11/06/2015 - 10:13

Mỗi năm, mất hơn 45.000 tỉ đồng do khói thuốc lá

* Bác sĩ NGUYỄN TRUNG NGHĨA
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, phần lớn là chất độc hại. Trong đó có 69 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm là: nicotine tác dụng gây nghiện, carbon monoxit (CO) gây thiếu máu tổ chức, góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch.

 Không hút thuốc lá vì sức khỏe của chính bạn và những người thân yêu.  Ảnh: T. S

Khi hút thuốc lá (HTL) hoặc sống chung với người HTL, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nhiều bệnh ung thư (hầu họng, thực quản, mũi, miệng, phổi, khí quản, phế quản, dạ dày, thận và bàng quang, bộ phận sinh dục....; các bệnh mạn tính (đột quỵ, mù, đục thủy tinh thể, phình động mạch chủ, mạch vành, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, bệnh cơ tim và bệnh mạch máu ngoại vi…). HTL còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dẫn đến vô sinh ở nam giới, tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung và vú ở phụ nữ. Ở phụ nữ mang thai, HTL làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai chết lưu, suy dinh dưỡng bào thai, dị tật bẩm sinh, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, trí tuệ chậm phát triển. Hút 1 điếu thuốc tức là tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống, tuổi thọ trung bình của người HTL ngắn hơn so với người không HTL từ 5 – 8 năm. Hút thuốc càng sớm, số lượng thuốc hút càng lớn, thời gian hút càng dài thì nguy cơ tử vong càng cao. Trên thế giới có 1,3 tỉ người hút thuốc lá, mỗi năm có gần 6 triệu người tử vong, nhiều hơn cả số người chết do HIV/AIDS và bệnh lao… Theo kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá năm 2010, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới (khoảng 15,3 triệu người). Hàng năm, có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá, đến năm 2030 có thể tăng lên 70.000 người/năm.

Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người hút mà còn ảnh hưởng những người xung quanh như: Người thân, đồng nghiệp và cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em. Đối với trẻ em, khi HTL thụ động có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh như: viêm mũi họng, phế quản, phổi, tai giữa, điếc, hen, loét đại tràng, đường ruột…Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có hơn 600.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động, 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Tại Việt Nam, 67,6% (33 triệu người) người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động tại nhà và 49% (5 triệu người) người lao động bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc. Hút thuốc không những ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến kinh tế do phải mua thuốc để hút, chi phí điều trị y tế, xã hội… Mỗi năm thuốc lá gây hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 500 tỉ USD. Chi phí điều trị các bệnh liên quan thuốc lá chiếm từ 6 – 15% tổng chi phí y tế. Riêng về chi phí xã hội, ở Mỹ hàng năm thiệt hại 170 tỉ USD, Trung Quốc là 28 tỉ USD. Mỗi năm, nước ta mất 22 ngàn tỉ đồng cho việc mua thuốc lá để hút và hơn 23 ngàn tỉ đồng là tổng chi phí điều trị, chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong do thuốc lá.

Khi bỏ thuốc lá, cơ thể không còn tích lũy chất độc, loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra các bệnh. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm; giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sau khi bỏ thuốc 10 năm. Để bảo vệ sức khỏe của chúng ta, người thân và cộng đồng xung quanh, hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ. Nếu chưa thể bỏ thuốc lá ngay thì hạn chế HTL và đừng HTL trong nhà, phòng làm việc, nơi công cộng, trước mặt trẻ em và phụ nữ mang thai. Cán bộ, công nhân viên hãy xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá, bởi sẽ giúp người không hút thuốc giảm nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, qua đó giúp tiết kiệm chi phí khám, chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ do các căn bệnh liên quan thuốc lá; hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc HTL, tàn thuốc…Đồng thời thực hiện quyền được hít thở bầu không khí trong lành không khói thuốc lá; giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ HTL. Từ đó, chi tiêu cho thuốc lá sẽ dành cho chi tiêu có lợi hơn như: thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa…

Chia sẻ bài viết