24/09/2017 - 11:02

Luân Đôn cần giai đoạn chuyển tiếp 2 năm cho Brexit 

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Anh từ AA1 xuống AA2 khi cho biết Brexit đang làm tổn thương triển vọng tăng trưởng trung hạn của nước này. Thông tin này được công bố chỉ vài giờ sau bài diễn văn của bà May tại Ý.

Ảnh: Getty Images

Theo đề nghị của Thủ tướng Anh Theresa May (ảnh), tiến trình đầy đủ để nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit sẽ tạm dừng cho đến năm 2021. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Vương quốc Anh sẽ tuân thủ các quy định của EU đổi lấy quyền tiếp cận toàn diện khối thị trường chung châu Âu.

Mở đầu bài phát biểu quan trọng tại thành phố Florence (Ý), Thủ tướng May cho biết Brexit là “thời điểm quan trọng” trong mối quan hệ giữa Luân Đôn và Brussels. Theo kế hoạch, nước Anh sẽ rời liên minh vào tháng 3-2019. Nhưng tiến trình đàm phán đến nay vẫn bế tắc do mâu thuẫn trong “thỏa thuận ly hôn”, theo đó, phía Anh muốn ưu tiên đàm phán các điều khoản trong mối quan hệ mới với liên minh trong khi Brussels ngược lại yêu cầu Luân Đôn trước tiên phải có biện pháp giải quyết vấn đề chi phí Brexit, biên giới với thành viên EU Ireland và bảo vệ quyền của công dân EU tại Anh.

Trong nỗ lực phá vỡ bế tắc, Thủ tướng May hôm 22-9 khẳng định Chính phủ Anh sẽ tôn trọng các cam kết với EU như khi vẫn là thành viên của khối để tránh tạo ra “bất an” đối với các quốc gia còn lại. Theo đó, bà May cho biết Luân Đôn sau khi rời khỏi liên minh vào tháng 3-2019 vẫn nộp ngân sách EU cho đến khi giai đoạn chuyển đổi kết thúc vào năm 2021. Theo BBC, con số này ước tính khoảng 20 tỉ euro. Bài phát biểu của bà May còn nhấn mạnh Luân Đôn sẽ giữ vững cam kết an ninh châu Âu “vô điều kiện” cũng như chịu sự phán quyết của Tòa án Tối cao châu Âu. Đặc biệt, Chính phủ Anh cũng cho phép người nhập cư EU tiếp tục sống và làm việc tại nước này bằng cách đăng ký với các cơ quan chức năng. Về thương mại, bà May hy vọng có thể xây dựng quan hệ đối tác kinh tế một cách “toàn diện và đầy tham vọng” với EU trong dài hạn.

Bài phát biểu của Thủ tướng Anh nhận được sự ủng hộ từ trưởng phái đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier và các quan chức liên quan. Theo ông Barnier, nhượng bộ của bà May đối với tình trạng công dân EU là một bước tiến đáng kể, thể hiện Thủ tướng đã sẵn sàng cho quá trình đàm phán sắp tới. Song, ông Barnier nhấn mạnh EU mong muốn tiếp cận lộ trình Brexit một cách chính xác trong cuộc gặp với người đồng nhiệm Anh vào đầu tuần sau. Theo Guardian, các doanh nghiệp cũng ủng hộ bài phát biểu mang tính xây dựng của Thủ tướng May nhưng đa số đều cho rằng quá trình chuyển tiếp nên kéo dài ít nhất là 3 năm kể từ ngày Anh chính thức rời khối thay vì 2 năm như đề xuất.

MAI QUYÊN 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Brexit