Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và 2 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng vừa chủ trì cuộc họp Tổ giúp việc về tham mưu xây dựng Đề án hợp nhất, sáp nhập 3 tỉnh, thành và sắp xếp tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn sau hợp nhất, sáp nhập. Tại cuộc họp, Tổ giúp việc đã triển khai một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị sáp nhập 3 tỉnh, thành; đồng thời thảo luận, đề xuất sắp xếp tổ chức, bộ máy đối với chính quyền 2 cấp, đảm bảo tiến độ đề ra và không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực công tác.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại cuộc họp Tổ giúp việc về tham mưu xây dựng Đề án hợp nhất, sáp nhập TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng và sắp xếp tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn sau hợp nhất, sáp nhập.
Ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết theo kế hoạch, Tổ giúp việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ gồm: xây dựng đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy khi hợp nhất, sáp nhập TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cụ thể, đối với cơ quan chuyên môn, Tổ giúp việc tập trung xây dựng đề án thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn; xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập.
Các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về dự kiến phương án sắp xếp, tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ công. Cụ thể, đối với lĩnh vực giáo dục: giữ nguyên các trường học THCS, tiểu học, mầm non, chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý. Đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, dự kiến chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ công theo khu vực liên xã, phường. Đối với trạm y tế, các thành viên Tổ giúp việc thống nhất đề xuất thành lập mỗi xã 1 trạm y tế, như vậy sau khi sáp nhập, TP Cần Thơ (mới) có tổng số 103 trạm y tế cấp xã (dôi dư 160 trạm y tế). Hầu hết các trạm y tế này đều đã được đầu tư, nâng cấp khang trang, do đó, lãnh đạo các địa phương đề nghị xem xét phương án sử dụng cơ sở vật chất trạm y tế cấp xã dôi dư làm cơ sở phụ để đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân tốt nhất. Đối với các trung tâm y tế thuộc UBND cấp huyện, dự kiến chuyển về Sở Y tế quản lý để sắp xếp, tổ chức cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Về phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (viết tắt là CBCCVC), ông Trần Văn Huyến, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lưu ý, với số lượng hàng ngàn CBCCVC chuyển công tác về TP Cần Thơ, vì vậy cần đảm bảo phương án bố trí bếp ăn, chỗ ở và có chính sách đưa rước CBCCVC đi lại. “Nhiều chuyên viên trẻ sẽ gặp khó khăn vì thu nhập thấp, vì vậy cần tính toán nơi ăn, chốn ở từ các tỉnh về TP Cần Thơ làm việc để anh em an tâm công tác” - ông Huyến cho biết. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng, cho biết qua khảo sát, có 30% CBCCVC mong muốn được bố trí về cấp xã làm việc để thuận lợi chăm sóc gia đình.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ghi nhận ý kiến của các thành viên Tổ giúp việc, đồng thời giao Sở Nội vụ TP Cần Thơ chủ trì, tổng hợp ý kiến và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang để hoàn thiện kế hoạch sắp xếp tổ chức, bộ máy sau hợp nhất, sáp nhập. Quá trình tổ chức lại các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp công lập cần được tiến hành bài bản, đúng chức năng nhiệm vụ, bảo đảm tính hiệu quả, tránh chồng chéo. Các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu, đề xuất, đồng thời bám sát kế hoạch đề ra, xác định rõ mốc thời gian để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Tập trung xây dựng phương án tổng thể bố trí trụ sở làm việc các cơ quan cấp tỉnh; sử dụng hiệu quả nguồn lực, tránh lãng phí và bảo đảm hoạt động thông suốt trong giai đoạn chuyển tiếp; nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ CBCCVC từ các tỉnh về TP Cần Thơ công tác. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Cần Thơ (mới) năm 2025 được Chính phủ thông qua, TP Cần Thơ (mới) có 103 xã, phường gồm 31 phường và 72 xã (giảm 160 đơn vị hành chính cấp xã). Sau khi thực hiện sáp nhập, Chính phủ chỉ đạo UBND TP Cần Thơ rà soát, thống kê, xây dựng phương án tiếp tục bố trí, sử dụng trụ sở làm việc dôi dư; thực hiện điều chuyển cho cơ quan, đơn vị khác sử dụng theo hướng: ưu tiên bố trí cho giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, trung tâm phục vụ hành chính công của đơn vị hành chính cấp xã mới; không gian công cộng phục vụ hoạt động của cộng đồng; chuyển giao cho tổ chức có chức năng kinh doanh nhà do địa phương quản lý hoặc giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật đất đai để thực hiện giao đất, cho thuê đất.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI