14/02/2023 - 09:52

Tiến sĩ Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh:

Mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng 

B.Ngọc (thực hiện)

Trường Ðại học (ÐH) Trà Vinh thời gian qua đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần cung cấp nguồn lực trình độ cao phục vụ tỉnh Trà Vinh nói riêng, ÐBSCL và cả nước nói chung. Ðóng góp trong sự phát triển đó của trường, có việc thực hiện cơ chế tự chủ. Tiến sĩ Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Trà Vinh, cho biết:

- Trường ÐH Trà Vinh được Thủ tướng Phê duyệt Ðề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Quyết định 486/QÐ-TTg ngày 13-4-2017. Tại thời điểm đó, Trường ÐH Trà Vinh là trường địa phương đầu tiên bắt đầu thực hiện tự chủ với mục tiêu là phát triển thành trường ÐH định hướng ứng dụng theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại trường. Tiếp theo quyết định trên, trường thực hiện quy định tại Nghị định 60/2021/NÐ-CP về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập ngày 21-6-2021 ở nhóm 1 (đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư).

* Thưa tiến sĩ, khi thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần đổi mới, thúc đẩy sự phát triển của trường ra sao?

- Cơ chế, chính sách tự chủ giáo dục ÐH mang lại nhiều lợi ích về phát huy sáng tạo trong tổ chức, vận hành các hoạt động của các cơ sở. Qua hơn 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ, với sự nỗ lực của tập thể thầy trò Trường ÐH Trà Vinh, sự hỗ trợ kịp thời của các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và các sở ban ngành địa phương, đối tác trong, ngoài nước và cộng đồng doanh nghiệp; cùng với hệ thống các đơn vị trực thuộc (đặc biệt là Bệnh viện ÐH Trà Vinh)… đã cung cấp hệ sinh thái đào tạo tương đối hoàn chỉnh cho tỉnh Trà Vinh và khu vực. Trường phát huy mô hình đào tạo đa ngành, đa cấp học, liên thông các bậc học hướng tới học tập suốt đời, cùng với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động phục vụ cộng đồng, thực hiện trách nhiệm với xã hội.

Trường nằm trong tốp đầu ở ÐBSCL với 13 chương trình đạt kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế theo chuẩn chất lượng AUN-QA, FIBAA, ABET gồm các ngành: Nông nghiệp, Thủy sản, Thú y, Ðiều dưỡng, Ngôn ngữ Khmer, Quản trị kinh doanh, Kinh tế, Luật, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Thạc sĩ Quản lý kinh tế, Công nghệ thông tin. Nhiều năm liền, trường được Tổ chức UI GreenMetric xếp hạng tốp 200 trường ÐH xanh bền vững, thân thiện với môi trường. Liên minh các trường ÐH thế giới - World’s Universities with Real Impact (WURI) công bố Trường ÐH Trà Vinh xếp hạng 62 trong tốp 100 của WURI Ranking 2022 trường có ảnh hưởng và đóng góp tích cực cho xã hội. Trường mở rộng hợp tác với hơn 90 đối tác, viện, trường quốc tế trên nhiều lĩnh vực: hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên, tình nguyện viên, chuyên gia quốc tế; hợp tác triển khai các dự án tài trợ, nghiên cứu ứng dụng, xúc tiến nhiều dự án liên quan đến tài trợ học bổng ngắn hạn, dài hạn cho giảng viên, sinh viên; phát triển Lab - không gian sáng chế cho sinh viên, giảng viên, liên kết đào tạo quốc tế.

Hiện Trường ÐH Trà Vinh còn là thành viên của tổ chức CDIO - tổ chức đề xướng khuôn khổ giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường ÐH khối các ngành kỹ thuật trên toàn thế giới. Là thành viên thứ 151 của Hiệp hội cao đẳng Cộng đồng Canada, nay là Hiệp hội các Trường ÐH và Học viện Canada (CICan).

* Thời gian tới trường sẽ tập trung các mục tiêu nào, thưa tiến sĩ?

- Nhà trường tiếp tục kiên trì mục tiêu hướng về cộng đồng, xây dựng một trường đại học xanh, thông minh, là nơi gieo mầm ý tưởng mới trong nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp “START UP”. Tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa sinh viên, nhà trường với doanh nghiệp; chú trọng đẩy mạnh đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, các hoạt động phục vụ cộng đồng và khởi nghiệp sinh viên gắn với việc làm sinh viên.

Trường tạo lập một hệ sinh thái học tập - nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động phục vụ cộng đồng, trách nhiệm với xã hội để tiếp tục khẳng định chất lượng đào tạo, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho sứ mệnh “Mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng”. Ðồng thời, tạo ra chuỗi các giá trị cốt lõi “Tận tâm - Minh bạch - Sáng tạo - Thân thiện” vì cộng đồng.

Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh tự học tại thư viện. Ảnh: B.NG

* Xin tiến sĩ cho biết giáo dục ÐH cần có những định hướng gì để thực hiện tự chủ hiệu quả hơn?

- Trong bối cảnh các trường tự chủ, mức học phí sẽ gia tăng và nhà nước giảm dần bao cấp cho hệ thống giáo dục ÐH. Do đó, giáo dục ÐH cần đẩy mạnh theo hướng chia sẻ, giúp giảm học phí và đặc biệt là mang tính nhân văn khi giúp sinh viên tiết kiệm chi phí, thời gian. Sinh viên có thể học môn học của mình ở bất kỳ các trường cùng hệ thống; các cơ sở giáo dục ÐH có thể chia sẻ nguồn lực, cơ sở dữ liệu, phòng thí nghiệm,…

Ðể có thể chia sẻ, kết nối thì giữa các cơ sở giáo dục ÐH, trước hết và quan trọng nhất, là có nhận thức chung về lợi ích của mối quan hệ chia sẻ, hợp tác. Sau đó, hình thành các đặc điểm trong chương trình đào tạo, nghiên cứu có những điểm chung nhất định để tạo thuận lợi về mặt kỹ thuật khi kết nối. Bên cạnh các yếu tố bên trong thuộc về cơ sở giáo dục ÐH, thì thể chế cũng cần tạo ra môi trường thuận lợi và khuyến khích chia sẻ. Cụ thể, các trường cần phát triển các cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến đến tích hợp vào các chương trình đào tạo của các trường, nhưng trên tinh thần phát huy tính tự chủ của các trường. Các trường có thể chủ động hợp tác song phương hoặc đa phương; hoặc trong các tổ chức, hiệp hội để công nhận các tín chỉ đào tạo lẫn nhau tiến đến phát triển các chương trình chuyển tiếp, phối hợp hình thành các tổ chức hợp tác nghiên cứu khoa học và xúc tiến dự án.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!l

Chia sẻ bài viết