01/07/2019 - 10:02

Lợi ích từ hóa đơn điện tử 

Theo Cục Thuế TP Cần Thơ, hóa đơn điện tử (HÐÐT) sẽ chính thức thay thế hoàn toàn hóa đơn giấy từ ngày 1-11-2020 theo quy định tại Nghị định 119/2018/NÐ-CP ngày 12-9-2018 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 119). Do vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm triển khai sớm và có các bước chủ động chuẩn bị để thực hiện tốt chủ trương này.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Sự ra đời của Nghị định 119 được đánh giá là rất cần thiết nhằm khắc phục các hạn chế của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP và giúp nước ta chủ động hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế và hoạt động mua bán bằng phương thức điện tử phát triển với tốc độ rất nhanh, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đã được áp dụng việc khai thuế, đăng ký nộp thuế điện tử. Hiện nay, 100% doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu đều đã thực hiện các thủ tục hải quan điện tử, hạ tầng công nghệ thông tin của cơ quan thuế đã đảm bảo kết nối từ Tổng cục tới 63 Cục thuế và gần hết các Chi cục thuế quận, huyện, thị trên cả nước.

Nghị định 119 cũng giúp kế thừa và phát triển các kết quả đạt được của việc triển khai áp dụng HĐĐT, HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế thời gian qua. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý thống nhất và đồng bộ cho việc áp dụng rộng rãi phổ biến HĐĐT, đáp ứng triển khai thủ tục hành chính điện tử theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Thúc đẩy thực hiện tốt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán giữa cá nhân, doanh nghiệp. Song song đó, nó cũng đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế, trong đó có thủ tục về quản lý, sử dụng hóa đơn. Hướng tới hoạt động quản lý hóa đơn thống nhất, dễ thực hiện hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý hóa đơn để phòng, chống việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để gian lận, trốn thuế, khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước.

Theo đánh của nhiều doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, việc thực hiện HĐĐT mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và Nhà nước. Đặc biệt, HĐĐT giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh bị mất hay thất lạc như hóa đơn giấy,  giảm chí phí in ấn, vận chuyển, lưu trữ, kho… Đồng thời, hỗ trợ triển khai thương mại điện tử hoàn thiện hơn từ việc đặt hàng, giao hóa đơn và thanh toán đều qua mạng. HĐĐT cũng tạo sự yên tâm cho người sử dụng hàng hóa và dịch vụ, bởi họ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn và thông tin của người bán còn hoạt động hay không. Mặt khác, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xác minh hóa đơn của các cơ quan chức năng. Góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, ngăn chặn kịp thời các hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích. Khắc phục tình trạng làm hóa đơn giả, gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn như: lập hóa đơn sai lệch giữa các liên… Từ đó, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Yến Nhi, công tác ở Công ty Cổ phần MISA tại Cần Thơ, cho rằng: "Sử dụng HĐĐT có thể tiết kiệm được 90% chi phí so với hóa đơn giấy và có thể sử dụng điện thoại thông minh để xuất hóa đơn mọi lúc mọi nơi một cách nhanh chóng, với thời gian chỉ 5 giây là HĐĐT có thể đến tay khách hàng. HĐĐT rất an toàn, không sợ thất lạc và sử dụng nó cũng góp phần bảo vệ môi trường".

Nghị định 119 có hiệu lực từ ngày 1-11-2018, yêu cầu việc thực hiện HĐĐT tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành xong việc chuyển đổi sang HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định chậm nhất là ngày 1-11-2020. Trong thời gian từ 1-11-2018 đến ngày 31-10-2020, các Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực thi hành. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-10-2020. Cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian này nếu được cơ quan thuế yêu cầu sử dụng HĐĐT thì phải áp dụng HĐĐT, còn trường hợp chưa đủ điều kiện để áp dụng HĐĐT thì được phép sử dụng hóa đơn giấy theo quy định tại Nghị định 51/2010… Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chánh Văn phòng Cục Thuế TP Cần Thơ, các doanh nghiệp cần quan tâm triển khai sớm và có các bước chuẩn bị để đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình được quy định, tránh bị động. Thời điểm hiện nay, doanh nghiệp có thể triển khai thực hiện song song giữa hóa đơn giấy và HĐĐT.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thực hiện HĐĐT, vừa qua tại hội nghị triển khai chính sách thuế và đối thoại doanh nghiệp quý II-2019, Cục Thuế TP Cần Thơ đã triển khai đến doanh nghiệp các nội dung của Nghị định 119 của Chính phủ. Đồng thời, trực tiếp trao đổi, giải đáp các câu hỏi và ý kiến thắc mắc của doanh nghiệp xung quanh việc áp dụng thực hiện HĐĐT theo Nghị định này. Cục Thuế TP Cần Thơ cũng giới thiệu thông tin về các đơn vị, doanh nghiệp có thể cung cấp phần mềm HĐĐT để doanh nghiệp tại Cần Thơ nắm và ứng dụng vào thực tế. 

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết