04/05/2014 - 21:08

Luân canh trên đất lúa - cây trồng nào hiệu quả?

Hiện nay, nông dân có thể chọn lựa chuyển đổi cây trồng phù hợp trên những vùng đất lúa kém hiệu quả nhằm tạo sản phẩm có giá trị gia tăng, lợi tức trên đơn vị diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho gia đình. Khởi đầu từ vụ đông xuân năm nay, trên vùng đất phù sa ngọt dọc theo sông Tiền, sông Hậu các mô hình trồng bắp, đậu, rau màu đang được nhân rộng.

Tìm hướng đi mới

Anh Trần Ngọc Mánh, nông dân ở xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang) có 5 ha đất lúa. Nhưng sau nhiều năm canh tác lúa nhận thấy lợi nhuận khó gia tăng nên anh phân chia ra 1,8 ha đất trồng bắp lai và nhiều loại rau màu. Qua nhiều năm anh đúc kết dựa trên mức thu từ trồng lúa làm chuẩn, với giá lúa 4.100-4.200 đồng/kg sau khi trừ chi phí lãi khoảng 1,8-2 triệu đồng/công, nếu giá lúa 5.000 đồng/kg sẽ có lãi trên 2 triệu đồng/công. Còn trồng bắp lai, cuối vụ bán được giá 4.500-5.000 đồng/kg mức lãi có thể thu đạt 2,5-3 triệu đồng/công. Bắp lai lợi nhuận cao hơn lúa và tiêu thụ khá ổn định. Trong khi trồng rau màu lợi nhuận sẽ tăng cao hơn rất nhiều, nhưng thị trường tiêu thụ bấp bênh. Đậu xanh năng suất bình quân 300 kg/công, trừ chi phí 2 triệu đồng/công, nếu bán giá 24.000 đồng/kg, lãi 5 triệu đồng/công. Trồng củ sắn chi phí 6 triệu đồng/công, năng suất bình quân 16 tấn/công, giá bán dao động từ 1.000-4.000 đồng/ký, lãi khoảng 10 triệu đồng/công...

Trồng bắp lai trên đất lúa kém hiệu quả tại huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Nông dân Võ Hoàng Lượm ở ấp An Khánh, xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) trồng 15 công bắp lai, cho rằng: Đất vùng này cao, bị treo nước nên canh tác lúa không thuận lợi. Ấp An Khánh hiện có hơn 40 hộ dân chuyên trồng bắp lai và ớt luân canh. Có người không đất đi thuê đất 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/công/năm làm đến cuối năm vẫn có lãi. Tuy nhiên, cũng như các loại cây trồng khác, bắp lai cần thị trường tiêu thụ ổn định. Năm 2013, vào vụ thu hoạch thương lái mua 4.200 đồng/kg, nhưng đầu năm 2014 đến nay bắp giảm giá còn 3.700 đồng/kg. Nông dân trồng bắp lai còn phụ thuộc vào thương lái và chưa có doanh nghiệp thu mua trực tiếp.

Hiện nay, An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL dẫn đầu diện tích trồng bắp, khu vực tập trung nhiều nhất ở vùng đầu nguồn sông Hậu và các cù lao thuộc huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Từ năm 2010, An Giang đã có hơn 9.700 ha bắp, trong đó nông dân trồng nhiều giống bắp lai. Đặc biệt trong 2 năm qua (2012-2013) diện tích bắp tiếp tục tăng lên 10.400-10.700 ha. Do điều kiện đất phù sa tốt, dọc theo triền sông lại không ngập úng nên cây bắp xanh tốt, có thể trồng thuận lợi 2 vụ đông xuân và hè thu. Tiếp tục thực hiện theo chủ trương Chính phủ khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang đang thực hiện nhiều mô hình chọn lựa giống bắp lai cho năng suất, hiệu quả cao và tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân.

Vẫn còn trở ngại

Năm 2012, Sở NN&PTNT Bạc Liêu rà soát lại trên tổng diện tích đất canh tác 86.296 ha toàn tỉnh có 2.630 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, chiếm 1,47% diện tích đất gieo trồng. Dự kiến đến năm 2020 đất có khả năng chuyển đổi ở Bạc Liêu tăng lên 6.854 ha theo cơ cấu 1 vụ lúa - 1 vụ màu; 1 vụ lúa 2 vụ màu và 2 vụ lúa - 1 vụ màu. Theo kết quả một số mô hình chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao có khả năng mở rộng như: 1 vụ lúa - 1 vụ dưa hấu cho lợi nhuận 38,6 triệu đồng/ha, trong đó lúa hơn 7,9 triệu đồng/ha, dưa hấu đạt trên 30,5 triệu đồng/ha. Mô hình 1 vụ lúa - 2 vụ màu đạt lợi nhuận 76,7 triệu đồng/ha, trong đó lúa hè thu hơn 3,3 triệu đồng/ha, dưa hấu 44,7 triệu đồng/ha và bí đỏ 28,7 triệu đồng/ha. Mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu đạt tổng lợi nhuận 56,1 triệu đồng/ha, trong đó lúa hè thu 3,2 triệu đồng/ha, lúa vụ 2 trên 8,1 triệu đồng/ha và vụ trồng dưa hấu 44,7 triệu đồng/ha.

Tại TP Cần Thơ qua khảo sát có 8.225 ha đất trồng lúa có khả năng ảnh hưởng hạn đầu vụ xuân hè và lũ cuối vụ thu đông. Nếu so sánh hiệu quả từ mô hình sản xuất 3 vụ lúa trong năm sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận trên 56,4 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ mô hình chuyển đổi lúa-mè-bắp đạt trên 74,5 triệu đồng/ha, chênh lệch hơn 18 triệu đồng/ha. Do đó, trong thời gian qua dọc theo vùng ven sông Hậu nông dân ở các quận Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Thới Lai bắt tay chuyển đổi đất lúa xuân hè kém hiệu quả sang trồng cây khác như mè, bắp, đậu. Trong đó, cây mè đang thắng thế đạt gần 5.000 ha, tăng gần 700 ha so năm 2013. Đó là do giá tiêu thụ tốt, bình quân 1 ha mè thu 1,8 tấn, trừ chi phí lãi đạt hơn 30 trệu đồng.

Tuy nhiên, cán bộ nông nghiệp các địa phương trong vùng ĐBSCL thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng cho rằng, từ mô hình mở rộng ra thực tiễn sản xuất cần đo lường khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông phẩm trên thị trường để qui hoạch vùng sản xuất, lựa chọn cây trồng; đồng thời cần có sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng có điều kiện tương đồng.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, nhận xét: Nếu có thị trường tiêu thụ tốt sẽ là yếu tố tiên quyết để nông dân lựa chọn cây trồng chuyển đổi sản xuất trên đất lúa. Kế đến là vốn. Về mặt kỹ thuật, qua các đợt tập huấn theo mô hình sản xuất mới cho thấy nông dân vẫn chưa thể thực hành được ngay. Cần có thời gian làm quen cách chăm sóc, bảo vệ thực vật cho đến cách thu hoạch nông dân mới chuyển đổi nhân rộng mô hình. Đó là chưa tính tới yếu tố đưa cơ giới hóa vào các mô hình sản xuất để gia tăng hiệu quả.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết