Khi chỉ còn hơn một tháng nữa là đến bầu cử Tổng thống Indonesia, mạng xã hội bắt đầu rộ lên nhiều tin đồn liên quan đến đương kim Tổng thống Joko Widodo và đối thủ chính của ông trong cuộc đua- cựu tướng quân đội Prabowo Subianto.

Tổng thống Widodo (trái) và đối thủ Prabowo. Ảnh: Reuters
Gần như mỗi ngày, “Janda”- người tự xưng là bà nội trợ có 2.000 người theo dõi trên Twitter, đều tung ra những mẹo vặt, hay phàn nàn về cuộc sống đô thị và ca ngợi cách chính quyền Tổng thống Widodo đã cải thiện cuộc sống của bà. Tuy nhiên, chủ nhân thực sự của tài khoản Twitter này là một người đàn ông trung niên còn độc thân. Công việc của ông ta là cung cấp các dịch vụ chính trị trên mạng xã hội nhằm ủng hộ chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Widodo. Người này cũng là thủ lĩnh của một trong nhiều cái được gọi là “nhóm tung tin đồn” trên mạng xã hội. Các nhóm này đang nổi lên tại quốc gia vạn đảo trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ngày 17-4 tới. Chủ nhân tài khoản Janda thừa nhận nội dung mà nhóm tạo ra cho cuộc bầu cử đang tiếp cận ít nhất 1 triệu người/tuần.
Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy Tổng thống Widodo đang dẫn trước cựu tướng Prabowo với cách biệt hai con số. Trong cuộc bầu cử năm 2014, ông Widodo giành chiến thắng nhờ nhiều hơn ông Prabowo 6% phiếu bầu. |
Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều thành viên của các nhóm tung tin đồn, cố vấn mạng xã hội và chuyên gia mạng nói rằng một loạt hoạt động mạng xã hội đang tuyên truyền thay cho Tổng thống Widodo và ông Prabowo. Dù vậy, phía đội ngũ vận động tranh cử của hai vị này đều phủ nhận quen biết hoặc sử dụng các nhóm tung tin đồn nói trên. Anthony Leong- điều phối viên thuộc nhóm kỹ thuật số của Prabowo, còn khẳng định chiến dịch tranh cử của phe này đã yêu cầu “10.000 tình nguyện viên kỹ thuật số” sử dụng tên thật và chỉ cho phép họ đăng “những nội dung tích cực”.
Được biết, “một chiến binh mạng” cấp thấp có thể được trả 70- 3.500 USD cho mỗi dự án, tùy thuộc khả năng tiếp cận của tài khoản đó. Một thành viên tiết lộ rằng nhiệm vụ của anh ta là tạo ra những chủ đề phổ biến ở những thời điểm quan trọng của cuộc bầu cử bằng cách sử dụng các hashtag và nội dung do tổ chức cung cấp, kết hợp với các tài khoản giả.
Chuyên gia Pradipa Rasidi tại Đại học Indonesia giải thích rằng phần lớn các đối tượng trên là những cử nhân trẻ. Họ tham gia hoạt động này do ra trường khó tìm việc trong khi đầu quân cho các nhóm tung tin đồn nhận tiền cao hơn. Dù vậy, rủi ro pháp lý là có thật. Các hoạt động liên quan đến tung tin đồn có thể khiến chủ nhân phải ngồi tù nếu bị kết tội vi phạm luật chống phỉ báng trên mạng Internet của Indonesia. Theo luật này, tạo ra và lan truyền tin giả là phạm pháp, nhưng sở hữu các tài khoản trên mạng xã hội với tên giả thì được phép, trừ phi mạo danh một người nào đó.
Tin thất thiệt được phát tán bởi các tài khoản thật, thường có sự tiếp tay của nhóm tung tin đồn, đang là “đại dịch” trên các trang mạng xã hội Twitter và Facebook cũng như Instagram và WhatsApp. Indonesia hiện là quốc gia có lượng người dùng Facebook cao thứ ba thế giới, ước tính 130 triệu tài khoản.
THANH BÌNH (Theo SCMP)