17/12/2008 - 10:05

"Mũi đột phá" quan trọng của "tam nông"

Vấn đề “tam nông” của chúng ta một lần nữa được đặt ra, lần này là trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Sức ép năng suất và cạnh tranh đã buộc chúng ta phải nhìn lại tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp của đất nước. Chúng ta đã nói nhiều về yêu cầu cơ giới hóa nông nghiệp và những mục tiêu, chỉ tiêu đến 2020 và tầm nhìn xa hơn. Chúng ta đã tập trung rất nhiều cho nhiệm vụ cơ giới hóa nông nghiệp từ nhiều năm nay. Nhưng thực tế là cho đến nay kết quả còn rất hạn chế. Vì sao?

Theo chúng tôi, có một nguyên nhân bao trùm cần được nhìn thẳng: đó là trong khi chúng ta đã dần thay đổi tư duy trong quản lý công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn quản lý nền nông nghiệp đất nước theo tư duy cũ. Động lực “tự chủ” sơ khai của thời “khoán 10” đã như cái áo chật bó hẹp nền nông nghiệp Việt Nam trong khi chúng ta đã hoàn toàn trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế thế giới.

Chúng ta hãy so sánh hai mô hình sản xuất nông nghiệp sau đây. Một là: trên nền tảng công nghệ, đi sâu tri thức, vận dụng quản trị, bám sát thị trường. Hai là: nông dân có toàn quyền tự chủ trên mảnh ruộng gia đình (so với thời tập đoàn sản xuất trước đó) và hãy tạo ra sản phẩm. Hậu quả của sự khác biệt này gần đây nhất là gạo Campuchia đã tràn qua Việt Nam. Khoán 10 đã là động lực thành công của thời đổi mới mà lực cản trước đó là do nông dân bị mất quyền tự chủ trên thửa ruộng của mình. Nay, khi nông dân đã có quyền tự chủ và tiến vào hội nhập toàn cầu thì động lực ấy đã không còn ý nghĩa, nhưng chúng ta đã chưa kịp thời đưa ra một “cú hích” tiếp theo.

Chúng ta nói: phải cơ giới hóa! Nhưng nông dân với “thửa ruộng nhỏ”, “túi tiền nhỏ” thật sự không biết phải bắt đầu từ đâu. Đa số nông dân không thể dám nghĩ đến làm-ruộng-bằng-máy, vì họ nghèo. Có người gồng mình mua máy gặt đập xếp dãy khoảng 100 triệu đồng/máy, do chưa hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật, không phù hợp với nhiều chân ruộng không bằng phẳng, nên chỉ hoạt động được một thời gian đã bị xếp xó. Vì thế, hiện tại nhiều nông dân chưa dám tiếp tục cuộc “phiêu lưu” mới bằng túi tiền quá nhỏ của mình để mua loại máy gặt đập liên hợp trị giá khoảng 175 triệu đồng/máy. Nếu mua máy về gặt cho mình xong đi gặt thuê thì rốt cuộc cũng gặp vấn đề các thửa ruộng nhỏ, máy nặng, chân ruộng không bằng phẳng, khác giống lúa,... Và cũng không bao nhiêu nông dân có khả năng mua máy để đi gặt thuê...

Có thể thấy, sự chậm chạp của quá trình cơ giới hóa nông nghiệp tuy có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu, cuối cùng lại chính là ở ... nông dân. Tức là, đa số nông dân chưa nhiệt tình với cơ giới hóa. Vì sao có nghịch lý này? Đó là vì đa số nông dân có “thửa ruộng nhỏ”, “túi tiền nhỏ”.

Cũng như vấn đề đổi mới công nghệ trong sản xuất công nghiệp, vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề của người sản xuất. Trong kinh tế thị trường, không thể chỉ hô hào đổi mới công nghệ trong sản xuất công nghiệp hoặc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là được. Khi nhà sản xuất công nghiệp cần thì họ mới chủ động đổi mới công nghệ. Khi nông dân cần, thì họ mới chủ động, nhiệt tình cơ giới hóa. Túi tiền nhỏ chưa phải là bế tắc. Nhưng thửa ruộng nhỏ thì thật sự bó tay nông dân. Thửa ruộng nhỏ là tiền đề cho tự chủ trong nông nghiệp, cho khoán 10, nhưng đến nay tình trạng đó đang là lực cản đối với sản xuất hàng hóa lớn, đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo an ninh lương thực. Nông dân với thửa ruộng nhỏ không thể mặn mà với cơ giới hóa nông nghiệp. Mà như vậy thì công cuộc cơ giới hóa nông nghiệp sẽ mất đi người chủ động, thiếu động lực bên trong, và khó có thể thành công.

