Thời gian qua, TP Cần Thơ có nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc tế, góp phần phát triển kinh tế thành phố. Thông qua các hoạt động này, doanh nghiệp (DN) thành phố cũng có nhiều cơ hội trong hoạt động xuất nhập khẩu, mời gọi đầu tư… Nhưng nếu tính trong tương quan là thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thì sự phát triển của Cần Thơ chưa xứng tầm. DN vẫn kỳ vọng rất nhiều vào sự bứt phá của thành phố trong thực hiện chính sách hỗ trợ DN.
Chủ động nhưng hiệu quả chưa cao
Tính sơ bộ trong giai đoạn 2010-2016 và các tháng đầu năm 2017, TP Cần Thơ đã ký kết 12 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành phố trên thế giới trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, hành chính công, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp chế tạo máy, hóa chất, may mặc, du lịch, đầu tư… Theo nhận định của các sở, ngành chức năng Cần Thơ, những hoạt động này đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố; đặc biệt là trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (bìa phải), Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) tham quan Triển lãm APEC sáng 25-8. Ảnh: ANH KHOA
Theo Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, thực hiện ký kết hợp tác với Cần Thơ (tháng 12-2012), Viện nghiên cứu Nông nghiệp Jeollanam-do – Hàn Quốc đã tổ chức nhiều đoàn làm việc đến Cần Thơ để trao đổi, chia sẻ các thông tin về nông nghiệp, tổ chức hội thảo nông nghiệp, hợp tác nghiên cứu các giống lúa và nông sản chất lượng cao. Tháng 12-2016, đoàn cán bộ tỉnh Jeollanam-do do ông Bae Taek Hue, Giám đốc bộ phận Hợp tác quốc tế về biển và cá làm trưởng đoàn đã đến TP Cần Thơ làm việc với mong muốn nghiên cứu thị trường địa phương và tham quan thực địa ở trang trại nuôi tôm ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh và thăm Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc nhằm xúc tiến thương mại thủy hải sản và các sản phẩm tôm đã qua chế biến của Việt Nam. Ngoài ra, đoàn đã nhờ hỗ trợ kết nối gặp gỡ với Lãnh đạo Bệnh viện Răng hàm mặt thành phố với mục đích thảo luận về khả năng cùng nghiên cứu và phát triển (R&D) mối tương quan giữa các giá trị dinh dưỡng của tảo biển và sức khỏe răng miệng.
Sự hợp tác với tỉnh Chachoengsao – Vương quốc Thái Lan (ký vào tháng 11-2014) cũng đánh dấu những thành công trong kết nối DN Thái Lan và DN Cần Thơ trong hoạt động thương mại. Và gần đây nhất, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đã ký với bà Heidi Marshall, Trưởng bộ phận Thương mại hạt Riverside (Hoa Kỳ) Bản ghi nhớ hợp tác giữa TP Cần Thơ và hạt Riverside về tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư (ngày 6-6-2017). Trước đó, hai thành phố đã ký Bản ghi nhớ (ngày 20-1-2015), hợp tác trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, thương mại, hành chính công... Trong năm 2016, đoàn Thị trưởng thành phố Riverside đến thăm và làm việc tại thành phố và tiếp tục ký 2 bản ghi nhớ: Dự án Nghiên cứu và Phát triển Phòng thí nghiệm Xâm nhập mặn giữa Đại học Riverside và ĐHCT, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Hợp tác giữa Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ và Trường Đại học California Baptist…
Mặc dù đã có thành quả nhất định, nhưng một số hợp tác rất khó triển khai, đối tác hoãn vô thời hạn. Thực tế khác là các sở, ngành thành phố chưa khảo sát một cách khoa học nhu cầu thực sự của DN Cần Thơ để truyền tải đến các DN của nước ngoài. Về phía DN, từng thời điểm tiếp đoàn nước ngoài, lãnh đạo thành phố có mời các DN Cần Thơ để kết nối nhu cầu hợp tác đầu tư, thương mại, nhưng các DN Cần Thơ chưa chủ động, hoặc e ngại hợp tác quốc tế do trình độ quản lý, kinh nghiệm quốc tế chưa có, nên ngại tham gia.
