15/03/2014 - 22:36

Mỹ âm thầm đưa quân sang châu Phi

Thủy quân lục chiến Mỹ và Pháp tập trận đối phó khủng hoảng ở châu Phi. Ảnh: LA Times

Trong bối cảnh có sự gia tăng đột biến của các nhóm phiến quân Hồi giáo ở Bắc Phi, một nhóm khoảng 50 binh sĩ đặc nhiệm Mỹ đã được điều đến một căn cứ xa xôi ở phía Tây Tunisie hồi tháng trước. Nhiệm vụ của họ là huấn luyện quân đội Tunisie chống khủng bố.

Đó chỉ là một trong hàng chục cuộc triển khai của quân đội Mỹ ở châu Phi trong một năm trở lại đây, chủ yếu tới các tiền đồn nhỏ và tạm thời. Giới phân tích cho rằng các cuộc hành quân quy mô nhỏ này của Lầu Năm Góc là nhằm tránh kích động các tay súng chống Mỹ trong khu vực.

Có trụ sở tạm thời tại Stuttgart (Đức), Bộ Tư lệnh châu Phi chỉ có khoảng 2.000 nhân viên quân sự và dân sự được giao nhiệm vụ điều phối các chương trình quốc phòng của Washington tại khoảng 38 quốc gia châu Phi. Bên cạnh đó là 5.000 binh sĩ Mỹ thường xuyên hiện diện trên lục địa đen để tiến hành các hoạt động tác chiến cũng như huấn luyện.

Các chỉ huy quân sự Mỹ tại châu Phi chủ yếu dựa vào các nhóm đặc nhiệm nhỏ hoặc các lực lượng do Mỹ huấn luyện từ các quốc gia thân thiện ở châu Phi và các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Pháp. Ví dụ tại Niger, không quân Mỹ và Pháp (có căn cứ đặt tại một sân bay ở Thủ đô Niamey) đang sử dụng các máy bay không người lái Reaper thu thập thông tin tình báo. Họ tiến hành giám sát trên không một số nước vùng Sahara cho tới Nigeria. Tại Nigeria, binh sĩ Mỹ cũng đang cố vấn cho quân đội nước này trong việc thiết lập một lực lượng đặc biệt nhằm chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram và hỗ trợ các lực lượng của Liên minh châu Phi đối phó các tay súng Shabab ở Somalie. Mới đây, Bộ Tư lệnh châu Phi cho biết đã điều một nhóm nhỏ các cố vấn đến Somalie hồi tháng 12 năm ngoái. Đây được xem là lần đầu tiên Mỹ có binh sĩ đồn trú ở đây kể từ khi các chiến binh bắn hạ 2 trực thăng và giết chết 18 lính Mỹ hồi năm 1993 tại Thủ đô Mogadishu.

"Hầu hết các quốc gia chúng tôi hợp tác đều không muốn một sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ" - Trung tá lục quân Robert E. Lee Magee, chỉ huy trưởng một đơn vị gồm 130 binh sĩ tại Djibouti, cho biết.

Hiện ngoài đơn vị đóng tại Djibouti vốn được thành lập sau khi xảy ra các cuộc tấn công vào lãnh sự quán và chi nhánh Cục Tình báo Trung ương Mỹ tại Benghazi (Libye) hồi tháng 9-2012 làm chết đại sứ Christopher Stevens và nhiều người khác, Mỹ còn có một lực lượng phản ứng nhanh bao gồm 550 lính thủy đánh bộ đang đóng tại một căn cứ không quân ở Moron (Tây Ban Nha) luôn sẵn sàng ứng phó các cuộc khủng hoảng ở Bắc và Tây Phi. Được biết, lực lượng này được trang bị 6 máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng V-22 Osprey, có thể giúp triển khai binh sĩ đến các địa điểm xa xôi ở châu Phi cách đó hàng ngàn dặm.

TRÍ VĂN (Theo LA Times)

Lầu Năm Góc thiếu máy bay do thám tại lục địa đen

Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM), Tướng David M. Rodriguez mới đây thông báo trước Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ rằng quân đội nước này hiện đối mặt với tình trạng thiếu hụt thường xuyên các máy bay do thám, trong đó có máy bay do thám không người lái, dùng theo dõi các tổ chức khủng bố thân al-Qaeda tại châu Phi.

Cụ thể, Tướng Rodriguez cho biết nhu cầu sử dụng số lượng máy bay do thám và trinh sát của quân đội Mỹ tại lục địa đen hồi năm ngoái chiếm 7%, nhưng đã tăng lên tới 11% trong năm nay. Theo đó, AFRICOM vẫn còn cần thêm nhiều máy bay do thám tầm xa và máy bay do thám E-8 Joint STARS trang bị hệ thống radar có khả năng giám sát kẻ địch ở cự ly xa. Dẫn lý do địa bàn quá rộng lớn và số lượng máy bay sẵn có ít ỏi, ông Rodriguez chỉ rõ rằng "khoảng trống tình báo lớn nhất là ở phía ngoài vùng Tây Bắc của châu Phi, khu vực trải dài từ phía Bắc Mali tới miền Đông Libye".

Trước nay, lực lượng binh sĩ và vũ khí hạng nặng vốn không được bố trí lâu dài cho AFRICOM, nên cơ quan chỉ huy quân sự này phải nhờ đến sự chi viện về máy bay và nguồn lực từ các bộ chỉ huy khác trong khu vực, như Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (đơn vị chịu trách nhiệm giám sát các lực lượng tại Trung Đông, Trung Á và nhiều phần tại Bắc Phi và Nam Á). Hiện nay, sau hơn 10 năm xây dựng mạng lưới hậu cần gồm các bến cảng và căn cứ không quân khắp Đông Phi và vùng lân cận, Lầu Năm Góc lại thích mượn cứ điểm nhỏ để chủ yếu thu thập và chia sẻ thông tin tình báo cho các nước đồng minh trực tiếp tiến hành các hoạt động quân sự chống khủng bố tại lục địa đen.

N. CÁT (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết