Tháng 1-2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 5,14 tỉ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản chính 2,71 tỉ USD, tăng 93,8%... Riêng trái cây, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 1-2024 đã đạt trên nửa tỉ USD.
Các chuyên gia tới vùng trồng ca cao tại Trà Vinh.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến, nhấn mạnh: Mỹ, Nhật Bản, EU là thị trường trọng điểm. Bộ NN&PTNT hướng tầm nhìn của các doanh nghiệp tới các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Các doanh nghiệp mong muốn thúc đẩy các hoạt động mở thị trường mới, nhiều tiềm năng ở Trung Ðông, châu Phi, trong đó có thị trường hàng hóa theo chuẩn Halal...
Trong "Báo cáo hoạt động 2023: Trao quyền cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam" do Amazon Global Selling Việt Nam vừa công bố, cho thấy tiềm năng xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới đến 2027, trong đó kịch bản thông thường, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này có thể đạt 5 tỉ USD (tương đương 124.200 tỉ đồng). Kịch bản cao, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam - nếu được hỗ trợ, tăng xuất khẩu online thì kim ngạch có thể đạt 12 tỉ USD, tức 296.300 tỉ đồng vào 2027. Amazon Global Selling đánh giá hàng Việt có cơ hội tăng xuất khẩu online khi tiêu dùng toàn cầu tiếp tục dịch chuyển từ offline sang online. Dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ, tất cả phụ thuộc giá trị (chất lượng) và sự khác biệt gắn với xu hướng thay đổi.
Trung tuần tháng 1-2024, 3 chuyên gia thuộc Hiệp hội Tư vấn doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) có buổi gặp gỡ chia sẻ với các doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao về chủ đề: "Tư duy mới trong cách mở rộng kênh bán hàng". Ông Hiroyuki Iwamatsu có cách ví von về tầm nhìn: Giống như cách các loài chim, cá, dơi hay sâu bọ… doanh nghiệp cần có tầm nhìn và nhận ra những thay đổi từ cái nhỏ nhất. Nếu doanh nghiệp chỉ nhìn, nghe được những gì trước mắt trong phạm vi hẹp mà không để ý những thay đổi, không nhận ra điểm mấu chốt những thông tin nhỏ nhất và không thể liên kết những thông tin với nhau, kể cả những thông tin nhỏ nhất luôn diễn ra hằng ngày thì sẽ khó phát triển bền vững.
Với 50 năm kinh doanh quốc tế tại Công ty Mitsuibusan, từng làm việc tại Indonesia 8 năm và là cố vấn cho Jetro trong hỗ trợ SMEs, ông Hiroyuki Iwamatsu chia sẻ: "Việt Nam còn nhiều nhân tố phát triển, trong đó quan trọng nhất là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng mảng này còn yếu. Ngược lại phía Nhật Bản mạnh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng lại gặp vấn đề là thế hệ kế thừa rất ít và khó tìm. Hiện nay có khoảng 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản nắm giữ phần lớn các kỹ thuật mới, kỹ thuật ưu việt, nhưng họ không có người kế thừa. Liên kết giữa doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam là hướng nhìn cần thiết và phải thúc đẩy từ bây giờ. Trong đó, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thị trường, kết nối chuyên gia về công nghệ, kỹ thuật, bán hàng".
Ông Hiroaki Katsukawa, đại diện K-Consulting, Cựu Giám đốc Phát triển Hệ thống thông tin và Giám đốc Kinh doanh SI tại IBM - Phụ trách ngành tư vấn tại khu vực châu Á, nói rằng một khi hàng hóa có chất lượng tốt, kinh doanh với bất kỳ đối tác nào, thị trường nào đi nữa cũng được đón nhận. Nó còn có ý nghĩa cho việc phát triển những sản phẩm mới trong tương lai lâu dài và bền vững hơn rất nhiều. Riêng ông Fujio Takagi, Cựu Giám đốc Kế toán và Giám đốc Kế hoạch Doanh nghiệp tại DentsuSoken, đưa ra lời khuyên: Trong bất kỳ lĩnh vực nào, các SMEs luôn phải giữ đạo đức kinh doanh, có được nền tảng đó doanh nghiệp sẽ hiểu rõ đối tác, hiểu rõ thị trường của mình và có cách ứng xử, xử lý phù hợp với từng tình huống.
"Làm việc với đối tác Nhật Bản, uy tín trong lời nói và sự nghiêm túc trong công việc; quan trọng nhất là giữ đúng tính nguyên tắc và nhờ đó mà NaMilux hợp tác Asahi Seisakusho thành công hơn 22 năm qua", bà Nguyễn Thị Thanh Diệu, Giám đốc điều hành Công ty NaMilux chia sẻ: Yếu tố cốt lõi nhất là mình phải thực sự nghiêm túc, bảo đảm chất lượng. Từ khi hợp tác với Nhật Bản, NaMilux đã nhận được sự hỗ trợ nhiều về công nghệ để sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Ở miền Tây, Viện Nghiên cứu phát triển ÐBSCL, Hợp tác xã Tấn Ðạt (Vĩnh Long) có cuộc trao đổi với các chuyên gia Nhật Bản về aigamo - chú vịt robot ứng dụng trong đồng ruộng; cuộc tiếp xúc với Hợp tác xã Tấn Ðạt, Cacao Mekong (Trà Vinh) - cả 3 chuyên gia dành nhiều thời gian tìm hiểu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm và cách định vị thương hiệu trên thị trường. Giá trị ấy mang lại sự hài lòng cho người sản xuất như thế nào? Và tất nhiên, chất lượng sản phẩm được đặt vào đúng vị trí trung tâm của câu chuyện.
Những nguyên liệu như hạt cacao cần quan tâm - có khi là chi tiết rất nhỏ nhưng hết sức quan trọng như phân chim khi phơi ngoài trời; những dòng gạo "huyền mễ" được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của USDA, EU, Canada và Organic JAS tốt rồi, nhưng còn phải cho người dùng biết nó ngon vượt trội như thế nào. Lời khuyên của ông Hiroyuki Iwamatsu, Hiroaki Katsukawa và Fujio Takagi: Ðừng bỏ sót thông tin thay đổi diễn ra hàng ngày - phải tập hợp chúng lại thành dữ liệu - hướng tầm nhìn tới tương lai bền vững hơn.
Bài, ảnh: CHÂU LAN