài yêu cầu hoặc đòi hỏi quyền lợi" – theo lãnh đạo Singapore.

Theo quan điểm của Thủ tướng Lý, Washington trước hết nên bắt đầu bằng việc xây dựng một mối quan hệ tổng thể và thực chất trong khu vực, bao gồm nỗ lực thúc đẩy thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đóng vai trò rất quan trọng. Và một khi mối quan hệ được xây dựng, theo ông Lý, Mỹ sẽ có vị thế tốt hơn để giải quyết vấn đề Biển Đông.

MAI QUYÊN
(Theo Reuters, Straits Times, IBT)

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Straits Times, IBT)

Chia sẻ bài viết