Truyện ngắn: Tuyết Luôn Võ
An bưng giỏ hoa nhẹ nhàng thướt tha trong tà áo dài trắng tinh khôi đi ngay sau lưng sư thầy. Mỗi lần thấy một bông hoa màu trắng được sư thầy chậm rãi cài trên ngực áo người đối diện, lòng An lại dâng lên niềm xúc động. Cho đến khi sư thầy dừng lại trước bé gái có hai bím tóc được cột gọn gàng bằng hai chiếc nơ màu hồng, sư thầy cầm bông hoa trắng cài lên áo người phụ nữ rồi cầm bông hoa đỏ muốn cài lên áo bé gái. Vậy mà bé gái lùi lại phía sau lắc đầu:
- Con không muốn bông đỏ, con muốn bông trắng giống mẹ.
Người phụ nữ nhẹ nhàng giải thích cho bé gái: "Con còn mẹ thì phải cài hoa đỏ, mẹ cài hoa trắng vì bà ngoại mất rồi".
An nhìn tình huống trước mắt, đột nhiên bao nhiêu ký ức bao trùm tâm trí cô.
***
Thoáng chốc đã không còn nghe được âm thanh ngân nga của những chú ve nhỏ khi hè về. Những bông hoa phượng đỏ cuối cùng lác đác trên cành cây. Một năm học mới chuẩn bị bắt đầu. Từ tờ mờ sáng bà Xíu đã thức dậy nhóm lửa, nhào bột, thỉnh thoảng ho khan vài tiếng. Những mẻ bánh lá có mùi thơm đặc biệt của lá mơ hòa quyện cùng lá mít tỏa nồng cả gian nhà.
- Má bệnh thì nghỉ ngơi đi, để con làm cho.
- Bây lo cho con An đi nhập học kia kìa, ngày đầu tiên đến lớp không thể trễ giờ, biết không?
Bà Xíu lại ho khan, những giọt mồ hôi lấm tấm rơi xuống. Bà đặt xửng bánh vừa nắn lên bếp rồi tháo khẩu trang bước lên nhà trên rót cho mình tách trà nóng.
Chị Lượm đỏ mắt nhìn má ngày càng gầy yếu xanh xao mà đau lòng xót dạ. Chị đẩy thêm củi vào lò rồi cũng đi lên nhà trên kéo ghế ngồi xuống. Chị nhìn má mà thương, mấy bữa trước má bệnh, nằm vật vã trên giường, chị thay má làm bánh mang đi chợ bán. Chị muốn nghỉ ở nhà chăm sóc má nhưng má lại không cho. Má nói nghỉ thì mất hết khách mối. Mà nói nào ngay, má chị bán bánh lá nổi tiếng khắp chợ xã, chợ huyện. Ngày nào cũng có khách sỉ đặt nhiều để đem đi bán lại ở nơi khác. Tay nghề nhào bột làm bánh của chị cũng không thua má, nhưng làm nước cốt dừa là chị học mãi mà làm cũng không ngon bằng má. Ðến con gái chị là bé An cũng công nhận bà ngoại làm ngon hơn.
- Anh Thành nói vài bữa nữa ảnh xin chủ thầu nghỉ rồi ảnh về đưa má đi thành phố khám bệnh. Má gắng uống thuốc nghỉ ngơi chờ anh Thành về nha má.
- Khám cái gì mà khám, để tiền mà lo cho con An ăn học đến nơi đến chốn
kia kìa.
***
Chị Lượm chuẩn bị quần áo tươm tất cho bé An rồi kêu bé thưa bà ngoại đi học. Bà Xíu kéo bé An đến hôn lên má, bé nhăn mặt rồi nũng nịu.
- Bà ngoại xức dầu mùi nồng quá.
- Con nhỏ này, hỗn quá mẹ đánh đòn nghe.
- Ðánh gì mà đánh, má xức dầu hơi nhiều thiệt mà.
Bà Xíu xoa đầu bé An rồi bênh vực cháu. Chị Lượm dắt tay con bé ra xe đạp. Hai mẹ con đèo nhau đến trường. Hôm nay là buổi tựu trường đầu tiên của bé An, chị Lượm cũng như phụ huynh lớp 1 khác, đều nấn ná ở lại làm quen với cô giáo, căn dặn con đủ điều. Ðột ngột có người chạy đến gọi tên chị:
- Lượm ơi, chạy nhanh ra trạm xá đi, bà Xíu té xỉu ngoài chợ được người ta đưa lên trạm xá rồi.
