11/12/2012 - 21:29

Máy tính sẽ là “phụ tá” của bác sĩ trong chẩn đoán y khoa?

Chương trình máy tính giúp Tiến sĩ Dhaliwal không bỏ sót biến chứng hiếm gặp trong khi chẩn đoán bệnh. Ảnh: New York Times

Ứng dụng khoa học máy tính để hỗ trợ chẩn đoán y khoa từ lâu đã được biết đến là rất hữu ích. Và hiện tại, phương pháp này đang tiếp tục khẳng định vị thế ngày một rõ ràng với nhiều bước tiến trong lĩnh vực đòi hỏi yếu tố con người là chủ yếu.

Trên sân khấu của một hội nghị y khoa hồi năm ngoái, Tiến sĩ Gurpreet Dhaliwal đã khiến 600 khán giả vô cùng hồi hộp chờ công bố kết quả chẩn đoán bệnh sau 45 phút điều nghiên các dữ liệu được cung cấp. Ngoài thông tin chung chung về các triệu chứng có thể biểu hiện ở hàng trăm bệnh khác nhau như sốt liên tục, đau khớp, sụt cân và chán ăn, chuyên gia đến từ Đại học California (Mỹ) còn được xem hình ảnh chẩn đoán và các kết quả sinh thiết. Sau khi tham khảo y văn cá nhân và sàng lọc những dấu hiệu có thể gây nhầm lẫn bệnh và lưu ý những manh mối mà người khác có thể bỏ qua, Tiến sĩ Dhaliwal kết luận: "Ung thư hạch bạch huyết với hội chứng thực bào máu thứ phát", trong tiếng reo hò tán dương của cả khán phòng. Tiến sĩ Dhaliwal, 39 tuổi, là một trong những chuyên gia chẩn đoán lâm sàng giỏi nhất thế giới hiện nay.

Câu hỏi được đặt ra là liệu máy tính có thể chẩn đoán bệnh giỏi như Tiến sĩ Dhaliwal khi mà kỹ năng này không chỉ phụ thuộc vào việc tích lũy vô vàn kiến ​​thức chuyên môn, mà còn dựa vào các yếu tố phi vật thể khác, như trực giác? Câu trả lời là có thể, bởi máy tính có thể lưu trữ một lượng thông tin khổng lồ, có khả năng phân tích thông tin liên tục và có tốc độ xử lý thông tin nhanh gấp trăm lần não người…

Có thể nói lịch sử chẩn đoán bệnh với sự trợ giúp của máy tính đã có từ lâu và rất phong phú. Hồi thập niên 1970, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh (Mỹ) đã phát triển phần mềm chẩn đoán trong lĩnh vực nội khoa tổng quát và sau đó được đưa vào ứng dụng trong một chương trình thương mại với tên gọi là Quick Medical Reference. Đến những năm 1980, Bệnh viện đa khoa Massachusetts phát triển và hoàn thiện DXplain, một chương trình cung cấp danh sách các chẩn đoán lâm sàng từ nhóm các triệu chứng bệnh và dữ liệu xét nghiệm. Và nay, hãng máy tính IBM, bắt nguồn từ chiến thắng của "siêu máy tính" Watson trong chương trình đố vui trên truyền hình Jeopardy của Mỹ hồi năm ngoái, đang phát triển dự án Watson for Healthcare (tạm dịch là Watson dùng cho chăm sóc y tế).

Theo báo New York Times, phương pháp chẩn đoán của Tiến sĩ Dhaliwal giống với một sản phẩm khác của IBM là Deep Blue – một chương trình máy tính đã đánh bại Kiện tướng Cờ vua thế giới Garry Lasparo. Dù không có nhận thức và trực giác của con người nhưng Deep Blue ghi nhớ hàng triệu cử động và có thể phân tích chúng mỗi giây, còn ông Dhaliwal thực hiện việc chẩn đoán với tốc độ của con người. Trong khi máy tính làm tốt việc xử lý số liệu, con người giỏi trong việc liên kết những vấn đề có liên quan với nhau, ví dụ, để đưa ra một quyết định, các bác sĩ phải kết hợp tính lô-gíc và kiến thức với khả năng suy luận của bản thân (chẳng hạn những triệu chứng nào có liên quan đến bệnh gì). Do đó, việc kết hợp công nghệ máy tính với kỹ năng của con người được cho sẽ giúp giảm đến mức tối thiểu nguy cơ chẩn đoán sai.

Theo Viện Y học Mỹ, việc chẩn đoán sai chiếm khoảng 15% lỗi của bác sĩ và có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Hiện Tiến sĩ Dhaliwal đang sử dụng chương trình chẩn đoán trực tuyến Isabel như một "công cụ hỗ trợ" nhằm giảm thiểu những sơ sót trong khi khám bệnh. Isabel được sáng chế bởi Jason Maude, người từng chứng kiến các bác sĩ đã sơ suất khi khám chữa bệnh cho con gái của mình. Đó là lúc Isabel Maude được 3 tuổi, các bác sĩ chẩn đoán em bị bệnh thủy đậu nhưng không phát hiện ra một biến chứng nguy hiểm hơn nhiều là chứng viêm cân hoại tử, một loại nhiễm trùng nghiêm trọng gây hoại tử các mô mềm. Đến lúc bệnh được phát hiện, Isabel đã mất rất nhiều mô thịt mà đến năm 17 tuổi, cô vẫn chưa phục hồi. "Tai nạn" này thôi thúc Jason viết chương trình Isabel tập hợp hàng nghìn căn bệnh có thể kèm theo nhiều triệu chứng hiếm gặp để các bác sĩ nhận diện và có hướng điều trị, bởi theo tác giả, "một người không thể nhớ hết các triệu chứng của tất cả các căn bệnh". Đồng quan điểm với Jason, Tiến sĩ David J. Brailer, Giám đốc điều hành tập đoàn Health Evolution Partn chuyên đầu tư vào các công ty chăm sóc sức khỏe, cũng cho rằng "nếu tất cả mọi người là một thiên tài trong chẩn đoán, chúng ta sẽ không cần đến những công cụ hỗ trợ".

Dù chưa thể thay thế hoàn toàn các bác sĩ có chuyên môn cao trong việc khám chữa bệnh nhưng máy tính được kỳ vọng sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho họ. Đáng chú ý là chương trình Watson for Healthcare của IBM. Công ty này đang hợp tác với Trung tâm Ung thư Sloan-Kettering "dạy" cho Watson giải thích thông tin lâm sàng và thậm chí là giúp xác định phương pháp trị bệnh. Tiến sĩ Martin Kohn, Giám đốc bộ phận nghiên cứu y khoa của IBM thừa nhận Watson "không phải là công cụ toàn năng", nhưng "siêu máy tính" này có khả năng phân tích hàng nghìn quyển sách giáo khoa mỗi giây. Nó cũng có thể hiểu bản chất của câu hỏi và xem xét lượng lớn thông tin, chẳng hạn như bệnh án điện tử hay các báo cáo y khoa, sau đó đề xuất phác đồ điều trị đáng tin cậy.

VI VI (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết