Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy
Cậu Sáu tôi nói với Tâm mùa nắng này mà vắt mật ong thì đã phải biết. Mật thơm ngon, sóng sánh chảy ra từ tảng mật. Tâm háo hức nên không đợi cơm nước xong xuôi, đã hối cậu tôi xuống chiếc xuồng nhỏ neo dưới bến. Cậu ngồi sau bơi xuồng, Tâm ngồi trước, vén lá dừa nước hai bên bờ phủ rợp lòng sông. Chiếc xuồng nhỏ lướt băng băng trên con sông quê hiền hòa, về phía rừng. Thoảng có ai đứng bên bờ nhìn xuống, Tâm cười tươi rói. Biết Tâm lần đầu về quê chơi, ai cũng thương. Mấy ngày Tâm ở quê, hàng xóm có gì ngon cũng í ới gọi tôi sang đem về cho Tâm ăn lấy thảo, đến nỗi tôi cũng có chút... ghen tị.
Má nói lâu lắm nhà mình mới có khách, Tâm lại là người thành phố, phải tiếp đãi sao cho tử tế. Tôi cười, nói với má rằng tánh tình Tâm giản đơn lắm, không cần câu nệ chi. Tâm cũng từng lớn lên ở vùng sông nước này. Ðời đẩy đưa khiến Tâm rời quê nhà từ nhỏ, sau đó được đi nhiều nơi, đến nhiều đất nước và tiếp xúc với những nền văn hóa khác. Nhưng mà Tâm vẫn ước ao một ngày nào đó sẽ về thăm quê tôi, ở lại vài ngày, đi câu cá, lấy mật ong, và những đêm mưa lại xách đèn đi lòng vòng trên bờ ruộng để soi bù tọt... Dễ ợt chứ gì! Biết Tâm trống lịch vài ngày, tôi đưa Tâm về lập tức. Châm ngôn của tôi là cuộc sống tranh thủ được lúc nào hay lúc đó, có những muộn màng khiến con người ta phải tiếc nuối suốt một đời.
Tâm đi rừng lấy mật ong với cậu, tôi ở nhà với má chuẩn bị cơm nước. Tôi về chơi má đã vui, có Tâm về má càng vui hơn. Má tôi xem Tâm như con cái trong nhà, kể cho Tâm nghe biết bao nhiêu là chuyện. Má tôi cầm cái rổ ra giàn mồng tơi sau nhà, hái một rổ mồng tơi non vừa nhú sau mưa. Tôi làm sạch mớ cá mà cậu giăng câu hồi khuya. Bữa cơm có đầu cá lóc nấu với rau mồng tơi, mình cá đem kho tiêu. Còn có mắm chưng hột vịt... Ðộ chừng nắng lên, cậu tôi với Tâm bơi xuồng về. Thấy Tâm hí hửng từ dưới bến lá dừa nước đi lên là đủ biết hôm ấy bội thu. Cậu tôi khéo léo nâng tảng ong đầy mật ngọt sánh đặc lên nhà, giọng rổn rảng:
- Chị Hai rửa tay sạch sẽ ra vắt mật ong. Mật mùa này hết chỗ chê.
Tôi kiếm cái thau sáng bóng, rửa một lần nữa, lau khô. Má tôi rửa tay bằng xà bông cho kỹ càng chuẩn bị vắt mật. Như lời cậu tôi nói, mật ong rừng phải tự tay mình vắt mới ngon.
Quay ra thấy Tâm ngồi ngoài thềm nhà thở như mới đánh trận về, nhưng cũng còn sức kể với tôi:
- Nhìn tảng ong nặng trĩu trên kèo đã con mắt quá trời.
Má tôi cắt nhỏ tảng mật, để giữa hai lòng bàn tay rồi đan chặt vào nhau ép những giọt mật vàng sóng sánh tươm ra, chảy xuống. Tôi đưa tay chấm vào tảng ong rồi nếm thử. Mật ngọt thanh, ngọt tận ruột gan, thơm nồng mùi hoa tràm, mùi của rừng, của sông nước miệt vườn quê mình.
Thế là Tâm đã thỏa mãn mơ ước được về giữa vùng sông nước rừng tràm, chạm vào ký ức ngày xưa, xưa lắm... Ngày tía của Tâm cũng từng lang bạt giữa những cánh rừng tràm xa xôi này để gác kèo đợi mật.
