30/12/2021 - 09:29

Diễn đàn trực tuyến khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL - Lần 2

Mở đường cho các hình thức sản xuất kinh doanh mới 

Với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Tận dụng cơ hội, tạo đà bứt phá”, diễn đàn trực tuyến khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL - Lần 2 nhằm kết nối các nguồn lực, đưa ra các giải pháp để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Đây được xem là cơ hội, là hành trang cần thiết cho các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp KNĐMST (startup) vượt qua khó khăn, tạo đà bứt phá trong giai đoạn thích ứng an toàn linh hoạt với dịch COVID-19.

Thắt chặt liên kết

Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cùng các tổ chức liên quan đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST tại TP Cần Thơ.

Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cùng các tổ chức liên quan đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST tại TP Cần Thơ.

Trước diễn biễn của dịch COVID-19, việc thúc đẩy mối liên kết, hợp lực giữa các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST và giữa các địa phương vùng ĐBSCL nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển hoạt động KNĐMST tại địa phương càng đóng vai trò quan trọng. Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, chia sẻ: “Hệ sinh thái KNĐMST TP Cần Thơ trong thời gian qua đã có những bước phát triển rất rõ nét, hỗ trợ một cách toàn diện cho các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST. Trong kế hoạch phát triển trung và dài hạn, Sở cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các viện trường sử dụng hết các tiềm lực, lợi thế cùng các công nghệ có sẵn để hỗ trợ cho các ý tưởng ươm tạo khởi nghiệp. Và qua diễn đàn trực tuyến “Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL - Lần 2”, chúng tôi mong muốn các bên liên quan tiếp tục thúc đẩy sự liên kết, hợp lực giữa các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST và giữa các địa phương vùng ĐBSCL, đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển hoạt động KNĐMST thích ứng an toàn, linh hoạt trong giai đoạn bình thường mới”.

Đặt Cần Thơ ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL và đảm nhiệm vai trò gắn kết phát triển hệ sinh thái KNĐMST của vùng, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chia sẻ: “Cần Thơ là điểm sáng ở ĐBSCL khi tham gia xây dựng khá bài bản, toàn diện hệ sinh thái KNĐMST và các chủ thể trong hệ sinh thái. Đồng thời, có nhiều hiến kế, đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ, khai thác nguồn lực sẵn có để phát triển bền vững hệ sinh thái KNĐMST ở ĐBSCL. Vấn đề cần thiết hiện nay là cần tiếp tục khai thác hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ KNĐMST. Huy động sự vào cuộc, liên kết giữa các bên để phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, tạo đà tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, mở đường cho các hình thức sản xuất kinh doanh mới, khắc phục các vấn đề đang đặt ra cho vùng ĐBSCL như biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn nhân lực…”.

Tìm cơ hội bứt phá

Làm thế nào để các startup phát huy hết tiềm năng về con người, công nghệ, tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh để giải quyết các vấn đề nhằm ứng phó và thích nghi với đại dịch trong tình hình mới, vươn tới vị trí thống lĩnh thị trường, đang là bài toán đặt ra cho startup và các thành tố liên quan trong hệ sinh thái KNĐMST trong giai đoạn hiện nay.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tái cấu trúc - Chuyển đổi số Dr. SME (Dr.SME), cho rằng: “Quan trọng là các startup của vùng cùng tham gia vào giải quyết được các vấn đề của xã hội, của cộng đồng và khả năng giải quyết được vấn đề sẽ quyết định được chỗ đứng của startup. Khi giải quyết được vấn đề lớn có tầm cỡ, doanh nghiệp tự nhiên sẽ lớn lên, có đủ tầm để chinh phục được thị trường. ĐBSCL là nơi tuyệt vời để thúc đẩy KNĐMST. Nơi đây có lợi thế là thị trường rất lớn. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ đã gần lại nhờ rút ngắn thời gian di chuyển. Cần Thơ và các tỉnh ở ĐBSCL gần với các vùng miền khác nhờ kết nối thuận tiện bằng đường hàng không. Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là 3 vấn đề cần được gắn kết với nhau chặt chẽ để tạo nên câu chuyện KNĐMST. Đại dịch COVID-19 chính là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số mãnh liệt trong hệ sinh thái KNĐMST”.

Chia sẻ về hành trang cho startup Mekong phục hồi, bứt phá sau đại dịch, ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn KNĐMST quốc gia (SHI), nhấn mạnh: “Giải pháp dành cho startup bứt phá là phải xác định được mục tiêu phát triển bền vững là quan trọng; xác định khủng hoảng COVID-19 là thời cơ cho đột phá. Đại dịch làm cho khách hàng, thị trường thay đổi, các startup có tầm nhìn, có tâm thế sẵn sàng sẽ có cơ hội phát triển đi lên. Đồng thời, cần tiếp cận với giải pháp chuyển đổi số, tinh gọn bộ máy vận hành. Bên cạnh đó cần tranh thủ các giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách cho khởi nghiệp phát triển. Các startup cũng cần tiếp cận các nguồn vốn đầu tư với sự đa dạng các nguồn vốn và hợp tác liên kết với các nguồn lực phù hợp”.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết