10/12/2009 - 21:01

Một gia đình bất hạnh

Căn nhà nhỏ tuềnh toàng, rách nát, trời nóng thì trong nhà hầm hập, trời mưa, con nước lớn thì ngập lênh láng nước, dột tứ tung... Đấy là nơi trú ngụ của hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Bạch Cúc và cậu con trai Phan Quốc Lợi, ở khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Nhà có ba người thì một người bị mù, hai người còn lại đều bị bệnh lao...

 Bà Nguyễn Thị Bạch Cúc đang thay băng cho anh Lợi

Hôm chúng tôi đến, bà Cúc đang lúi húi thay băng cho anh Lợi. Bà đổ oxy già rửa tay và dụng cụ cho sạch, rồi cẩn thận gỡ miếng băng to bằng hai bàn tay dán trên vết thương nằm bên ngực phải anh Lợi, sau đó bà khéo léo dùng kéo gắp miếng gạc lớn từ trong vết thương ra. Miếng gạc được lấy ra, trên vùng ngực anh Lợi xuất hiện một hõm sâu (như một hang cua). Tôi hỏi Lợi: “Anh có đau không?”, Lợi trả lời: “Không đau, khi rửa chạm vào thịt hay vết chỉ may thì mới đau”. Tôi hỏi tiếp: Khi nào thì bác sĩ mới may vết thương lại? Lợi buồn bã cúi đầu không trả lời, bà Cúc xót xa kể: “Cách đây hai năm, khi đang đi làm công nhân ở một xí nghiệp bao bì, Lợi phát bệnh lao. Lợi điều trị ở rất nhiều bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán tràn dịch màng phổi do lao, trải qua 3 lần phẫu thuật. Đến lần thứ ba này, bác sĩ đã phải cắt bỏ 1 xương sườn nên vết thương mới hõm xuống như hang cua. Các bác sĩ bảo về cho nó nghỉ ngơi tịnh dưỡng, ăn thức ăn bổ như tôm, thịt bò... vết thương đầy thịt, bác sĩ mới may lại”. Nhưng với cảnh nhà hiện nay, kiếm miếng ăn còn khó nhọc thì tiền ở đâu mà mua thức ăn ngon tẩm bổ cho Lợi.

Trong hai năm trời đằng đẵng nuôi con bệnh, chẳng may bà Cúc đã bị lây bệnh lao từ con. Hiện nay, bà đang chích thuốc, sau khi chích thuốc điều trị 2 tháng còn phải tiếp tục uống thuốc thêm 6 tháng nữa. Mang trong mình căn bệnh này nên hàng bún riêu đành đóng cửa, bà quay lại nghề may. Nhưng tuổi bà đã 56, mắt đã kém nên ít người đặt may đồ. Chồng bà, ông Phan Văn Thanh, 60 tuổi, mắt trái bị mù từ nhỏ, mắt phải ông bị mù từ năm 1975. Ông Thanh nói: “Mắt đau nhưng không có tiền đi bệnh viện khám, tôi cứ để đại tới đâu hay tới đó. Có lần dành dụm được ít tiền, tôi đi khám thì bác sĩ bảo sao không đi khám sớm, quá muộn rồi”. Ông Thanh bị mù nhưng hàng ngày vẫn sửa xe đạp kiếm tiền phụ tiếp vợ, còn bà Cúc làm đủ nghề từ bán vé số, bán bún, may đồ, làm công nhân... để kiếm tiền nuôi cả nhà 6 miệng ăn. Thương mẹ, nên 4 người con chỉ học xong tiểu học hoặc THCS là nghỉ học đi làm phụ hồ hay bán vé số. Đàn con lớn dần, ba người có gia đình ra riêng, vợ chồng bà Cúc sống với anh Lợi làm công nhân, tưởng khó khăn đã qua. Nào ngờ cách đây hai năm, Lợi phát bệnh rồi người con thứ hai cũng bị đột quị mất, bà Cúc cũng bệnh, rồi chồng bà cũng bị chóng mặt, nhức đầu, cao huyết áp... bệnh nối tiếp bệnh, khoản tiền nhỏ dành dụm tiêu tan. Hai người con trai còn lại đều nghèo, một người bẩm sinh chân bị yếu, người kia đang nuôi hai con nhỏ (sống bằng nghề phụ hồ) nên hầu như không giúp gì được cho mẹ, bà Cúc phải chạy vay mượn thêm ở xóm giềng. Chị Mến, một người hàng xóm nói: “Gia đình bà Cúc rất hiền lành, siêng năng lao động nên bà con chòm xóm ai cũng thương. Khi Lợi bệnh, bà con cũng quyên góp chút ít giúp cho cháu. Xóm này là xóm lao động nghèo nên dù thương bà Cúc nhưng chúng tôi cũng không có khả năng giúp đỡ, chỉ thỉnh thoảng có miếng ngon thì san sẻ cho Lợi mong nó mau khỏi bệnh”.

Mọi sự giúp đỡ xin đến cho bà Nguyễn Thị Bạch Cúc, khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy hoặc cô Trần Thị Thương, phòng Tài vụ-phát hành và quảng cáo, Báo Cần Thơ, số 24 Trần Văn Hoài, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Hàng ngày, gia đình hai người bệnh và một người mù sống bằng tiền vá, bơm xe đạp của ông Thanh và tiền may đồ của bà Cúc nhưng ngày có ngày không. Hôm chúng tôi đến, cả ngày mà gia đình bà Cúc mới chỉ kiếm được vỏn vẹn 3.000 đồng. Hàng ngày, ông bà đã già phải ăn cơm với kho quẹt, muối tiêu... thỉnh thoảng có ai sửa xe, hay nhận được đồ may, bà Cúc dồn tiền mua cho anh Lợi 10.000 đồng thịt bò hay tôm bồi dưỡng. Dinh dưỡng thấp nên anh Lợi đã phẫu thuật 7 tháng rồi nhưng vết thương vẫn chưa lành, lõm xuống như hang cua. Mỗi ngày, bà Cúc phải thay băng nhưng chỉ riêng khoản tiền thay băng đã mất đứt 20.000 đồng/ngày. Khoản tiền này bà đành vay hàng xóm.

Rất mong các nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa giúp cho gia đình bà Cúc vượt qua cơn khốn khó này.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết