Năm 2016, vấn đề màu da lại được thổi bùng khi hàng loạt phong trào OscarSoWhite (Oscar toàn trắng), WhitewashedOut (Chọn người da trắng đóng vai nhân vật da màu)
liên tục xảy ra. Liệu những phong trào đi ngược nỗ lực đấu tranh chống kỳ thị ở Hollywood trên sẽ khiến các diễn viên da màu tài năng từ bỏ chỗ đứng đáng ra họ sẽ có?
Luôn nóng
Gần đây, Hollywood đang vấp phải những phản ứng trái chiều khi cố tình đưa những vai diễn vốn là nhân vật gốc Á hay da màu cho các diễn viên da trắng đảm nhận.
Điển hình, hãng Marvel chọn diễn viên Tilda Swinton vào vai Ancient One- nhân vật đến từ Tây Tạng trong "Doctor Strange"; hay người đẹp Scarlett Johansson đảm nhận nhân vật Motoko Kusanagi trong "Ghost in the Shell"- tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh nổi tiếng cùng tên của Nhật. Tương tự, Elizabeth Banks lại vừa được nhận vai Riteva Repulsa- vốn là nhân vật gốc Á trong phim "Power Rangers". Các diễn viên da trắng sẽ được thay đổi màu da châu Á bằng kỹ thuật đồ họa và làn sóng này đã làm dấy lên phong trào WhitewashedOut. Nữ diễn viên Margaret Cho bức xúc: "Chúng tôi muốn các hãng phim, nhà sản xuất, các đạo diễn ở Hollywood nên ngừng việc chọn các diễn viên da trắng đảm nhận nhân vật gốc Á. Hãy để nhân vật về đúng với màu da thật của nó". Phía ngược lại, nhà biên kịch Max Landis cho rằng: "Không có nữ diễn viên gốc Á nào được xếp vào loại A trên trường quốc tế" khi giải thích về chọn diễn viên cho "Ghost in the Shell". Đồng quan điểm, biên kịch Aaron Sorkin cũng phàn nàn không có một ngôi sao châu Á nào để ông có thể chọn đảm nhận vai Bradley Katsuyama- Giám đốc tài chính ở phố Wall trong tác phẩm chuyển thể từ sách "Flash Boys". Nam diễn viên George Takei nói: "Các diễn viên da trắng đảm nhận nhân vật gốc Á tồn tại lâu rồi. Vấn đề này không liên quan đến chính trị hay chủng tộc mà liên quan đến tâm lý lo sợ rủi ro".
 |
Nam diễn viên David Oyelowo (ảnh, trái) và nữ diễn viên Rosamund Pike trong “A United Kingdom”. |
Phần lớn các nhà làm phim ở Hollywood đều khẳng định việc lựa chọn diễn viên không liên quan đến chủng tộc mà chủ yếu bởi không có diễn viên gốc Á nào đủ tầm ngôi sao quốc tế để bảo chứng doanh thu phòng vé. Lập luận này có vẻ thiếu tính thuyết phục. Thực tế, một nghiên cứu của Ralph J. Bunche thuộc Trung tâm Nghiên cứu Người Mỹ gốc Phi tại Đại học California, Los Angeles, cho thấy những bộ phim đa dạng chủng tộc không chỉ có doanh thu phòng vé cao hơn mà cả lợi nhuận trung bình cho các hãng phim và nhà sản xuất cũng cao hơn. Điển hình là thành công của "Fast and Furious"- phim hội tụ đủ màu da. Tính đến nay, qua 7 phần, "Fast and Furious" đã mang về doanh thu hơn 4 tỉ USD trên toàn cầu.
Nhiều người khẳng định, thành tích phòng vé chỉ là lý do thoái thác, những ám ảnh tâm lý về sắc tộc của các nhà làm phim Hollywood mới là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "thay màu da". Điển hình, ngôi sao da màu Idris Elba đã thành danh ở Hollywood, nhưng màu da vẫn là yếu tố cản lối anh xuất hiện trước công chúng. Trong 5 tác phẩm Idris Elba góp mặt năm nay thì 3 trong số đó anh chỉ góp giọng lồng tiếng: "Zootopia", "The Jungle Book", "Finding Dory". Còn nhân vật Krall trong "Star Trek Beyond" thì Idris Elba lại phải đeo mặt nạ suốt. Chỉ duy nhất có phim "Bastille Day" là anh lộ diện. Không chỉ Idris Elba mà "viên kim cương đen" Lupita Nyongo- nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar- cũng vướng phải điều tương tự. Từ khi nhận giải Oscar 2014 đến nay, cô không được tuyển chọn vào bất kỳ phim hành động chỉ bởi màu da của cô. Nếu đồng ý tham gia phim kinh dị "Intelligent Life" thì đến nay Lupita Nyongo chỉ mới có 4 dự án và không phải lúc nào cũng là vai chính. Nhà phê bình Thelma Adams trào phúng: "Nếu muốn diễn viên da màu có nhiều vai diễn thì phải có nhiều người da màu tham gia vào khâu đạo diễn, viết kịch bản".