Từ những lý do trên, chúng tôi cho rằng, bên cạnh những giải pháp cụ thể, đã đến lúc cơ giới hóa nông nghiệp cần đổi mới cách nhìn triệt để hơn để có thể đảm bảo tính khả thi cho các mục tiêu dài hạn. Chúng ta nghĩ gì về những con số sau đây. Ở Mỹ, trung bình các nông trại có diện tích từ 50 ha đến hàng ngàn ha, châu Âu từ 10 - 200 ha. Riêng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, dù là các đảo quốc bốn bề giáp biển, phần lớn ruộng lúa cũng là những thửa từ 0,5 đến 5 ha. Còn ở Việt Nam, hiện ĐBSCL có khoảng 60% thửa ruộng từ 0,1 đến 0,5ha, ở đồng bằng Bắc bộ, số thửa ruộng từ 0,2 đến 0,4 ha là rất ít. Tình trạng manh mún là vậy, tình trạng chia cắt cũng rất lớn. Thời Pháp thuộc, Việt Nam có 15 triệu thửa ruộng, thì hiện nay không dưới 75 triệu thửa!

Kinh nghiệm cho thấy, các nước thành công trong cơ giới hóa nông nghiệp đều không thể không bắt đầu đi từ tích tụ ruộng đất. Chúng ta nếu không muốn một thời gian nữa lại quay trở lại vấn đề này với sự trễ nải nhiều hơn, thì cần bắt đầu ngay từ hôm nay, dù không còn sớm nữa. Chính sách “người cày có ruộng” trong thời kỳ cạnh tranh giản đơn năng suất lao động trong nông nghiệp đã hoàn thành xong sứ mạng lịch sử của mình. Nó cần sớm được thay thế bằng một chính sách khác.

Chúng ta nhất thiết phải bắt đầu ngay từ các chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất hợp lý theo từng hoàn cảnh, thời kỳ. Trước mắt, như ở ĐBSCL, có thể nâng mức “hạn điền” lên 10 ha hoặc hơn. Trong công nghiệp và dịch vụ, chúng ta đã chấp nhận sự tồn tại của thành phần kinh tế tư bản tư nhân, vậy sao trong nông nghiệp lại không thể có một cách nhìn khác về chủ đất - tức “địa chủ’, mà từ này cũng không còn nguyên nghĩa như trong thời kỳ cạnh tranh giản đơn với năng suất lao động thấp trong nông nghiệp.

Nâng mức hạn điền nhiều hơn nữa sẽ có nhiều người ở nông thôn trở thành “chủ đất”. Nhưng không phải tất cả nông dân đều trở thành “chủ đất”. Chủ trương “dồn điền, đổi thửa” cũng có những hạn chế, mà cũng chỉ giải quyết được vấn đề chia cắt chứ không giải quyết được vấn đề manh mún. Do vậy, trước hết, phải xây dựng các mô hình hợp tác mới trong nông nghiệp với mục tiêu cao nhất là “liền canh”, để từ đó tạo ra sản xuất quy mô vừa và lớn, công nghệ cao, quản trị thích hợp. Có thể đó là các mô hình hợp đồng kinh tế có thời hạn như nhiều người cùng cho một nhóm người thuê đất để tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn, rồi mình đi làm công lại cho nhóm người đó trên vùng ruộng đất đó hoặc đi làm việc khác. Hợp tác xã; nửa hợp đồng thuê đất nửa hợp tác xã: các trang trại cá nhân, tập thể; các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp vừa với hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ khép kín,...với nhiều loại hình như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần với phần vốn góp có thể tính bằng giá trị quyền sử dụng đất, v.v...

Nhà nước cần xem xét tháo gỡ các vướng mắc có liên quan về mặt pháp luật theo hướng có lợi nhất cho người sản xuất nông nghiệp và nông dân trong tiến trình tích tụ ruộng đất để nước ta sớm bước vào thời kỳ công nghiệp hóa nông nghiệp. Cũng cần xem xét chế độ miễn giảm thuế tối đa nhất có thể được để khuyến khích, ưu đãi người sản xuất nông nghiệp và nông dân khi thực hiện các mô hình sản xuất này, nhằm thúc đẩy nhanh chóng quá trình tích tụ ruộng đất của Việt Nam hiện nay.

Nông dân là gốc của “tam nông”. Khi được giải phóng, chính họ- nhân tố con người - sẽ làm thay đổi “tam nông”. Tích tụ ruộng đất để công nghiệp hóa nông nghiệp, đó là “mũi đột phá” quan trọng của “tam nông”.

NGUYỄN HUỲNH THANH

Chia sẻ bài viết