20/04/2009 - 21:51

TP Cần Thơ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hợp tác phát triển Côn Đảo

Mở ra những triển vọng mới

Đoàn cán bộ lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ vừa kết thúc chuyến làm việc tại huyện Côn Đảo. Qua đó, lãnh đạo TP Cần Thơ và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa hai địa phương, thực hiện trên địa bàn huyện Côn Đảo. Việc hợp tác này mở ra những triển vọng mới trong phát triển kinh tế – xã hội ở TP Cần Thơ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hợp tác khai thác tiềm năng, lợi thế cạnh tranh

Trung tuần tháng 4-2009, đoàn cán bộ lãnh đạo TP Cần Thơ do đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, làm Trưởng đoàn đã đến làm việc tại huyện Côn Đảo. Sau khi khảo sát thực tế, tìm hiểu tiềm năng thế mạnh của huyện Côn Đảo, UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2009-2010, định hướng đến năm 2015, thực hiện trên địa bàn huyện Côn Đảo. Đồng chí Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Tôi và nhiều đồng chí lãnh đạo của tỉnh đánh giá rất cao hiệu quả, sự thành công của chuyến làm việc, qua đó đã mở ra những triển vọng mới để hai địa phương cùng phát triển. Thông qua việc ký hợp tác kinh tế - xã hội, chúng tôi mong muốn thời gian tới Cần Thơ sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện giúp Côn Đảo phát triển về cơ sở hạ tầng, khuyến khích người lao động có tay nghề phù hợp đến Côn Đảo làm việc, hỗ trợ Côn Đảo đào tạo nguồn nhân lực...”.

Huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm ở vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc, cách TP Hồ Chí Minh 230km, cách TP Vũng Tàu khoảng 185km, cách TP Cần Thơ (cửa Sông Hậu) 83km. Huyện Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo, diện tích tự nhiên trên đất liền là 76km2, dân số gần 6.000 người. Xung quanh Côn Đảo có ngư trường rộng lớn với tiềm năng lớn về khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ. Côn Đảo có vị trí thuận lợi trong giao thương trong nước và quốc tế, nằm tại vùng biển phía Nam, cửa ngõ các tỉnh Nam bộ, gần đường hàng hải quốc tế và nhiều đường bay quốc tế ngang qua khu vực. Bên cạnh đó, với hệ thống di tích lịch sử cách mạng đặc biệt của Quốc gia như: các nhà tù được thực dân Pháp dựng lên với hệ thống “chuồng cọp” nổi tiếng tàn bạo, giam giữ những người Việt Nam yêu nước; Vườn Quốc gia Côn Đảo với nhiều loài động thực vật nguyên sinh, đa dạng, phong phú và nhiều cảnh quan thiên nhiên rừng, biển có tiềm năng lớn cho việc phát triển kinh tế du lịch - nghỉ dưỡng.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (hàng ngồi bên phải) cùng đồng chí Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 địa phương.   

Theo đồng chí Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề án phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25-10-2005 nêu rõ quan điểm phát triển của Côn Đảo đến năm 2020 là: Xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam và phát triển, nâng cao giá trị Vườn Quốc gia Côn Đảo. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của huyện đang phát triển theo hướng: dịch vụ - Du lịch - Công nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 922 USD. Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng, nhưng do dân số ít, trình độ đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, lao động có tay nghề thấp... nên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do xa đất liền nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều hạn chế; trên địa bàn chưa có các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, nên cán bộ, học sinh muốn học tập nâng cao trình độ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, TP Cần Thơ có vị trí là trung tâm vùng ĐBSCL, cơ sở hạ tầng phát triển, với hệ thống giao thông đường thủy, bộ nối liền các tỉnh ĐBSCL - TP Hồ Chí Minh- Campuchia. Hiện nay, Cảng hàng không Cần Thơ, Cảng Cái Cui đã hoàn thành giai đoạn I. Đặc biệt năm 2010, khi cầu Cần Thơ hoàn thành, Cảng hàng không Cần Thơ mở đường bay quốc tế sẽ mở ra một bước phát triển mới của hệ thống giao thông trong khu vực, là cơ hội để khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo ra động lực cho phát triển kinh tế xã hội của TP Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Cần Thơ có thế mạnh về phát triển công nghiệp. Các khu công nghiệp tập trung đã có hơn 180 dự án đầu tư; thương mại dịch vụ phát triển năng động; nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp chất lượng cao. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố liên tục phát triển ổn định ở mức độ cao, đang tập trung xây dựng và phấn đấu trở thành đô thị loại 1 trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, trở thành thành phố có vai trò trung tâm, động lực phát triển của vùng ĐBSCL.

Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết: “Từ điều kiện nội lực sẵn có, TP Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với huyện Côn Đảo về mọi mặt, từ lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng – thủy hải sản; công nghiệp, thương nghiệp; du lịch, văn hóa, thể thao; giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, y tế... Qua đó, góp phần để Côn Đảo phát triển hướng tới hiện đại; đồng thời cũng là cơ hội tốt để Cần Thơ phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, lợi thế của mình”.