Đổi mới
Nhận định của nhà phê bình Thelma Adams có lẽ đúng. Và Hollywood đang thay đổi. Trước những phản ứng về vấn đề sắc tộc, các nhà làm phim Hollywood đang khai thác những mối tình khác màu da, thay nhằm làm đi làm lại những phim siêu anh hùng. Sự chuyển hướng này có thể nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm kịch bản ở Hollywood. Dù bắt đầu từ nguyên nhân nào, đó cũng là tín hiệu đáng mừng khi các diễn viên da màu được tạo đất diễn. "Mountain Between Us" (2017) sẽ có sự xuất hiện của tài tử da màu Idris Elba bên cạnh ngôi sao người Anh xinh đẹp Kate Winslet. Idris Elba và Kate Winslet sẽ vào vai Ben và Ashley- đôi nam nữ bị kẹt lại giữa rừng vì tai nạn máy bay, dần nảy sinh tình cảm khi cùng nhau vượt qua hiểm họa thiên nhiên. Nữ đạo diễn Amma Asante sẽ cho ra mắt "A United Kingdom" vào tháng 10- 2016, kể về chuyện tình ngang trái của chàng trai hoàng gia Seretse Khama xứ Botswana và cô phiên dịch viên da trắng Ruth Williams vào những năm 40 thế kỷ trước. Cuộc hôn nhân của họ bị ngăn cấm vì những tập tục. Nam diễn viên da màu David Oyelowo sẽ đảm nhận vai Seretse Khama, còn nữ diễn viên người Anh Rosamund Pike sẽ hóa thân Ruth Williams.
Nối tiếp nữ đạo diễn Amma Asante, đạo diễn Jeff Nichols sẽ ra mắt "Loving"- câu chuyện có thật về đôi vợ chồng Mildred Jeter và Richard Loving, từng bị bỏ tù vì vi phạm luật hôn nhân (cấm người da trắng lấy người da đen) vào năm 1958 tại Virginia. "Loving" có sự tham gia của nam diễn viên Joel Edgerton và nữ diễn viên da màu Ruth Negga, từng lọt vào danh sách đề cử Cành cọ vàng năm 2016 và nhận nhiều đánh giá tích cực từ các nhà phê bình. Trang phê bình Rotten Tomatoes bình chọn "Loving" đến 93% điểm tích cực, còn các trang Hollywoodreporter, People đều cho rằng phim xứng đáng được đề cử Oscar. Phim dự kiến công chiếu vào tháng 11-2016.
Với xu hướng đề tài này, Hollywood đang từng bước thay đổi cách nhìn về vấn đề màu da. Không chỉ trong điện ảnh, các lĩnh vực khác cũng đang có sự thay đổi. Cụ thể, giải Tony- giải thưởng về nhạc kịch (một trong 4 giải thưởng quan trọng về nghệ thuật của quốc tế, bên cạnh: Grammy cho âm nhạc, Oscar cho điện ảnh, Emmy cho truyền hình) hồi tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm của giải thưởng này, tất cả cá nhân giành giải diễn xuất về nhạc kịch đều là người Mỹ gốc Phi: Leslie Odom Jr., Daveed Diggs, Elise Goldsberry, Cynthia Erivo.
*
* *
Vấn đề màu da tại Hollywood là câu chuyện dài, phức tạp và hành trình thay đổi quan điểm của các nhà làm phim về các diễn viên da màu không phải chuyện dễ dàng. Thế nhưng, những thay đổi gần đây về cách khai thác đề tài, cũng như thừa nhận tài năng của các diễn viên da màu đã cho thấy giới làm nghệ thuật tại Hollywood, nhất là các nhà làm phim, đang dần có những quan điểm mới, tích cực hơn đối với vấn đề này.
ÁI LAM (Tổng hợp từ CNN, Nytimes, Vulture)