11/04/2021 - 07:55

Mô hình phát hành mới của điện ảnh 

Trong bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu trì trệ vì COVID-19, một định hướng phát hành mới đang dần được thiết lập tại Hollywood và châu Âu. Theo đó, các tác phẩm khi ra rạp không còn tuân thủ 60-90 ngày độc quyền như trước kia, thay vào đó là hạn định tối đa 45 ngày. Song song đó, ngày càng nhiều quy tắc mới đang được thiết lập giữa các hãng phim và hệ thống rạp.  

Phim “Black Widow”.

Nhà sản xuất Randy Greenberg vừa cho biết thời hạn phim độc quyền ra rạp chỉ từ 17 đến 45 ngày, sau khi hệ thống rạp Cineworld đạt được thỏa thuận với Warner Bors. trong nhiều năm tới. Theo đó, bắt đầu từ năm 2022 các rạp chiếu Regal - trực thuộc của Cineworld ở Mỹ sẽ chiếu phim của Warner Bors. trong 45 ngày trước khi các phim được đưa lên nền tảng trực tuyến HBO Max. Ðồng thời tại Anh, thời hạn thỏa thuận giữa hai bên là 31 ngày.

Tương tự, hãng Paramount cũng đã thỏa thuận đưa các phim của đơn vị ra rạp độc quyền trong 45 ngày trước khi đưa lên hệ thống trực tuyến riêng Paramount+. Trước đó, Univesal cũng ký kết chia sẻ doanh thu cùng hệ thống rạp AMC. Theo đó, hãng này sẽ rút toàn bộ các phim chiếu độc quyền tại rạp chỉ sau 17 ngày và đưa chúng lên nền tảng dịch vụ PVoD. Thỏa thuận này được Univesal áp dụng với Cinemark và Cineplex tại Canada.

Nhà phân tích truyền thông Paul Dergarabedian đánh giá: “Thời hạn phát hành phim độc quyền tại rạp 60-90 ngày đã lỗi thời, khi các hãng sản xuất phim đã thực sự mở toang cửa phát hành cho nhiều nền tảng do tác động của đại dịch COVID-19. Mô hình phân phối phim ảnh buộc phải thay đổi cho phù hợp với thời cuộc, không thể theo quy củ như trước. Phát hành phim giờ đây là vấn đề chiến lược với từng trường hợp để xác định làm thế nào có lợi nhất cho bộ phim, nhà sản xuất, rạp chiếu và người hâm mộ”. Các hãng sản xuất hiện đang cắt giảm những giao dịch đơn lẻ không còn phù hợp với các tiêu chuẩn tạm thời của ngành điện ảnh và những thỏa thuận mới vẫn có thể diễn ra. Paul Dergarabedian nhấn mạnh: “Không có thỏa thuận chung trong ngành nữa. Mỗi hãng đều đang có những cuộc thảo thuận riêng với từng hệ thống rạp để có thể đưa phim của họ lên hạ tầng phát trực tuyến riêng, sau khi hợp đồng chiếu phim ở rạp kết thúc”.

Với những thay đổi đang diễn ra trong ngành công nghiệp điện ảnh, cả hệ thống rạp và các hãng phim đều đang điều chỉnh để phù hợp với thực tế theo từng giai đoạn. Cách thức tiếp cận phim ảnh của người hâm mộ thay đổi, với xu hướng thích xem trực tuyến hơn, nhưng điều này không đồng nghĩa sẽ loại trừ việc phát hành theo kiểu truyền thống. Theo thời gian, thị trường có thể sẽ được ổn định trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Paul Dergarabedian dự đoán khi đó Hollywood sẽ lập tức chú trọng đến các phim bom tấn - những phim có thể thu hút người xem đến rạp trở lại, trở thành sự kiện mỗi tuần được công chúng trông đợi như trước kia. Nhiều bom tấn bị lùi thời gian phát hành như: “Black Widow”, “No Time No Die”, “Top Gun: Maverick”... có thể sẽ mang đến cảm giác “phải xem” lần nữa ở rạp, nếu tình hình trở lại an toàn.

Trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, đến nay, mùa phim bom tấn đang dần mai một. Các nhà sản xuất và cả phát hành đều biết rằng nếu có các tác phẩm phù hợp thì hoàn toàn có thể phát hành thành công ở bất cứ hình thức nào. Ðó là quy luật làm thay đổi cách vận hành của Hollywood hiện tại, chứ không chỉ chịu tác động từ dịch bệnh. Chuyên gia phân tích Shawn Robbins nói: “Khung thời gian chiếu rạp bị rút ngắn, nhưng vẫn có khoảng thời gian độc quyền cho rạp chiếu và những phim thương hiệu lớn. Mô hình kinh doanh thay đổi cho thấy nỗ lực tiếp cận và tiếp thị sản phẩm của các đơn vị cũng đã thay đổi linh hoạt hơn. Họ biết cách tập trung hơn vào những ngày trong tuần và tuần trong tháng trước khi phim ra rạp để tối ưu hóa doanh thu, đồng thời cũng xây dựng mô hình kinh doanh những bản phát hành tại nhà”.

Rõ ràng, sự linh hoạt giữa màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ dần có tiếng nói chung, khi lợi ích được chia sẻ phù hợp. Paul Dergarabedian cho rằng: “Tôi có thể thấy cả ngành công nghiệp đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách trải nghiệm giữa việc xem phim trên màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ, vì chúng bổ sung cho nhau chứ không phải đối lập nhau. Tôi có thể mua vé xem phim tại rạp, đồng thời cũng đảm bảo tôi có quyền truy cập một bộ phim ở nền tảng trực tuyến tại nhà. Những trải nghiệm đều đáng đồng tiền”. Shawn Robbins cũng cho rằng rạp chiếu và nền tảng phát trực tuyến sẽ không triệt tiêu nhau, cả hai có thể tồn tại song song và cùng thành công. Ðiều này mang đến những trải nghiệm khác nhau và tạo cho khán giả nhiều lựa chọn hơn, chủ động hơn theo sở thích, không bị bó buộc phải xem phim bom tấn ở màn ảnh rộng. Sự chuyển hướng mô hình kinh doanh này là tất yếu khi thế giới có sự thay đổi lớn sau đại dịch.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Screendaily, Variety)    

Chia sẻ bài viết