Kết nối hợp tác
Có thể thấy rằng, những nỗ lực kết nối kinh doanh của thành phố trong thời gian gần đây đã tiếp thêm sức mạnh cho DN. Mới đây, UBND TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm “Cộng đồng kinh tế ASEAN- cơ hội mang lại cho người dân và doanh nghiệp”, các chuyên gia cũng khuyến cáo DN cần chủ động để nắm bắt các cơ hội thị trường. Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, phân tích: “Thách thức lớn nhất trong AEC đối với DN ĐBSCL hiện tại là sức ép cạnh tranh từ hàng hóa các nước ASEAN. Việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các DN ĐBSCL. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, nguồn nhân lực… của vùng hạn chế. Nông dân và DN sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức do tác động biến đổi khí hậu. Khi tham gia vào sân chơi chung và áp lực cạnh tranh từ đối tác buộc DN phải thay đổi”. Theo ông Hiệp, TP Cần Thơ với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL cần đi đầu trong hội nhập. Hai nhóm giải pháp cần thực hiện chính là đầu tư tạo nguồn lực mới cho phát triển, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn lực mới đến từ cải cách thể chế; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực (tận dụng ưu thế Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại Cần Thơ), tăng cường liên kết vùng.
DN TP Cần Thơ giới thiệu sản phẩm nông sản đến với khách hàng tại hội chợ nông sản sạch – an toàn tháng 8-2017.
Trong tiến trình hội nhập, việc thiếu thông tin thị trường, dự báo thị trường đã làm DN khó khăn trong quá trình ra quyết định. Đặc biệt sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các thị trường ngày càng lớn trong thời kỳ hội nhập sâu rộng. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho biết: “Từ năm 2015, CBA đã tăng cường cung cấp thông tin cho DN. CBA hiện có 1 website, 1 trang facebook và 2 bản tin nội bộ đưa thông tin đến cho DN. Thế nhưng, nguồn lực của các hiệp hội rất hạn chế, phải tự cân đối nguồn thu chi, nên để có nguồn thông tin cung cấp cho DN và hội viên rất cần sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước”… Theo bà Mỹ Thuận, hiện CBA còn cập nhật thêm thông tin thị trường, chuyển tải những thông tin cần mua- cần bán của DN để kết nối kinh doanh cho các DN trong hội, ngoài hội và các địa phương cả nước; thậm chí kết nối với DN nước ngoài khi họ có thông tin chuyển đến cho CBA.
TP Cần Thơ đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy các ý tưởng khởi nghiệp, tạo thêm những nhân tố mới, góp phần lớn mạnh sự phát triển của cộng đồng DN. Nhận xét về hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp hiện nay ở Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia nông nghiệp cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khẳng định: “Hoạt động khởi nghiệp muốn thành công phải có đội ngũ nhân viên có ý tưởng tốt để đưa ra ý tưởng tốt cho DN. Nếu tôi là nhà đầu tư, tôi sẽ không bỏ tiền đầu tư nếu tôi không tin tưởng vào đội ngũ nhân viên. Có ý tưởng tốt thì mới có cơ hội tốt. Làm start-up phải nghĩ ra những cái gì khác cho lĩnh vực này, không thể bó hẹp theo cách sản xuất truyền thống. Chỉ quanh quẩn cải tiến những cái cũ thì đó không phải là khởi nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp khởi nghiệp còn phụ thuộc vào vấn đề khác nữa là chính sách, thị trường đầu ra... Hợp tác công tư (PPP) là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển”.
Với vị trí trung tâm ĐBSCL, TP Cần Thơ có nhiều lợi thế trong tận dụng các cơ hội phát triển. Đặc biệt, sự kiện diễn ra tại thành phố, đó là Tuần lễ an ninh lương thực APEC 2017 từ ngày 18 đến 25-8-2017. Đây là cơ hội lớn cho thành phố gặp gỡ lãnh đạo một số nền kinh tế để giới thiệu tiềm năng, kêu gọi đầu tư. Kỳ vọng rằng, thành phố sẽ tận dụng tốt các cơ hội này, cũng như khơi gợi lại những biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các địa phương của các nền kinh tế APEC mà thành phố đã ký kết.
Gia Bảo