12/04/2010 - 21:08

Mặn tấn công "đảo dừa"

Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Bến Tre lắp đặt trạm bơm nước thô tại Thành Triệu, nhưng vẫn gặp nước mặn.

Bước vào tháng 4-2010, xâm nhập mặn tại Bến Tre chưa lắng dịu và đang tiếp tục theo các cửa sông chính đi sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng trên diện rộng đối với sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ngay thời điểm này, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các huyện phải ưu tiên hàng đầu trong giúp hộ dân khắc phục mặn; đồng thời lên phương án chở nước ngọt về cung cấp, phục vụ sinh hoạt của người dân vùng bị ảnh hưởng.

Thiếu nước sản xuất và sinh hoạt

Theo kết quả đo đạc của ngành chức năng, đầu tháng 4-2010, trên sông Hàm Luông, tại Mỹ Hóa (TP Bến Tre) độ mặn đo được từ 8 – 10o/00, vàm Cái Mơn (Chợ Lách) từ 3,5-5o/00. Trên sông cửa Đại, tại Giao Hòa (Châu Thành) độ mặn từ 6 – 8o/00. Sông Cổ Chiên, độ mặn 5 – 7o/00 xâm nhập đến Thành Thới B (Mỏ Cày Nam). Đến nay, độ mặn 1,6o/00 đã phủ khắp địa bàn tỉnh Bến Tre. Đánh giá sơ bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng và làm giảm năng suất 26.900 ha cây ăn trái, 4.000 ha ca cao, 450 ha hoa màu và 500 ha lúa, 22.200 hộ dân của các huyện ven biển thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Ông Trần Văn Hoàng, quyền Trưởng phòng NN&PTNT huyện Giồng Trôm, cho biết: “Mặn từ sông Hàm Luông xâm nhập vào vàm Thủ Cửu (vàm Phước Mỹ) và sông Bến Tre chảy xuống sông Giồng Trôm. Các kênh nội đồng trên địa bàn huyện có độ mặn đo được từ 2,9 – 4,4o/00. Diện tích đất trồng lúa đã gieo sạ đang bước vào giai đoạn thu hoạch không lo ngại thiệt hại. Nhưng sự phát triển của nhiều chủng loại cây trồng đang có dấu hiệu chựng lại, trong đó cây ca cao rất mẫn cảm với nước mặn. Đối với cây lâu năm, mặn không gây thiệt hại trước mắt, nhưng năng suất cứ giảm dần và phải một thời gian sau sẽ kết thúc sự sống”. Theo ông, năm nay mặn diễn ra gay gắt hơn những năm trước và thiệt hại nghiêm trọng là điều không tránh khỏi.

Tại huyện Bình Đại, hàng chục héc-ta đất trồng lúa và hoa màu của người dân thuộc tiểu vùng I bị thiệt hại nặng nề. Thêm vào đó, nước sinh hoạt đang là vấn đề nóng bỏng ở đây. Những hộ dân sống ở đất giồng cát phải khai thác nước ngọt từ tầng đất nông để cung cấp cho nhân dân ven biển. Hiện đang vào cao điểm mặn, kết hợp nắng nóng, nên nước ngọt khai thác không đáp ứng nhu cầu và đã xảy ra tình trạng tranh giành từng xe nước. Những hộ nằm trên trục lộ chính của huyện hoặc gần nơi cung cấp nước đã chặn xe chở nước và đưa giá cao để có nước ngay. Còn các hộ nằm sâu phía trong phải đăng ký trước vài ngày mới có; hiện xe chở một bồn hơn một khối nước, giá thấp nhất cũng phải 50.000 đồng. Còn ở huyện Thạnh Phú, ngay vùng ngọt hóa thuộc dự án 418 của huyện vẫn phải sống chung với mặn, do các cống và đê bao ven sông Hàm Luông xuống cấp trầm trọng. Trong 3.500 ha đất trồng lúa vùng dự án ngọt hóa, nhưng chỉ gieo sạ được 75 ha ở vụ đông xuân, độ mặn đỉnh điểm lên đến 25o/00 gây thiệt hại 300 ha đất nuôi tôm- lúa.

Ông Bùi Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, nói: “Hiện tại, 7 nhà máy cung cấp nước sinh hoạt đã nhiễm mặn 2-5o/00. Duy nhất còn nhà máy nước tại thị trấn Thạnh Phú còn cung cấp nước ngọt, do huyện đã bỏ kinh phí hơn 100 triệu đồng ngăn mặn xâm nhập”. Tình trạng khan hiếm nước ngọt và người dân phải trả giá cao để có nước sinh hoạt đang trở nên trầm trọng hơn khi phần lớn các nhà máy cung cấp nước ngọt cũng bị nhiễm mặn! Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đang quản lý 51 nhà máy, phục vụ nước sinh hoạt hơn 25.000 hộ dân, nhưng nước của nhiều nhà máy hiện đã bị nhiễm mặn. Ngay nhà máy Tân Mỹ lấy nước từ cống đập Ba Lai cũng nhiễm mặn 0,9o/00.

