11/02/2017 - 14:51

NHÂN DỊP KỶ NIỆM 260 NĂM CHÂU ĐỐC TÂN CƯƠNG (1757 - 2017)

Một vùng trọng trấn cõi Nam

Châu Đốc nằm cạnh biên giới Việt Nam- Campuchia, là vùng đất cổ kính, đậm dấu ấn văn hóa phương Nam thời mở cõi. Địa thế Châu Đốc được nhiều người ca ngợi là "tiền tam giang hậu thất lãnh" tức trước có ngã ba sông, sau lưng có dãy Thất Sơn hùng vĩ.

Vùng đất An Giang ngày nay chính thức thuộc chủ quyền Việt Nam vào năm 1757. Khi đó, vùng biên cương còn hoang vu, dân cư thưa thớt nên chưa thể thiết lập chính quyền hành chánh. Danh tướng Nguyễn Cư Trinh cho đặt ba đạo binh quản lý về mặt quân sự là Tân Châu đạo, Châu Đốc đạo và Đông Khẩu đạo. Đây là lần đầu tiên danh từ Châu Đốc xuất hiện.

Có người cho rằng Châu Đốc bắt nguồn Mort Chruk tiếng Khmer nghĩa là mõm heo (hiện nay người Chăm vẫn gọi như thế). Thật ra, Mort Chruk nó không phải danh từ Châu Đốc. Sử triều Nguyễn phiên âm Mort Chruk là Mật Luật. Cũng có người cho rằng "Châu" là vùng đất, "Đốc" là sau cùng hoặc đôn đốc, vậy Châu Đốc là vùng đất sau cùng hoặc cùng đất đôn đốc. Song, theo Hán tự thì "Châu" trong châu sa và "Đốc" là không dời đổi, vậy Châu Đốc mang thông điệp đầy ý nghĩa là lòng son không đổi.

Đầu triều Nguyễn, Châu Đốc được đặt như "đặc khu" riêng gọi là Châu Đốc Tân Cương thuộc trấn Vĩnh Thanh. Quan Trấn thủ Vĩnh Thanh đóng ở Châu Đốc, còn chức Án sát và Lãnh binh đóng ở Long Hồ (Vĩnh Long). Đến 1825, Châu Đốc tách riêng thành Châu Đốc trấn. Năm 1832, Vua Minh Mạng đổi đơn vị "trấn" ra "tỉnh". Đến năm 1836 chia Vĩnh Thanh thành An Giang và Vĩnh Long, tỉnh An Giang bao gồm cả Châu Đốc và thành Châu Đốc trở thành tỉnh lỵ, nơi trú đóng của quan Tổng đốc (Tổng đốc đầu tiên là Trương Minh Giảng). Địa phận tỉnh An Giang thời bấy giờ là địa phận các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và một phần tỉnh Đồng Tháp ngày nay.

***

Có thể nói, Châu Đốc là nơi được ta thu về muộn nhứt (1757), cũng là nơi hưởng chủ quyền độc lập ngắn nhứt, vì đến năm 1867 bị Pháp chiếm. Vậy mà, trong hơn trăm năm đó, Châu Đốc lại phải bốn lần đối phó người Xiêm sang xâm lược.

Năm 1771 quân Xiêm đã lăm le bờ cõi và sau đó là tiến thẳng vào nước ta đánh Hà Tiên, Châu Đốc. Viện binh không kịp đến, Hà Tiên thất thủ, không lâu sau Châu Đốc cũng thất thủ. Đây là lần đầu tiên Châu Đốc đối phó với giặc ngoại xâm, chưa có kinh nghiệm, chưa có chuẩn bị, tình thế lâm vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Viện binh do Tống Phước Hiệp chỉ huy từ Long Hồ đem quân tái chiếm Châu Đốc. Năm sau, Nguyễn Cửu Đàm dẫn quân từ miền Trung ồ ạt kéo vào, theo đường sông đánh đuổi quân Xiêm.

 Một góc Châu Đốc xưa. Ảnh: banxuabannay.blogspot.com

Năm 1833, Lê Văn Khôi nổi dậy chống triều Nguyễn, chiếm thành Phiên An (Gia Định). Lợi dụng tình thế nhằm trả thù những lần thất bại trước, hàng vạn quân Xiêm do tướng Phi Nhã Chất Tri cầm đầu, đánh vào biên giới An Giang. Bên cạnh đó còn đánh vùng Nghệ An, Quảng Trị. Trong "Lịch sử đất An Giang" nhà văn Sơn Nam nhận xét: "Tất cả là năm cánh quân, dốc lực vào cả nước, cố làm ta lạc hướng, mũi nhọn chính vẫn nhắm vào đồng bằng sông Cửu Long". Cuối năm 1883, tháng 11 Hà Tiên thất thủ, tháng 12 Châu Đốc thất thủ. Quân đội nhà Nguyễn rút về phục kích Vàm Nao. Quân ta, với những vị danh tướng Phạm Hữu Tâm, Doãn Uẩn đã đánh đại bại giặc tại Thuận Cảng (hay Thuận Giang, tức là Vàm Nao ngày nay).

Năm 1841, người Xiêm dựng đồn dọc theo bờ kinh Vĩnh Tế, thường xuyên qua gây hấn với quân ta (cũng đang đóng dọc theo kinh). Đến 1842 quân Xiêm chính thức hành quân sang đất ta, một cánh quân đường biển vào Hà Tiên, một cánh quân từ biên giới đổ vào vùng châu thổ. Quân đội triều đình từ miền Trung được đưa gấp vào Nam chi viện. Năm 1845, người Xiêm lại quấy nhiễu biên giới, phá đồn lũy của ta, ta nhanh chóng bình định được vùng biên ải.

Ngay từ buổi đầu, Châu Đốc được triều đình xem là vùng đất chiến lược: "Châu Đốc là trọng trấn cõi Nam". Trong chiến tranh, Châu Đốc luôn là mục tiêu của quân thù. Ngót trăm năm đánh giặc năm lần, Châu Đốc vẫn bất khuất, chẳng những chiến thắng oai hùng mà còn có thời gian kiến thiết quê hương, dựng làng thôn canh tác, xác lập chủ quyền trên vùng đất mới. Những vị quan đứng đầu tỉnh An Giang luôn là những danh tướng của triều đình như: Trương Minh Giảng, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Nhàn, Nguyễn Công Trứ, Doãn Uẩn, Cao Hữu Dực…

***

Thời bình, chính quyền và nhân dân tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế và khai khẩn đất hoang. Việc khai hoang ở An Giang, triều đình cho dân chọn địa điểm, hỗ trợ nông cụ, miễn thuế những năm đầu. Đồng thời khuyến khích thương nghiệp tại đất mới.

Năm 1818, trấn thủ Vĩnh Thanh vâng lệnh Vua lấy một phần đất xây cất nhà phố để lập chợ Châu Đốc. Như vậy, chợ Châu Đốc đã ra đời khá sớm, tuy nhiên có thể hoạt động không mấy hiệu quả, bởi mục phố chợ trong "Đại Nam nhứt thống chí" biên soạn đời Tự Đức không nói đến chợ Châu Đốc (và cả chợ Đông Xuyên tức Long Xuyên ngày nay). Về nông nghiệp, công tác quan trọng là đào kinh Vĩnh Tế do Thoại Ngọc Hầu chỉ huy từ năm 1819 đến 1824. Cũng như Long Xuyên có dòng Thoại Hà thì Châu Đốc cũng có dòng Vĩnh Tế, vừa giúp lưu thông hàng hóa, vừa điều tiết chế độ nước: mùa lụt thoát bớt nước ra biển Tây và mùa khô cung cấp nước cho vùng biên giới.

Trong tác phẩm "Đất An Giang" nhà văn Mai Văn Tạo- một người con của Châu Đốc đã ghi những cảm nhận: "Kinh Vĩnh Tế như đại trường giang vượt qua ghềnh đá, rừng hoang, gò nổng vươn thẳng tới Hà Tiên… Mồ hôi và máu của lớp lớp người xưa đã quện lại trên những bờ kinh biêng biếc, trên cánh đồng xanh um rau quả xuân hè, vàng rộm lúa thu. Có thể nào quên màu xanh cây bát ngát, màu lúa vàng xao xuyến hôm nay đã trỗi dậy từ những đầm lầy hoang sơ của nột thời xa khốn khó".

Thật vậy, miệt Châu Đốc ngoại trừ vùng trũng, nê địa thường xuyên ngập úng, còn có vùng đồi núi phía Tây là nơi rừng thiêng nước độc "đi dễ khó về". Cả hai vùng đất đều không thể canh tác, lại thêm điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Thế nên, những cư dân đầu tiên của An Giang hoặc là cao nhân ẩn sĩ tìm chỗ vắng vẻ để lánh đời, hoặc là những lưu dân có hoàn cảnh nghiệt ngã. Thấy được điều đó, năm 1850, cụ Nguyễn Tri Phương nhậm chức Tổng đốc An Giang. Ông là một vị tướng am hiểu về bờ cõi Tây Nam và từng nhiều năm chinh chiến nơi đây. Khi làm Tổng đốc, ông đẩy mạnh đưa người đi khai hoang, lập đồn điền ở vùng biên giới. Công việc đạt được những thành quả khả quan, tính đến năm 1854 đã lập được khoảng 100 thôn và 21 đồn điền.

Hai chữ "tân cương" trong cách gọi "Châu Đốc tân cương" đầu thời Gia Long gợi lên một vùng xa xôi thăm thẳm, hoang hóa bạt ngàn. Vậy mà từ chốn "tân cương" cô tịch ấy, thành quách và phố chợ dần phát triển dưới sự chung tay góp sức giữa lưu dân và các vị tướng tài danh. Đó là nền móng vững chắc để hôm nay, thành phố biên thùy Châu Đốc vươn mình, để "trọng trấn cõi Nam" về mặt quân sự của triều Nguyễn ngày xưa trở thành "trọng trấn cõi Nam" về mặt kinh tế- xã hội trong đời sống hiện tại.

VĨNH THÔNG

Chia sẻ bài viết