Cơ hội phát triển mới cho nhiều lĩnh vực

Theo thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội của UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong thời gian tới TP Cần Thơ sẽ cung cấp cho huyện Côn Đảo nhiều loại thực phẩm chất lượng cao vốn là ưu thế của Cần Thơ, như: gạo, các loại rau xanh, trái cây đặc sản, thịt gia súc-gia cầm, cá nước ngọt... phục vụ đời sống của người dân Côn Đảo cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Ngược lại, huyện Côn Đảo cung cấp các nguồn hải sản được nuôi trồng, đánh bắt cho các cơ sở, nhà máy chế biến thủy - hải sản của Cần Thơ. Trong chuyến đi khảo sát thực tế tại Côn Đảo, nhiều doanh nghiệp Cần Thơ bày tỏ phấn khởi, bởi thông qua các hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở nuôi trồng, đánh bắt và chế biến, các công ty xuất khẩu thủy sản sẽ có được nguồn nguyên liệu thủy hải sản phong phú đa dạng, kể cả nhiều loài đặc hữu chỉ có ở Côn Đảo, để chế biến, đưa ra thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với việc hợp tác trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hai địa phương cũng đã dành nhiều thời gian bàn bạc việc phối hợp đẩy mạnh phát triển các phân ngành công nghiệp mũi nhọn bao gồm chế biến thủy - hải sản, công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu - thuyền, hỗ trợ kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án phát triển ngành du lịch của hai địa phương. Anh Nguyễn Anh Nhựt, Giám đốc Ban Quản lý các khu du lịch, nói: “Huyện Côn Đảo là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam, có thế mạnh về phát triển du lịch biển - đảo chất lượng cao, du lịch văn hóa - lịch sử đặc sắc, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua địa phương chưa khai thác hết những tiềm năng này. Việc ký hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch - văn hóa, sẽ tạo điều kiện để ngành du lịch Côn Đảo phát triển mạnh mẽ. Trước mắt, chúng tôi sẽ hợp tác đầu tư xây dựng các tour, tuyến du lịch từ Cần Thơ đến Côn Đảo. Liên kết tổ chức các chương trình, sự kiện quảng bá về du lịch, đầu tư vào dự án các khu du lịch sinh thái..., tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển”.

Qua việc lãnh đạo TP Cần Thơ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội giữa hai địa phương đã tạo cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ có thêm nhiều cơ hội ký kết các hợp đồng kinh tế, các dự án mà huyện Côn Đảo đang kêu gọi đầu tư trong năm 2009 - 2010, như: Khai thác các khu du lịch sinh thái, dự án tàu cao tốc cánh ngầm Côn Đảo - Vũng Tàu - Cần Thơ, dự án cung cấp điện gió và nước sạch cho Côn Đảo, nhà máy xử lý nước thải... Nắm bắt những cơ hội này, ngay trong chuyến công tác đến Côn Đảo, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào việc nghiên cứu thị trường, tiến hành thủ tục đầu tư vào các công trình: Xây dựng đường bộ vòng quanh đảo, xây dựng trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn... ở huyện Côn Đảo.

Điều đáng chú ý là nguyện vọng của TP Cần Thơ và huyện Côn Đảo đề nghị mở tuyến bay TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ – Côn Đảo đã được Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam đánh giá cao về tính khả thi. Theo ông Nguyễn Nguyên Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Miền Nam, phấn đấu đến giữa năm 2010 sẽ mở tuyến bay TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Côn Đảo. Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Cảng hàng không Côn Đảo, cho biết: “Hiện nay, nhu cầu khách đến du lịch, tham quan Côn Đảo ngày càng tăng. Cảng hàng không Côn Đảo có thể đáp ứng được từ 8-10 chuyến bay/ ngày, năng lực và thiết kế phục vụ bảo đảm cho đến năm cho 2025. Thế nhưng, hiện tại Cảng hàng không mới khai thác được 11 chuyến bay/tuần, chỉ đáp ứng được khoảng 40% yêu cầu của du khách. Khách du lịch muốn bay tuyến TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo phải đăng ký vé trước từ 1 đến 2 tuần. Đây là một điều đáng tiếc! Hy vọng, giữa năm 2010, khi tuyến bay TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Côn Đảo đi vào hoạt động sẽ mở ra những triển vọng mới cho ngành hàng không”. Ông Trương Hoàng Phục, Phó Bí thư Huyện ủy Côn Đảo, phấn khởi: “Việc mở đường bay Côn đảo - TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ sẽ là động lực để Côn Đảo phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Trước hết, sẽ mở ra được các tour, tuyến du lịch, đưa miền sông nước ĐBSCL kết nối với miền biển, giảm thời gian, chi phí vận chuyển hành khách, hàng hóa, khai thác lợi thế về giá, chất lượng hàng hóa, nông sản, thực phẩm của khu vực ĐBSCL, mặt khác giúp cho Côn Đảo đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ nhiều khu vực”. Về phía Cần Thơ, để có được tuyến bay Cần Thơ - Côn Đảo - TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam, triển khai giai đoạn 2 của sân bay Cần Thơ với nhiều hạng mục quan trọng: Hoàn thành nhà ga quốc tế, mở đường băng dài đạt tiêu chuẩn cho các loại máy bay lớn, các thiết bị an toàn phục vụ bay, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các dịch vụ bay... để đến giữa năm 2010 sẽ mở được tuyến bay Cần Thơ - Côn Đảo - TP Hồ Chí Minh, góp phần phát huy mạnh mẽ tiềm năng, tạo thêm thế và lực của hai địa phương trên bước đường phát triển và hội nhập.

Bài, ảnh: SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết