10/03/2014 - 20:03

Sản xuất phân hữu cơ từ bùn cống thải

Mở triển vọng cho nền nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến lượng bùn thải từ kênh rạch, khu dân cư, nhà máy xử lý nước thải… ngày càng nhiều. Vấn đề làm gì để giải quyết nguồn chất thải này một cách triệt để và mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế được lãnh đạo thành phố Cần Thơ và nhà khoa học lưu tâm. Từ Đề tài nghiên cứu “Sử dụng bùn cống thải sản xuất phân hữu cơ tại TP Cần Thơ” do PGS.TS Bùi Thị Nga, Bộ môn Khoa học Môi trường, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) làm chủ nhiệm đã đưa ra những giải pháp cơ bản giải quyết những yêu cầu nêu trên.

Nhiều tiềm năng

Đại biểu tham quan sản phẩm phân hữu cơ làm từ bùn cống thải. 

Nằm trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu “Sử dụng bùn cống thải sản xuất phân hữu cơ tại TP Cần Thơ”, mới đây, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức Hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu sử dụng bùn cống thải sản xuất phân hữu cơ tại TP Cần Thơ” để nghe ý kiến phản biện, đóng góp thiết thực từ các nhà khoa học, cơ quan đầu ngành. PGS.TS Bùi Thị Nga, cho biết: “Từ năm 2010-2012, lượng bùn thải tại TP Cần Thơ tăng trên 12.000m3/năm. Nguồn chất thải này lâu nay được thu gom, đổ tại bãi chứa và được xử lý sơ bộ bằng cách phun chế phẩm sinh học và rải vôi bột. Lượng bùn thải này nếu được sử dụng và tái chế hợp lý sẽ là nguồn tài nguyên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Qua nghiên cứu cho thấy, mật số vi sinh vật gây hại, kim loại nặng trong bùn thải thấp; trong khi hàm lượng tổng đạm, tổng lân, lân dễ tiêu và đạm ammonium ở mức độ giàu so với thang đánh giá đất… Mặt khác, lượng bùn cống thu gom không có sự khác biệt giữa mùa mưa và mùa nắng nên việc tái sử dụng bùn cống thải để ủ phân hữu cơ mang tính khả thi cao”.

Để tìm tác nhân phân hủy bùn cống thải tốt nhất, Ban Chủ nhiệm đề tài tiến hành ủ nóng bùn thải với nấm Trichoderma, chế phẩm Biomix và nuôi trùn quế bằng bùn thải. Kết quả cho thấy, phân hữu cơ ủ bằng nấm có hàm lượng đạm cao gấp 3 lần và lân dễ tiêu cao gấp 2 lần so với ủ bằng Biomix. Đối với nuôi trùn quế, thời gian nuôi kéo dài từ 90-120 ngày nên không thuận tiện cho sản xuất quy mô lớn. Trên cơ sở đó, Ban Chủ nhiệm xây dựng quy trình ủ phân hữu cơ từ bùn cống thải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn ngành. Phân hữu cơ làm từ bùn cống thải sau 45 ngày ủ các chỉ tiêu dinh dưỡng TC, TP, TN, K đạt tiêu chuẩn 10 TCN 526-2002; mật số vi khuẩn Ecoli bị tiêu diệt hoàn toàn; hàm lượng kim loại nặng (Pb) thấp hơn tiêu chuẩn ngành; thể tích sau ủ giảm 60-70%. Đặc biệt, giá thành sản xuất 1 tấn phân hữu cơ từ bùn cống thải chỉ khoảng 1,4 triệu đồng (bao gồm cả công lao động).

Từ kết quả nghiên cứu trên, Ban Chủ nhiệm đề tài sử dụng phân hữu cơ làm từ bùn cống thải để trồng thử nghiệm xà lách và rau muống tại Hợp tác xã Rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy cho kết quả rất khả quan. Nghiệm thức bón phân hữu cơ bùn cống thải kết hợp với phân hóa học NPK 16-16-8 cho năng suất cao hơn nghiệm thức bón phân hóa học, dao động từ 2,22-2,75kg/m2 đối với rau muống và 2,27-3,35kg/m2 đối với xà lách. Điều đáng ghi nhận là nông dân thấy được tác hại của việc chỉ đơn thuần bón phân hóa học và nhận thức được lợi ích rất lớn của việc bón phân hữu cơ. Tương tự, trồng cây kiểng (ắc ó, chuỗi ngọc và phổi tượng) trên phân hữu cơ làm từ bùn cống thải cây phát triển vượt trội về kích thước và dài nhánh hơn so với trồng bằng phân tro trấu, phân trộn…

Mở hướng phát triển mới

Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, nhận định: “Đề tài mang tính ứng dụng cao trong việc giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường, cung ứng nguồn phân cho sản xuất nông nghiệp và phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố. Tuy nhiên, tâm lý của người nông dân và doanh nghiệp thường thiên về phân vô cơ vì có hiệu quả nhanh chóng, tức thời. Vì vậy, Ban Chủ nhiệm cần phối hợp với các sở ngành hữu quan tổ chức tham quan, hội thảo; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nông dân, doanh nghiệp về sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp”. Theo bà Trần Thị Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội làm vườn TP Cần Thơ, để tiếp tục phát huy ý nghĩa và tính ứng dụng của đề tài, Ban Chủ nhiệm cần tiến hành trồng khảo nghiệm trên nhiều loại cây trồng. Đồng thời mở rộng quy mô thông qua xây dựng dự án sản xuất thử để giảm giá thành về mức thấp nhất.

Về nhu cầu và thị trường tiêu thụ phân hữu cơ, PGS.TS Nguyễn Mỹ Hoa, Bộ môn Khoa học đất, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, nhận định: Giai đoạn hiện nay là thời cơ tốt cho sản xuất, kinh doanh các loại phân dạng compost (phân trải qua quá trình ủ nóng). Những năm gần đây, việc phát triển phân bón hữu cơ đã được Chính phủ, cơ quan đầu ngành và doanh nghiệp quan tâm. Điển hình như “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA), Cục Trồng trọt tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển nông nghiệp hữu cơ; Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đang đầu tư xây dựng nhà máy phân hữu cơ sinh học An Thịnh Điền đặt trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, với mức đầu tư 15 tỉ đồng… Đây là những tín hiệu vui cho ngành sản xuất phân hữu cơ. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Mỹ Hoa, vấn đề cần quan tâm là nâng cao nhận thức cho người nông dân về sử dụng phân hữu cơ compost để chăm sóc cây trồng và tăng cường sức sản xuất của đất trước khi nghĩ đến việc sử dụng phân hữu cơ dạng lỏng, phân bón lá.

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, số lượng nhà sản xuất và sản lượng phân hữu cơ các loại cung ứng ra thị trường có xu hướng tăng mạnh theo từng năm. Người sử dụng đang rơi vào “vòng xoáy” phân hữu cơ chế biến với đủ tên gọi, thương hiệu, công thức… của công ty sản xuất trong và ngoài nước với giá thành cũng rất khác nhau. Vì vậy, đối với phân hữu cơ làm từ bùn cống thải, để củng cố niềm tin cho người sử dụng, Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ ghi rõ công dụng, xuất xứ, nguyên liệu, công nghệ sản xuất… khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết