Nạo vét luồng Định An đã và đang là nhu cầu bức xúc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL. Thời gian qua, việc nạo vét luồng tàu ở khu vực cửa biển Định An để khai thông lối vào các cảng trên sông Hậu chưa thật hiệu quả vì nguồn vốn đầu tư chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Giờ đây, đã có nhà đầu tư đề xuất nguyện vọng thực hiện việc nạo vét cửa biển Định An theo phương thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Đây là tín hiệu khả quan trong việc khai thông cánh cổng hàng hải quốc tế của vùng ĐBSCL.
“MẮC CẠN” GIỮA VÙNG SÔNG NƯỚC
Thời gian qua, trung bình mỗi năm ĐBSCL xuất - nhập khẩu từ 9 đến 12 triệu tấn hàng hóa bằng đường biển. Trong đó, lượng hàng hóa được xuất khẩu từ các cảng trong vùng chỉ chiếm khoảng 30%; sản lượng hàng hóa còn lại phải mất nhiều thời gian trung chuyển về các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu với chi phí tăng thêm 7-10 USD/tấn. Quá trình trung chuyển về TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu đã làm giảm chất lượng hàng hóa, nhất là hàng nông sản so với xuất khẩu tại chỗ. Mặt khác, việc trung chuyển hàng hóa về TP Hồ Chí Minh còn góp phần làm gia tăng tình trạng quá tải trong lưu thông đường bộ trên tuyến quốc lộ 1A, đường thủy nội địa ở khu vực kênh Chợ Gạo (Tiền Giang).
 |
Giải phóng hàng hóa nhanh tại Cảng Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN |
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do cửa biển Định An-cửa ngõ hàng hải quốc tế của khu vực ĐBSCL - thường xuyên bị bồi lắng nhưng chưa được xử lý thấu đáo. Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng bùn cát bồi lắng hàng năm tại cửa biển Định An lên đến khoảng 1 triệu mét khối, nhưng khối lượng nạo vét hàng năm rất thấp. Giai đoạn 1997-2007, dù kinh phí đầu tư cho việc nạo vét cửa biển Định An vào năm 2001 đạt mức cao nhất là 11,1 tỉ đồng nhưng khối lượng nạo vét đạt chưa đến 600.000 mét khối. Riêng năm 2007, kinh phí dành cho việc nạo vét cửa biển Định An là 2 tỉ đồng, chỉ đủ chi phí để điều động tàu cuốc (tàu hút bụng) từ Hải Phòng ra-vào Định An. Do đó, việc nạo vét cửa biển Định An trong năm 2007 được thực hiện bằng xáng cạp với khối lượng khoảng 53.000 tấn. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, Hội đồng Chính sách khoa học công nghệ Quốc gia-trung tâm Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, nói: “Nếu cửa biển Định An được nạo vét một cách căn cơ thì chúng ta sẽ có được một luồng ổn định cho tàu biển có tải trọng lớn ra-vào sông Hậu. Tuy nhiên, chuyện nạo vét cửa biển Định An trong thời gian qua được thực hiện mỗi năm một ít theo kiểu “cọp ăn bù mắt”, nên cửa biển này tiếp tục bị cạn sau khi được nạo vét 1 hoặc 2 tháng”.
GIẢI PHÁP THÁO GỠ
Trong khuôn khổ Hội thảo “Giải pháp cho tàu trọng tải lớn vào luồng Định An giai đoạn 2008-2015” diễn ra tại TP Cần Thơ hồi cuối tháng 5 vừa qua, các nhà khoa học và những người làm công tác quản lý ở vùng ĐBSCL cùng nhận định: Từ cuối năm 2005, Chính phủ đã có giải pháp chỉnh trị cửa biển Định An để khai thông luồng tàu ra-vào sông Hậu. Tuy nhiên, đến nay các giải pháp trên vẫn chưa được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Ngày 26-12-2005, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 344/2005/QĐ-TTg về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Trong phần kế hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn đến năm 2010, Quyết định trên nêu rõ: “Đường biển: cải tạo luồng Định An cho tàu 10.000 DWT-20.000DWT, hoàn thành trước năm 2010. Trước mắt tiến hành nạo vét duy tu hàng năm với mức độ chạy tàu hạn chế có lợi dụng thủy triều cho tàu đến 5.000 tấn - 10.000 tấn, xây dựng luồng tàu mới qua kênh Quan Chánh Bố để các tàu có trọng tải tới 20.000 DWT ra vào sông Hậu...”.
