13/09/2020 - 12:41

Miếu Bà Cố Chủ ở hòn Sơn 

Hòn Sơn hay còn gọi hòn Sơn Rái, tên chữ là Lại Sơn, là xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Đây là hòn đảo được cư dân người Việt cư trú từ lâu đời, mưu sinh bằng việc khai thác và đánh bắt thủy sản. Miếu Bà Cố Chủ tại đây là một trong những minh chứng cho lịch sử hòn Sơn.

Miếu Bà Cố Chủ ở hòn Sơn.

Miếu Bà Cố Chủ ở hòn Sơn.

"Tục truyền, vào năm 1789, trong một lần tránh quân Tây Sơn truy kích, chúa Nguyễn Ánh ghé vào bãi Thiên Tuế. Lúc ấy, nước ngọt không có, lương thực cạn kiệt. Trong giấc ngủ chập chờn, chúa nằm mơ thấy một vị tướng quân đến lay dậy bảo rằng: Hãy theo ta về hướng này mà thoát nạn. Chúa thức giấc, sai lính theo hướng đi của vị tướng quân trong mộng. Một lúc lâu tốp lính về báo rằng phát hiện một con suối nước ngọt (suối Đá bây giờ) và có nhiều rái cá bắt cá dâng cho chúa Nguyễn. Đội quân tiếp tục theo hướng đàn rái cá thì gặp được khu vực Bãi Nhà, có nhiều loại cây trái và củ ăn được, cứu sống cánh quân. Sau này khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh phong cho rái cá là "Lang Lại đại tướng quân" để đền ơn... Nhà vua cho rằng vị tướng quân trong mộng là vị thần ở đây. Từ đó, hòn được thêm tên chữ là Lại Sơn"(1). 

Trên hòn Sơn, vẫn còn lưu truyền câu chuyện trên, cùng các thắng cảnh như mũi Đá Bàn, bãi Thiên Tuế, đỉnh Ma Thiên Lãnh... và các công trình tín ngưỡng, như đình Lại Sơn, miếu Ông Nam Hải, miếu Bà Cố Chủ... Trong đó, việc thờ Bà Cố Chủ được người dân nơi đây tin rằng Bà vừa hiện thân cho vị thần cai quản vùng đất, vừa hiện thân cho vị thần biển có thể bảo vệ ngư dân mỗi khi họ gặp sóng to gió lớn, nguy hiểm tính mạng trên biển cả mênh mông.

Gian chính điện thờ Bà Cố Chủ ở hòn Sơn.

Gian chính điện thờ Bà Cố Chủ ở hòn Sơn.

Theo người dân trên đảo, Bà Cố Chủ là người đầu tiên đến, khai phá hòn Sơn Rái và được xem như thần cai quản vùng biển đảo Lại Sơn. Người dân từ khắp mọi nơi sinh cơ lập nghiệp tại đảo rất kính trọng Bà với ước nguyện được phù hộ bình an. Truyền thuyết kể rằng: "Bà Cố Chủ tên Tăng Thị Huệ. Bà góa chồng ở vậy nuôi con, sinh sống trên đảo Hòn Rái. Mẹ con bà nuôi heo rất nhiều, nhiều lái buôn từ nhiều nơi cặp ghe vào hòn mua heo của bà. Một hôm, có nhóm cướp biển Nam Hải ghé vào đánh cướp nhà bà Huệ. Chúng cướp của, bắt những đứa con của bà trói bỏ lại. Bọn cướp trói bà, chở ra biển, dùng hai tĩn nước mắm cột vào cổ bà và ném xuống biển. Trong lòng nước, bà vùng vẫy cho dây trói tuột ra, rồi bình tĩnh cố nhoài lên đổ hết nước trong tĩn ra, dùng tĩn làm phao bơi vào bờ. Bọn cướp biển hay tin bà Huệ còn sống và tiếp tục làm ăn khá giả, chúng tổ chức một trận đánh cướp thứ hai. Lần này bọn cướp nhốt bà vào một chiếc giỏ bắt heo, dùng dây ràng rịt miệng giỏ thật chắc, ra ngoài khơi, bọn cướp quăng bà xuống biển. Bà Tăng Thị Huệ chết hiển linh thành thần, người dân Bãi Nhà lập miếu thờ bà. Bà rất hiển linh, mách nước giúp dân làng làm ăn phát đạt"(2).