Chị hoảng hốt xin cô giáo cho bé An vắng buổi đầu, rồi chạy lên trạm xá. Vừa đến nơi thì người ta bảo má chị đã được xe cấp cứu từ thiện đưa lên bệnh viện huyện. Chị hoảng loạn đỏ mắt kêu chú xe ôm bên ngoài trạm xá chở hai mẹ con chị đến bệnh viện huyện.
Ðèn cấp cứu vụt tắt, cửa phòng cấp cứu mở ra, bác sĩ già tháo khẩu trang với vẻ mặt đượm nỗi buồn thông báo với chị Lượm là bà Xíu không qua khỏi. Chị Lượm òa khóc nức nở, bé An đứng dưới chân chị thấy mẹ khóc cũng khóc tức
tưởi theo.
***
- Hôm nay trên chùa có lễ gì mà người ta đông vậy mẹ?
- Lễ Vu Lan đó con.
Chị Lượm đưa bé An cùng lên chùa dự lễ Vu Lan. Chùa cách nhà không xa. Một chùa nhỏ nằm trong xã nhưng hôm nay người đến rất đông đúc và náo nhiệt. Lần đầu tiên bé An được đi cùng mẹ nên không khỏi bỡ ngỡ. Chị Lượm nắm chặt tay bé An tìm chỗ đứng chờ đến lượt cài hoa. Bé An rất ngoan ngoãn, không dám nói chuyện khi đã được mẹ nhắc nhở chốn linh thiêng phải giữ im lặng. Mọi chuyện chỉ trở nên khó xử khi sư thầy cài cho chị Lượm bông hoa trắng còn đến lượt bé An lại bông hoa màu đỏ. An không chịu khác màu hoa với mẹ. Câu chuyện này đến khi trưởng thành An vẫn nhớ như in.
***
- Hôm nay con muốn cài hoa màu gì?
- Mẹ cứ trêu con hoài. Dĩ nhiên là màu đỏ ạ. Con không bao giờ muốn cài hoa trắng nữa.
An năm nay đã tròn hai mươi, mười mấy năm qua mỗi lần cùng mẹ lên chùa dự lễ Vu Lan, mẹ luôn trêu chọc An về chuyện màu hoa. Lúc còn nhỏ An không biết màu hoa trắng dành cho những người con đã không còn mẹ trên đời, bông hoa trắng trên ngực áo là để mọi người biết rằng người đó đã mồ côi mẹ. Còn màu hoa đỏ là cho những ai còn mẹ, để nhắc nhở họ phải biết trân quý từng khoảnh khắc ở bên mẹ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, An ở lại thành phố làm việc, thỉnh thoảng nghỉ lễ dài ngày mới trở về nhà thăm cha mẹ ở quê. Vì thế mỗi dịp Vu Lan, An không còn cơ hội đi cùng mẹ lên chùa nữa. Nhưng đến ngày lễ Vu Lan, An luôn gọi điện thoại về an ủi mẹ và nhắc những câu chuyện cũ về bà ngoại. Kỳ lạ thay, theo thời gian An càng nhớ rõ từng giây phút có ngoại bên đời. Ngoại hay kể cho An nghe về những kỷ niệm xưa cũ, ngoại làm bánh lá ngon nhất vùng, ngoại cưng chiều An. Hình ảnh ngoại tần tảo sớm hôm luôm trong tim của An.
Một buổi chiều cuối tháng năm mưa tối trời tối đất, An cùng đồng nghiệp vẫn còn mắc kẹt lại công ty. Bên ngoài mưa giông, nước lên cao ngập cả đường về nhà trọ của An. An đang rầu rĩ không biết đến khi nào mới được về thì bất ngờ điện thoại vang lên tiếng chuông. Màn hình hiển thị số lạ, không biết sao An lại cảm thấy bồn chồn và lo lắng. An nhận cuộc gọi và cả bầu trời như sụp đổ với An. Cha mẹ An bị tai nạn giao thông, cả hai đều không qua khỏi. Giờ thì An đã cảm nhận rõ rệt hơn nỗi đau năm đó mẹ An phải chịu khi bà ngoại đột ngột qua đời...
***
An cúi người nhỏ nhẹ bảo em gái nhỏ đang đòi cài hoa trắng:
- Cài hoa trắng là mẹ không còn bên cạnh em nữa đó. Mẹ chị đã đi xa và chị không bao giờ gặp lại mẹ nữa. Em có muốn không còn gặp mẹ nữa không?
Bé gái đã chịu cài hoa màu đỏ sau khi được An giải thích.
Sau khi đại lễ kết thúc và ra về An gặp lại cô bé lúc nãy. Cô bé bước đến nắm tay An:
- Chị ơi! Mẹ chị sẽ luôn dõi theo chị mà, chị đừng buồn nhé!
An nở nụ cười nhưng những giọt nước mắt đã chực trào khỏi khóe mi.