Từ nhu cầu bức xúc của vùng ĐBSCL và căn cứ pháp lý nói trên, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân và Trung tướng Lưu Phước Lượng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đã thống nhất kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục duy trì việc nạo vét cửa biển Định An bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như ngân sách nhà nước, kêu gọi liên doanh hoặc kêu gọi đầu tư theo phương thức BOT. Trung tướng Lưu Phước Lượng nói rằng, chuyện nạo vét của biển Định An không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cho vùng ĐBSCL mà còn tạo ra không gian phát triển kinh tế ở tiểu vùng hạ lưu sông Mê Công.
Tại Hội nghị phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 3-7 vừa qua, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thống nhất kiến nghị: Trong khi chờ đợi triển khai dự án đào kênh tắt Quan Chánh Bố, đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải nhanh chóng cho chủ trương nạo vét ngay cửa Định An theo phương thức BOT hoặc PPP (hợp tác Nhà nước - tư nhân: Private - Public Partnership) để tạo điều kiện phát huy cụm cảng Cần Thơ đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng.
TÍN HIỆU VUI
Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ, cho biết, dù không có chức năng lo việc khai thông cửa biển Định An nhưng ông rất vui khi tiếp một doanh nghiệp Nhật Bản đến đặt vấn đề mua cát ở cửa biển Định An với khối lượng khoảng 1 triệu mét khối/năm. Ông Tiến nói: “Nếu trữ lượng và chất lượng cát ở cửa biển Định An đáp ứng được yêu cầu của phía đối tác Nhật Bản và được sự chấp thuận chủ trương cho xuất khẩu cát của Chính phủ thì cửa biển Định An sẽ được khai thông; hàng hóa của vùng ĐBSCL sẽ có sức sống mới trên thị trường thế giới”.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ gần đây, ông Đặng Văn Hai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quang Vinh (gọi tắt là Công ty Quang Vinh) đã chính thức đề xuất nguyện vọng được đầu tư nạo vét cửa biển Định An theo phương thức BOT. Theo trình bày của ông Đặng Văn Hai, Công ty Quang Vinh có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, chuyên hoạt động trong các lĩnh vực nạo vét luồng tàu, nhập khẩu cát từ Campuchia để xuất khẩu sang Singapore. Ông Đặng Văn Hai nói: “Nếu chúng tôi nhập khẩu cát từ Campuchia xuất sang Singapore qua cửa biển Định An thì giá thành (tiền mua cát, chi phí vận chuyển...) khoảng 20 USD/tấn cát. Tuy nhiên, do khu vực cửa biển Định An bị cạn, chúng tôi phải trung chuyển cát về khu vực TP Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu thì giá thành mỗi tấn cát lên đến 27,5 USD. Mặt khác, nhu cầu xuất-nhập khẩu hàng hóa ở khu vực ĐBSCL đang tăng nhanh theo đà tăng trưởng kinh tế của vùng. Do đó, chúng tôi đang rất sẵn sàng thực hiện dự án nạo vét cửa biển Định An theo phương thức BOT, để vừa phát triển sản xuất kinh doanh của công ty đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL phát triển”.
Cùng tham dự trong buổi làm việc với Công ty Quang Vinh, một cán bộ trong ngành hàng hải nhận định: Trước những dự báo về mức nước biển sẽ dâng cao trong thời gian tới, nhiều quốc gia đang rất quan tâm đến việc đầu tư nâng cao cốt nền ở những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt. Do đó, nếu dự án nạo vét cửa biển Định An theo hình thức BOT được công bố rộng rãi sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Riêng việc Công ty Quang Vinh mong muốn được thực hiện nạo vét cửa biển Định An theo phương thức BOT là phù hợp với tinh thần Quyết định số 344/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
NHẬT CHÁNH