07/04/2011 - 14:20

Lớp học qua Skype cho học sinh vùng xa ở Ấn Độ

Santosh Kumar đang giảng bài.

Mỗi tuần một lần, Santosh Kumar cố gắng thu xếp để ngồi trước chương trình chat Skype dạy toán cho trẻ em ở Chamanpura, một ngôi làng nghèo của bang Bihar cách xa 970 km so với ngôi nhà 2 tầng của anh ở ngoại ô New Delhi. Dịch vụ Internet miễn phí cho phép lớp học xem, qua máy chiếu, bài giảng của Kumar nói đến câu chuyện sống động của một thầy tế tham lam và một nông dân lắm mưu để dạy cho các em về những con số và khái niệm của vô cực.

Kumar, một kỹ sư thành công 34 tuổi, đã lớn lên ở làng Chamanpura trước khi nỗ lực tìm được một vị trí tốt ở Viện Công nghệ Ấn Độ danh tiếng và tiếp tục có được một việc làm lương cao ở thủ đô Ấn Độ. Nhớ lại thời niên thiếu khi phải đạp xe khoảng 13 km để đến trường ở một thị trấn gần đó, Kumar cho biết, mang kiến thức đến các ngôi làng là một công việc đầy gian nan vất vả.

Chandrakant Singh, người anh em họ của Kumar và cũng là một kỹ sư thu nhập cao, trong một lần về thăm ngôi làng đã quyết định thành lập một ngôi trường cho trẻ em từ 6-12 tuổi. Đứng trước nhiều trở ngại là làng Chamanpura không có điện trong khi các giáo viên kinh nghiệm thì từ chối đến Bihar, Singh đã kêu gọi bạn bè đóng góp gây quỹ cho trường nội trú Chaitanya Gurukul. Anh đã lắp đặt 2 máy phát điện và tổ chức đào tạo cho 16 giáo viên địa phương trước khi bắt đầu thực hiện ý tưởng sử dụng Skype để kết nối học sinh với các chuyên gia khắp Ấn Độ.

Ngôi trường đã mở cửa hồi tháng 4-2010, thu nhận 500 học sinh, 50 trong số này không phải trả đồng nào, số còn lại trả học phí tùy theo khả năng của phụ huynh. Các bài giảng qua Skype diễn ra vào buổi tối sau những lớp học bình thường ban ngày và vào cuối tuần.

Kumar đã tham gia ngay từ đầu với mong muốn giúp học sinh hiểu rõ hơn những gì chúng đã học trên lớp. Kumar kể lại nhiều học sinh trước đó chưa từng thấy máy tính, một số em rất tò mò, một số khác thì e dè. Hiện nay, máy tính đã giống như chiếc TV đối với các em, nó làm các em thích thú và hy vọng học được điều gì đó.

Anmol Kumar Jaiswal, 11 tuổi, trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP qua Skype, rằng đây là cách dạy học rất khác lạ, nó giúp em nhớ những gì đã học tốt hơn là chỉ đọc chữ. Pragya Parashar, nữ sinh 12 tuổi ngồi sau Jaiswal, gật đầu đồng tình. Em cho biết, em rất thích các bài giảng này, nó giúp em hiểu rõ hơn, và em cũng muốn trở thành kỹ sư giống thầy giáo của em.

Lê Phi (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết