26/01/2015 - 20:37

Mandy Harvey- cô gái khiếm thính hát

Bước ra sân khấu, Mandy Harvey cất giọng hát ngọt ngào, trong trẻo bằng cả trái tim, đam mê. Những giai điệu jazz, blues khiến khán phòng im ắng lạ kỳ. Khán giả lắng nghe như mê hoặc, rồi tiếng vỗ tay vỡ òa khi bài hát kết thúc. Mandy Harvey mỉm cười vì biết rằng mình vừa mang đến màn trình diễn thành công. Cô gái 27 tuổi này đã mất hoàn toàn thính lực từ thời đại học và chỉ một số ít khán giả bên dưới biết điều đó.

 

Nhìn cách Mandy Harvey hát, vỗ tay theo những điệu nhạc của các nhạc công saxophone, bass và piano… đúng nhịp và rất thuần thục, đầy cảm xúc, khó ai có thể tin cô bị khiếm thính. “Tôi may mắn được nghe và thấy màn trình diễn đầy ngạc nhiên của Mandy Harvey. Ngoài giọng hát trong trẻo như pha lê, giàu cảm xúc, cô ấy còn là người dễ mến, thân thiện. Tôi càng nể phục khi biết về căn bệnh của cô ấy”, một khán giả chia sẻ cảm xúc khi xem Mandy Harvey trình diễn tại Nashville (Mỹ).

Cách đây 8 năm, Mandy Harvey mất hoàn toàn thính lực khi cô còn là sinh viên âm nhạc trường Đại học bang Colorado. Từ nhỏ, một tai nạn đã làm ảnh hưởng đến đôi tai của Mandy Harvey và nó trở nên nghiêm trọng hơn khi cô học năm nhất đại học. Mandy Harvey không qua được bài kiểm tra nghe và cô không còn nghe được bất kỳ âm thanh nào nữa tại lớp học lý thuyết âm nhạc. Mandy Harvey chạy ra khỏi giảng đường với những giọt nước mắt. Đó là cú sốc lớn với Mandy Harvey- cô gái có tài năng và ước mơ trở thành ca sĩ. Trong những tháng ngày đối diện với căn bệnh, Mandy Harvey nhiều lần thất vọng hỏi cha: “Tại sao Chúa cho con món quà nhưng chỉ thời gian ngắn đã lấy nó đi?”. Cha Mandy Harvey không trả lời mà chỉ nói đó là sự khác biệt dành cho cô. Chính ông là người đưa Mandy Harvey trở lại với âm nhạc. Hằng ngày, ông bắt cô học bài hát mới và đề nghị đệm đàn cho cô hát.

Một vài người cho rằng, với căn bệnh khiếm thính Mandy Harvey nên chọn làm điều gì khác, như viết truyện, nhảy hoặc vẽ nhưng cô vẫn chọn âm nhạc. “Âm nhạc là cảm xúc của tâm hồn” - Mandy Harvey chia sẻ, đó chính là lý do cô kiên trì cùng cha tập luyện dù không thể nghe bất cứ điều gì. Mandy Harvey hát bằng trí nhớ, bằng tất cả cảm xúc và đam mê của mình. Khi Mandy Harvey hát, cha cô đã bật khóc. Cha cô đã ghi âm và gửi nó đến Cynthia Vaughn, giảng viên dạy nhạc của Mandy Harvey ở trường đại học. Khi nghe, Cynthia Vaughn phải bật thốt lên: “Mandy, cô đã làm điều đó như thế nào?”. Bản thân Mandy Harvey cũng không giải thích được: “Tôi cũng không biết, tôi chỉ muốn hát. Đó là cảm giác kỳ lạ khi hát mà không nghe thấy tiếng. Tôi chỉ thả lỏng tâm hồn và thưởng thức bài hát bằng tất cả cảm xúc”. Cynthia Vaughn đã đưa Mandy Harvey đến gặp nghệ sĩ piano Mark Sloniker- người sau này giúp Mandy Harvey nổi tiếng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mandy Harvey đã ra mắt ba album: “Smile” (2009), “After You’re Gone” (2010) và “All Of Me” (2014). Mandy Harvey vẫn thích trình diễn trên sân khấu và cô ấy không hề cho khán giả biết mình mất thính giác. Mandy Harvey chia sẻ muốn được biết đến là ca sĩ nhạc jazz chứ không phải là người bị khiếm thính: “Tôi không biết rồi chuyện gì sẽ đến. Tôi có thể không còn nhớ nữa, thậm chí mất khả năng hát. Nhưng ngay lúc này đây âm nhạc là cuộc sống của tôi”.

ÁI LAM

(Tổng hợp từ Latimes, Dailycamera)

 

Chia sẻ bài viết