Qua lời kể của người dân trên đảo và truyền thuyết về bà Tăng Thị Huệ, có thể thấy tín ngưỡng thờ Bà Cố Chủ ở đây có sự tương đồng với tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ. Có điều Bà Chúa Xứ được thờ ở đất liền, còn Bà Cố Chủ thì được thờ ở ngoài đảo. Đây là tín ngưỡng dân gian được lưu dân mang từ miền Trung vào Nam Bộ, có sự đan xen với văn hóa của người Chăm trong quá trình Nam tiến. "Bà Chúa Xứ là Bà Chúa, Bà Chủ, Bà Mẹ của một xứ sở, người tạo dựng nên một vùng đất. Niềm xác tín này xuất phát từ tín ngưỡng cổ sơ "Cha trời - Mẹ đất" trong truyền thống lâu đời của dân tộc. Qua giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tín ngưỡng này ngày càng được bổ sung, thay đổi từ danh xưng lẫn nội dung theo điều kiện kinh tế - xã hội và địa bàn cư trú của cư dân"(3).

Qua khảo sát tục thờ Bà Cố Chủ ở Hòn Sơn, có thể thấy Bà là người đầu tiên đến vùng đất này, khai phá và đặt nền móng cho việc phát triển đảo Lại Sơn nên trong tâm thức dân gian, Bà chính là vị thần bảo trợ, có công với vùng đất này trong việc quy dân lập ấp, phát triển nơi hoang sơ thành cụm dân cư đông đúc. Cũng chính vì có công trong việc tạo lập vùng đất mà người dân tôn Bà là vị thần của xứ sở, gọi là Bà Cố Chủ hoặc Bà Chúa Hòn. Ở đây, từ một bà Tăng Thị Huệ bình thường đã hóa thành Bà Cố Chủ do quá trình huyền thoại hóa. "Huyền thoại hóa là quá trình thiêng quá nhân vật phụng thờ. Đây là công việc tất yếu, để gửi gắm niềm tin của con người, để vật chất hóa niềm tin tín ngưỡng"(4). 

Miếu Bà Cố Chủ tọa lạc tại Bãi Nhà A. Mặt chính của ngôi miếu hướng ra phía biển, như lúc nào cũng dõi theo để bảo vệ người dân trên biển mỗi khi họ ra khơi. Trước ngôi miếu là một nghi môn cao, to, có mái che, trông thanh thoát. Ngày thường cổng chính của miếu đóng lại, chỉ mở vào dịp lễ cúng Bà. Người ta vào viếng Bà bằng cổng phụ hai bên. Sau cổng của ngôi miếu là khoảng sân rộng để người dân đến dự lễ và thiết lập sân khấu hát bội mỗi dịp cúng Bà. Miếu Bà Cố chủ gồm ba gian: chính giữa là chính điện thờ Bà, hai gian hai bên thờ Tả Ban và Hữu Ban - những người giúp việc cho Bà. Gian chính điện được trang hoàng rực rỡ, cầu kỳ, trang nghiêm, thể hiện tấm lòng của người dân trên đảo đối với Bà.

Lễ cúng miếu Bà Cố Chủ hằng năm được tổ chức vào ngày 8 đến 10 tháng 9 âm lịch. Trong dịp lễ, Ban Quản trị miếu có rước đoàn hát từ TP Hồ Chí Minh về biểu diễn cho bà con xem. Người dân từ đất liền cũng đem theo nhiều sản vật, hàng hóa ra đảo phục vụ dịp lễ nên không khí thêm nhộn nhịp và vui tươi. Trong dịp lễ cúng Bà, không chỉ có người dân địa phương đến dự, mà còn có nhiều khu khách từ các tỉnh thành khác ra đảo dự lễ, cầu an cho gia đình. Vì vậy, mỗi dịp cúng Bà, hòn Sơn đón hàng ngàn lượt người.

Có thể nói, miếu Bà Cố Chủ ở hòn Sơn không chỉ là nơi trú sở tâm linh cho cư dân trên đảo, mà còn là điểm du lịch tâm linh thu hút du khách gần xa.

Bài, ảnh: Trần Kiều Quang

(1) Anh Động - Nguyễn Diệp Mai (2008), Di tích, danh thắng và địa danh Kiên Giang, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tr.233.
(2) Anh Động - Nguyễn Diệp Mai, Sđd, tr.236-237.
(3) Nguyễn Hữu Hiếu (2015), Tục thờ thần qua am miếu Nam Bộ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.132
(4) Nguyễn Chí Bền (2015), Lễ hội cổ truyền của người Việt cấu trúc và thành tố, NXB KHXH, Hà Nội, tr.122.

Chia sẻ bài viết