18/11/2010 - 08:40

KỲ HỌP THỨ 8 QUỐC HỘI KHÓA XII

Luật phải bảo đảm cho hợp tác xã phát triển bền vững

* Quốc hội thông qua 2 Luật và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2010

(TTXVN)- Sáng 17-11, thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đa số các đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa được chuẩn bị chu đáo, còn dài dòng và chưa giải quyết triệt để những bất cập hiện đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của khu vực hợp tác xã.

Các đại biểu cho rằng các quy định của dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ và khẳng định được bản chất, tính đặc thù của hợp tác xã trong tương quan với các loại hình doanh nghiệp khác cũng như chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp và chế tài xử lý các hành vi vi phạm, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển nhưng không sai lệch bản chất. Nhiều quy định trong dự thảo Luật còn rất chung chung, khó áp dụng, một số quy định chưa dựa trên việc xem xét, cân nhắc kỹ tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của các hợp tác xã đang tồn tại, nếu áp dụng sẽ lại gây ra những khó khăn cho sự phát triển khu vực hợp tác xã.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) khẳng định cần làm rõ khái niệm hợp tác xã để có sự phân loại rõ ràng. Chỉ những hợp tác xã làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho nông dân mới được hưởng chính sách ưu đãi, còn các hợp tác xã hoạt động cung cấp dịch vụ công cộng ra bên ngoài thì không được hưởng các chính sách này. Hiện có nhiều loại hình hợp tác xã không chỉ bỏ vốn chung, cung cấp dịch vụ cho các xã viên mà còn cung cấp dịch vụ ra bên ngoài, cũng là một hình thức kinh doanh có lợi nhuận, do vậy rất cần được phân loại rõ ràng. Đăng ký hợp tác xã nhưng hoạt động dưới dạng doanh nghiệp là không được, phải hoạt động theo Luật doanh nghiệp - đại biểu Chu Sơn Hà thẳng thắn.

Về việc dự thảo Luật bổ sung việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân vào phạm vi điều chỉnh. Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế nhận thấy quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Luật hợp tác xã.

Các đại biểu cũng cho rằng Luật nên quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, để tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển; đồng thời quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, các cấp chính quyền, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát pháp luật về hoạt động của hợp tác xã. Nhiều đại biểu không đồng tình với việc thành lập quỹ tín dụng nằm trong hợp tác xã và cho hợp tác xã thành lập công ty. Đại biểu Nguyễn Tiến Quân đề nghị xem lại điều khoản về việc rút vốn khỏi hợp tác xã bởi nếu theo quy định này thì sẽ là bước thụt lùi, không khuyến khích được ai tham gia hợp tác xã.

* Chiều 17-11, Quốc hội họp tại Hội trường, thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật khoáng sản (sửa đổi) và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Với 82,35% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Luật quy định rõ: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa; niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa. Tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa; cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành; thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch. Luật cũng quy định Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có đủ các điều kiện: Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.

79,31% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Luật Khoáng sản (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ 1-7-2011. Theo Luật, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua hình thức đấu giá hoặc không đấu giá. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản. Chính phủ sẽ quy định cụ thể phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Luật cũng quy định rõ các hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm: Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản; ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản không thuộc các trường hợp trên.

83,16% số đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011. Theo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội, Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nếu có). Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Chia sẻ bài viết