Tâm không nhớ rõ mặt mũi của tía ra sao. Lúc Tâm bắt đầu có ký ức, thì Tâm đã ở thành phố với má. Sau này, hồi ức về tía trong Tâm không nhiều, nhưng Tâm vẫn ước ao ngày nào đó sẽ gặp lại tía để ôm tía thật chặt, để xoa dịu phần nào những thương tổn mà sự dứt áo ra đi má đã để lại trong tía.
- Nhìn cậu Sáu, con thấy giống tía con quá! Trong tưởng tượng của con, tía cũng y như cậu Sáu vậy. Tía hiền lành, chất phác, hiểu những cánh rừng này.
Tự dưng Tâm nói vậy. Tôi ngưng tay, nhìn Tâm, lòng xác xao trĩu nặng, nhất là khoảnh khắc thấy mắt Tâm rưng rưng như có nước. Cậu tôi nói:
- Ðâu con thử tả lại mặt mũi, hình dáng tía con cho cậu Sáu nghe, biết đâu cậu đã từng gặp rồi. Bạn gác kèo ong của cậu nhiều lắm...
Tâm sững sờ hồi lâu, vì lúc rời đi còn nhỏ quá, giờ kêu tả lại hình dáng tía, chợt không biết tả từ đâu. Má tôi cũng buồn theo câu chuyện của Tâm. Những giọt mật đương chảy tràn như bị nghẹn ứ. Tâm không nhớ gì nhiều về tía, vì hồi ấy Tâm quá nhỏ, chỉ nhớ loáng thoáng những giọt mật ngọt ngào tía mang về sau mỗi chuyến đi rừng.
Tôi nhìn Tâm, rồi nhìn má, bỗng tôi nhớ ba mình quá. Ba cũng ra đi trong một chiều nắng đẹp. Ði ruộng về, ba ghé tai tôi: “Chiều ba con mình ra ngoài bờ sông Cái thả diều”. Ba ghé sang nhìn má đang ngồi may áo bên song cửa, cười một cái với má, rồi ra sau nhà, chỗ mái hiên có tán ổi ngủ một giấc. Rồi ba đi luôn trong giấc ngủ... Cánh diều năm xưa vĩnh viễn không bay lên được bầu trời xanh thẳm và tôi vẫn hay đứng giữa vườn cây mà ba trồng, ngước lên trời cao, thoáng thấy ba con tôi đang đùa nghịch giữa bầu trời. Sau này khi biết chuyện của Tâm, tôi thấy mình nên cảm thấy may mắn và biết ơn vì còn nhớ rất nhiều kỷ niệm về ba. Những lúc tôi đi học xa nhà, má tôi ở nhà một mình, có cậu Sáu tôi ở bên kia sông vẫn thường ghé qua lợp lại mái lá, dọn dẹp quang đãng cây dừa gãy đọt lòa xòa dưới bến nước.
Sau lần về quê tôi chơi, Tâm sẽ sang nước ngoài cho một khóa tu nghiệp. Buổi sáng trước khi rời quê, tôi hỏi Tâm:
- Chút chiều là lên xe về thành phố rồi, Tâm còn điều gì muốn làm không?
- Tâm muốn đi tìm tía. Mà bây giờ thì không kịp rồi. Tâm sẽ sắp xếp công việc, sẽ trở lại và bắt đầu tìm tía...
Nắng lên, tôi và Tâm nhìn dòng sông có lá dừa nước phủ rợp hai bên, nhìn xa xa về phía cánh rừng tràm xanh mướt mát giữa màu nắng vàng giòn giã. Ðăm chiêu. Hình như Tâm đang nghĩ về điều gì đó, hoặc Tâm đang thấy bóng hình ai đó lững thững bơi xuồng trên dòng sông nắng đổ. Khuôn mặt, hình dáng ấy rõ dần, cho đến khi Tâm thấy những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sao thân thương quá. Má từ nhà sau bước ra, thấy vậy mới nói:
- Ông Út kèo ong đó mấy đứa. Tội nghiệp, lớn tuổi, đơn chiếc. Bà con ở đây thương lắm...
Tôi nhìn theo bóng dáng ông ấy đầy cảm thương. Còn Tâm, tôi thấy bạn mình ứa nước mắt.
Tâm vụt chạy cặp theo bờ đê, đuổi theo xuồng của ông Út. Má tôi nói:
- Trái đất thiệt tròn!
Ðến bây giờ tôi tin rằng câu nói đó là đúng...