Tiềm ẩn những nguy cơ

Theo dự báo của ngành chuyên môn, mùa khô còn kéo dài hơn 1,5 tháng nữa và mặn diễn biến phức tạp, các nhà máy ở huyện ven biển này phải cung cấp nước mặn cho khách hàng. Còn Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Bến Tre, nằm ở vị trí thuận lợi và cung cấp nước ngọt phần lớn cho nhân dân đô thị. Ông Phạm Chí Vũ, Giám đốc Công ty cho biết: “Cuối năm 2009, đơn vị đã có phương án chống mặn, nhưng vẫn trở tay không kịp. Công ty lắp đặt trạm bơm nước thô tại Thành Triệu, cách nhà máy nước Sơn Đông 10 km, nhưng vẫn phải lấy nước mặn. Nhà máy nước ngầm Hữu Định chỉ khai thác công suất 8.000m3/ngày đêm và phải ưu tiên phục vụ cho khu công nghiệp Giao Long, số còn lại không đủ hòa vào nước của nhà máy Sơn Đông để kéo giảm độ mặn”. Theo ông Vũ, hiện Công ty đang nghĩ đến phương án hợp đồng sà lan chở nước ngọt về tại nhà máy đường ở khu công nghiệp An Hiệp để cung cấp cho công ty, nhưng giá thành rất cao, đến 26.000 đồng m3.

Chuẩn bị vào mùa khô, huyện Ba Tri đã có kế hoạch ứng phó với mặn, thông qua việc rà soát hệ thống cống, đê bao ngăn mặn và nạo vét kênh nội đồng. So với các huyện khác, Ba Tri chưa vào cao điểm ảnh hưởng gay gắt từ mặn, nhưng nếu mặn kéo dài, nước trong kênh nội đồng cạn dần và khi bước vào mùa mưa sẽ gây xì phèn làm ảnh hưởng vụ lúa hè thu. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đang lấy nước trực tiếp từ các kênh nội đồng đưa vào phục vụ sinh hoạt, nên dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Còn hai huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc mật độ chăn nuôi khá dày, nếu không quản lý chất thải, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cũng rất cao.

Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nói: “Tỉnh và các huyện đều ban hành nhiều công văn liên quan đến chủ động đối phó với mặn, nhưng đến thời điểm này vẫn không giúp dân có nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Đây là khuyết điểm lớn cần rút kinh nghiệm. Ngay thời điểm này, một số đơn vị đề xuất hỗ trợ dụng cụ trữ nước ngọt cho nhân dân có điều kiện khó khăn là không căn cơ. Lẽ ra việc này phải triển khai ngay trong mùa mưa năm 2009. Do vậy, trước mắt, các địa phương rà soát lại tất cả hệ thống kênh mương, nơi nào chưa nhiễm mặn cần tiến hành làm đê bao cục bộ để nhân dân có nước ngọt phục vụ sinh hoạt, bơm tưới cho cây trồng, chăn nuôi. Tỉnh chỉ hỗ trợ những hộ dân thật sự khó khăn. Trong thời gian chờ Chính phủ đầu tư các dự án lớn, tỉnh và huyện sẽ căn cứ điều kiện thực tế có giải pháp giúp nhân dân”. Theo ông Trọng, tỉnh đã chỉ đạo các huyện phải ưu tiên hàng đầu trong giúp hộ dân khắc phục mặn và cũng đã nghĩ đến việc chở nước ngọt về cung cấp, phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Mặt khác, từng huyện phải tính toán phương án hỗ trợ nhân dân khắc phục mặn, vận động các dịch vụ cung cấp nước để ưu tiên phục vụ nhân dân. Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với các địa phương phòng chống dịch bệnh, không đợi khi xảy ra dịch bệnh mới tiến hành hỗ trợ nhân dân. Song song đó, các sở, ngành cũng phải quan tâm đến dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, các huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo ý thức trong nhân dân vê việc “sống chung với mặn”. Trong đó, những địa phương bị ảnh hưởng mặn gay gắt phải tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng thích nghi với mặn. Còn việc mời gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy cung cấp nước sinh hoạt phải nghĩ đến lợi ích hai bên. Trên thực tế, ở vùng sâu vùng xa, doanh nghiệp đầu tư nhà máy hiện chỉ phục vụ nhân dân trong mùa nắng, còn mùa mưa, đa phần hộ dân không sử dụng nước nhà máy. Điều này làm cho doanh nghiệp rất cân nhắc khi đầu tư và khi đầu tư thì hệ thống không hoàn chỉnh, công nghệ lạc hậu, nếu mặn lấn sâu vào nội đồng thì nhà máy trở tay không kịp. Do vậy, để đảm bảo chủ động nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của tỉnh, ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, về lâu dài, tỉnh sẽ xúc tiến đầu tư các dự án ngăn mặn xâm nhập.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Bến Tre lắp đặt trạm bơm nước thô tại Thành Triệu, nhưng vẫn gN

Chia sẻ bài viết