15/12/2011 - 21:53

Một số điều cần biết về tai biến mạch máu não

Hiện nay, tai biến mạch máu não (TBMMN) có thể xem là một căn bệnh đứng hàng thứ ba về mức độ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong chỉ đứng sau bệnh mạch vành và ung thư. TBMMN còn để lại nhiều di chứng cho bệnh nhân, đưa đến gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đáng lo ngại là số bệnh nhân bị TBMMN ngày càng gia tăng. Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Văn Minh, Giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

TBMMN hay còn gọi là đột quỵ não, là tình trạng tổn thương não bộ một cách đột ngột do việc cung cấp máu cho não bị rối loạn. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu máu não do mạch máu bị tắc nghẽn (hay gọi là nhồi máu não) hoặc xuất huyết não. Hiện nay, đột quỵ là một bệnh lý khá phổ biến và để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

Biểu hiện triệu chứng lâm sàng của nhồi máu não và xuất huyết não khó phân biệt. Thông thường bệnh nhân được đưa vào viện sẽ được nhân viên y tế khám và cho làm một số xét nghiệm như: CT Scan, cộng hưởng từ, xét nghiệm máu, siêu âm tim, điện tâm đồ... Các xét nghiệm này giúp xác định chính xác bị đột quỵ thể nào cũng như nguyên nhân là gì để có hướng điều trị và dự phòng tốt hơn. Trong trường hợp điển hình các triệu chứng sau thường xuất hiện đột ngột và tiến triển rất nhanh trong vòng vài phút tới vài giờ như: yếu, liệt, hoặc nặng một bên cơ thể; bất thường về cảm giác một bên cơ thể, triệu chứng thường gặp là tê. Thông thường mất cảm giác hoặc rối loạn cảm giác trong TBMMN thường kèm theo với liệt nửa người. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như: rối loạn ngôn ngữ (nói đớ, khó nói hoặc không nói được); chóng mặt; đau đầu (thường đột ngột, rất mãnh liệt); rối loạn ý thức.

Các yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng khả năng bị TBMMN, như: lớn tuổi, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tăng lipid máu, hút thuốc lá, tiểu đường, ít vận động thể lực, béo phì, nghiện rượu, stress...

Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não được tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.
Ảnh: HỒNG VÂN 

Có 2 nguyên nhân chính gây ra TBMMN:

+ Nhồi máu não: cục máu đông tại chỗ của động mạch não, do xơ vỡ động mạch, hoặc do bệnh tim (thí dụ rung nhĩ, nhồi máu cơ tim).

+ Xuất huyết não (vỡ mạch máu não): tăng huyết áp, chấn thương, vỡ dị dạng mạch máu não.

Khi có bệnh nhân bị TBMMN, chúng ta cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào viện để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Đối với người bị tai biến, thời gian là vàng, khi mạch máu bị vỡ hoặc bị tắc cần phải được xử trí nhanh để tránh những biến chứng nặng nề về sau như liệt nửa người, bại não, động kinh...

Những việc cần làm trước khi xe cấp cứu tới:

* Nếu bệnh nhân còn tỉnh: cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu đến để đưa bệnh nhân vào bệnh viện lớn, có uy tín về cấp cứu TBMMN.

* Thực hiện hô hấp nhân tạo, nếu cần phải dùng miệng thổi hơi vào miệng bệnh nhân nếu thấy bệnh nhân ngừng thở.

* Bệnh nhân đột quỵ não có thể bị một trong hai dạng: chảy máu não hoặc nhồi máu não. Hai bệnh này đối nghịch nhau hoàn toàn về nguyên nhân, cơ chế và cách điều trị. Vì vậy, không được mạo hiểm tự điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là các động tác như bấm huyệt nhân trung, châm cứu, đánh gió...

* Không được cố di chuyển đầu và cổ bệnh nhân. Để bệnh nhân trong tư thế thoải mái, nới lỏng quần áo cho bệnh nhân.

* Không được cho bệnh nhân ăn hoặc uống vì tai biến khiến cho người bệnh không thể nuốt và sẽ gây nghẹn.

* Không được cho bệnh nhân dùng aspirin, dù thuốc có thể làm giảm cục máu đông trong trường hợp tai biến tắc động mạch, nhưng cũng có thể gây chảy máu trong não nặng nề hơn nếu là tai biến vỡ mạch máu.

* Giữ đầu mát và thân ấm. Nếu có đá lạnh, có thể chườm nhẹ qua đầu người bệnh để giữ mát. Bọc đá trong khăn để không quá lạnh. Giữ mát đầu để giảm phản ứng phù nề khi tai biến và có thể giúp người bệnh đỡ cảm thấy đau đầu. Giữ thân ấm bằng áo khoác hoặc chăn sẽ giảm được nguy cơ co giật.

* Có thể liên hệ với trung tâm y tế hoặc với bác sĩ thần kinh để được tư vấn sớm trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Để dự phòng TBMMN, chúng ta cần lưu ý:

- Cấp 1 (nếu bệnh nhân chưa bị đột quỵ): cần phải phòng tránh và điều trị các yếu tố nguy cơ: dùng thuốc ổn định huyết áp, điều trị rối loạn nhịp tim, hạ lipid máu, ngưng hút thuốc lá, ổn định đường huyết, tăng cường vận động thể lực, giảm cân, ngưng rượu...

- Cấp 2 (nếu bệnh nhân đã bị nhồi máu não): ngoài kiểm soát các yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân còn phải được dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu hay kháng đông tùy theo nguyên nhân gây nhồi máu não.

Thạc sĩ LÊ VĂN MINH
(Giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết